Nhân sĩ Bùi Bằng Đoàn:Vị quan thanh liêm chính trực, dĩ công vi thượng
Cập nhật: 25/09/2019
Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân các đồng chí lãnh đạo Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
HĐND Sơn La: Phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
VOV.VN - Cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước, phẩm chất đạo đức trong sáng, suốt đời vì sự nghiệp ích quốc, lợi dân.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa I là nhiệm kỳ Quốc hội đi cùng với công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc. Với trọng trách là một trong những người đứng đầu Quốc hội trong giai đoạn này, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn với tài năng và kinh nghiệm dày dạn của mình, đã luôn bên cạnh Chính phủ, bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để dốc toàn bộ sức lực phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Tháng 9 năm nay, Đảng và Nhà nước tổ chức nhiều hoạt động nhằm tưởng nhớ và tri ân những đóng góp của cụ Bùi Bằng Đoàn cho cách mạng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Cụ.
Chân dung cụ Bùi Bằng Đoàn. Ảnh: Dòng họ Bùi Việt Nam |
Vị quan thanh liêm chính trực, dĩ công vi thượng
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Cụ Bùi Bằng Đoàn là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, một vị quan thanh liêm chính trực, dĩ công vi thượng. Nhiều năm làm quan trong triều đình nhà Nguyễn ở các chức vụ, ở các địa phương khác nhau, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan đức độ, thanh liêm, chính trực, yêu nước, thương dân. Trên công đường những nơi cụ làm quan, Cụ đều treo bảng thông báo “Không nhận quà biếu”.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng (ảnh trái). (Ảnh: Quochoi.vn) |
Năm 1922, khi đang làm Tri phủ Xuân Trường, ở Nam Định, Cụ đã đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long, ngăn nước mặn, tạo ra một vùng trồng lúa, trồng dâu rộng lớn, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo sản xuất và đời sống dân sinh ở địa phương. Ghi nhớ công lao của Cụ, nhân dân địa phương đã tôn thờ Cụ là vị Phụ mẫu chi dân, tuổi trẻ mà giàu đức độ, nặng lòng thương dân.
Năm 1925, khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng ở Nam Định, Cụ Bùi Bằng Đoàn được mời làm phiên dịch cho phiên tòa xử án nhà yêu nước Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, Cụ đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của Cụ Phan Bội Châu với quan tòa khiến tòa án của Pháp không khép Cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống mức đưa đi an trí ở Huế.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư mời tham gia Ban Cố vấn Chủ tịch nước. Trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, nhằm củng cố chính quyền, thanh tra minh bạch, ngăn chặn và xử lý những việc làm sai trái ở các cơ quan hành chính.
Bằng kinh nghiệm của bản thân và tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu, với thái độ công bằng, chính trực, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã cùng với Đoàn Thanh tra điều tra, xem xét, làm rõ, xử lý được nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giải quyết oan sai, khuất tất của người dân một cách thấu tình, đạt lý, được cán bộ và nhân dân tâm phục, khẩu phục, góp phần làm trong sạch bộ máy hành chính các cấp.
Khi được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội vào tháng 11/1946, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã cùng với các thành viên Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng tham gia vào công cuộc xây dựng, củng cố bộ máy Nhà nước, xây dựng nền dân chủ mới. Đặc biệt, Cụ được Quốc hội ủy nhiệm tham dự vào các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý trong mọi công việc kháng chiến, kiến quốc; trong đó có việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947.
Cụ Bùi Bằng Đoàn đã chỉ đạo đoàn đại biểu Quốc hội của các khu vực kiểm tra tình huống, lấy nguyện vọng của nhân dân góp ý cho Quốc hội và Chính phủ trong lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc. Cụ còn rất quan tâm, động viên cán bộ, chiến sỹ, khích lệ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta.
Với nhân cách cao đẹp của một chí sĩ hết lòng vì nước, vì dân, Cụ được triều đình Nhà Nguyễn và sau đó là Chính phủ Nam triều hết sức trọng dụng, nể phục. Trên cương vị là một nhà lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ, Cụ Bùi Bằng Đoàn luônnêu cao tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Một lòng tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm lẽ sống, Cụ đã cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Khi bị ốm nặng, được Trung ương Đảng và Chính phủ đưa về vùng tự do Thanh Hóa chữa trị nhưng cụ vẫn giữ mối liên hệ với chiến khu, thường xuyên qua thư từ góp ý cho Trung ương và Chính phủ về những vấn đề quan trọng của đất nước; vẫn hăng hái viết bài, đăng báo, động viên quân và dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kháng chiến thắng lợi, Thủ đô được giải phóng, Cụ Bùi Bằng Đoàn được đưa về Hà Nội để tiếp tục chữa bệnh. Với nghị lực của một chí sĩ yêu nước, vượt lên những mất mát, hy sinh cá nhân, Cụ tiếp tục hoạt động, cống hiến cho đến ngày tạ thế vào tháng 4/1955.
“Cụ Bùi Bằng Đoàn thực sự là tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước, phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực của một trí thức Việt Nam, suốt đời vì sự nghiệp ích quốc, lợi dân” – ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Trọn một đời yêu nước thương dân
Trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam” mới diễn ra mới đây, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên cương vị là người đứng đầu Quốc hội, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn đề cao tư tưởng đại đoàn kết để động viên các lực lượng tham gia kháng chiến, sát cánh cùng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thực hiện cho được mục tiêu kháng chiến toàn dân, toàn diện.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã tích cực đấu tranh phản bác những luận điệu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bên cạnh đó, Cụ đã góp phần giải thích và làm cho quần chúng nhân dân thêm tin tưởng và hiểu rõ về đường lối đối nội cũng như chính sách ngoại giao với thực dân Pháp trong giai đoạn đó.
Cụ Bùi Bằng Đoàn giữ trọng trách đứng đầu Quốc hội trong giai đoạn đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện để bảo vệ nền độc lập dân tộc mới giành được. Dưới sự lãnh đạo của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát huy vai trò của mình không chỉ trong việc xây dựng Hiến pháp và pháp luật mà cả trong nhiệm vụ kháng chiến. Quốc hội đã sát cánh cùng Chính phủ liên hiệp Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thực hiện thành công nhiệm vụ đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập và đưa miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho nhân dân ta đấu tranh chống đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
“Tấm gương sáng về đức độ thanh liêm và sự tận tụy với Tổ quốc của Cụ là niềm tự hào cho các thế hệ đại biểu Quốc hội Việt Nam” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ông Bùi Nghĩa, con trai Cụ Bùi Bằng Đoàn. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Giáo sư-Bác sĩ Bùi Nghĩa – con trai Cụ Bùi Bằng Đoàn chia sẻ, cha ông là một sứ giả tiêu biểu trong lịch sử họ Bùi thời hiện đại.Cụ Bùi Bằng Đoàn đã trọn một đời, từ thuở thiếu thời đã sớm ấp ủ tình “yêu nước thương dân”. Bốn chữ này đã theo Cụ suốt cả chặng đường dài dưới cả hai chế độ, cho đến ngày Cụ trút hơi thở cuối cùng.
Lên đến tột đỉnh vinh quang, gia sản cụ để lại cho gia đình, dòng tộc không phải là tiền bạc, mà là đức độ, tài năng, là nhân cách và phẩm giá của một con người đã dốc lòng vì nước, vì dân. Đó là gia tài vô giá nhất Cụ đã để lại cho con cháu.
“Cụ đã có công lao to lớn cống hiến cho đất nước, cho cách mạng, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, con cháu các thế hệ nguyện học tập, noi gương sáng của Cụ về đạo đức, về liêm khiết, chính trực, về phẩm chất và nhân cách để tự hoàn thiện mình thành những người lương thiện, để tạo nên sức mạnh cho bản thân, gia đình, dòng họ, để cùng chung những dòng họ vinh hiển khác góp sức xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại, phồn thịnh, hạnh phúc bền vững cho con cháu muôn đời sau”- GS.BS Bùi Nghĩa cho biết./.
Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về nhân sĩ Bùi Bằng Đoàn
Từ khóa: nhân sĩ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, tham nhũng, cán bộ nhận quà
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN