Nhận định chứng khoán 9/8: Thị trường có thể còn giằng co trong vùng 1.200 – 1.210 điểm
Cập nhật: 21/08/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Thị trường chứng khoán có thể sẽ còn giằng co trong vùng 1.200 – 1.210 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay 9/8. Đồng thời, thị trường có khả năng bước vào giai đoạn tích lũy trong những phiên giao dịch tới và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt thanh khoản có thể ở mức thấp.
Phiên giao dịch ngày 8/8 thị trường diễn ra với nhiều biến động, cuối phiên sáng 8/8, VN-Index tiếp tục tăng điểm với sự dẫn dắt của cổ phiếu VHM cùng nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ Đầu Tư Công lên sát mốc 1.220 điểm, tuy nhiên lực bán mạnh xuất hiện ngay đầu phiên chiều khiến cho VN-Index kết phiên giao dịch ngày 8/8 giảm -7,56 điểm (-0,62%) xuống mốc 1.208,32 điểm. HNX-Index kết phiên tại mốc 226,73 điểm (-1,22 điểm, tương ứng -0,54%). Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 172 cổ phiếu giảm giá, 141 cổ phiếu tăng giá, 55 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 82 cổ phiếu giảm giá, 55 cổ phiếu tham chiếu và 60 cổ phiếu tăng giá. Thanh khoản trên cả 2 sàn tăng so với phiên giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh +25,2% tại HOSE và +32,9% tại HNX.
Điểm nhấn thị trường phiên 8/8 là nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ Đầu tư công với HHV tăng kịch biên độ (+7%), C4G (+3,37%), FCN (+4,7%), LCG (+5,8%), VCG (+5,7%)... Đa số cổ phiếu ngành Cảng và Vận tải biển giao dịch trong sắc xanh với HAH (+0,13%), VOS (+0,99%), VIP (+1,15%), cổ phiếu PVT (+2,01%) phản ứng tích cực với tin về kế hoạch chi thêm 22.420 tỷ đồng để mua thêm 30 tàu mới... Nhóm ngành Dệt may có một phiên giao dịch ấn tượng , cụ thể là TNG (+4%), VGT (+4,32%), MSH (+6,98%), STK (+3,81%), ADS (+4,59%)...
Nhóm ngành tác động nhiều nhất tới chỉ số hôm nay là Ngân hàng khi các mã vốn hóa lớn đều giảm điểm như TCB (-4,36%), MBB (-1,28%), BID (-0,86%), VPB (-0,8%), VCB (-0,5%) dù một số mã tăng điểm như HDB (+0,4%), LPB (+0,35%), BVB (+0,59%). Nhóm cổ phiếu Vingroup phân hóa với VHM (+1,1%), VIC (-1,3%), VRE (-1,9%). Diễn biến tương tự cũng diễn ra với nhóm hàng tiêu dùng khi VNM (-1,5%) điều chỉnh sau đợt tăng mạnh trong khi MSN (+2,1%) tăng.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng ngắn hạn của VN-Index duy trì kém tích cực, chỉ số đang chịu áp lực cơ cấu danh mục, bán khi phục hồi lên vùng 1.220 điểm, giá thấp phiên 24/7 và điều chỉnh kiểm tra lại vùng hỗ trợ tâm lý mạnh 1.200 điểm. Trường hợp tích cực VN-Index cần giữ được vùng hỗ trợ tâm lý mạnh này, thì vẫn có thể tiếp tục phục hồi kiểm tra lại vùng giá 1.220 điểm - 1.230 điểm. Nếu yếu tố bất định của thế giới tiếp diễn, VN-Index không giữ được vùng giá 1.200 điểm thì có thể điều chỉnh về vùng giá 1.265 điểm - 1.285 điểm tương ứng các vùng giá thấp nhất tháng 4/2024 và ngày 5/8.
Về trung hạn, VN-Index đã đánh mất đường xu hướng giá kéo dài từ tháng 11/2023 đến nay, cũng như vùng giá cân bằng 1.245 điểm -1.255 điểm của kênh giá 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.300 điểm - 1.320 điểm. Do vậy, VN-Index chuyển sang tích lũy trong vùng 1.180 điểm - 1.200 điểm đến 1.245 điểm - 1.255 điểm, với 1.200 điểm là vùng giá cao nhất năm 2018, 1.245 điểm - 1.255 điểm là vùng giá cao nhất năm 2023. Vùng giá cân bằng của kênh tích lũy này là 1.220 điểm.
“Thị trường đã phục hồi trở lại vùng giá quanh 1.220 điểm, vùng giá thấp các ngày 24/7 và đã chịu áp lực bán, cơ cấu danh mục. Nhà đầu tư có tỷ trọng ở mức cao đã xem xét cơ cấu giảm tỷ trọng các mã yếu kém, phạm mức dừng lỗ như khuyến nghị của chúng tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng dưới mức trung bình. Với chỉ số VN-Index, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ thoát khỏi xu hướng tích lũy trung hạn kéo dài hiện nay, trước khi có các quyết định mới. Với các trường hợp tỷ trọng thấp, có thể xem xét mở rộng danh mục theo dõi giải ngân”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), phiên giao dịch ngày 8/8 cho thấy sự giảm điểm của VN-Index với áp lực bán mạnh từ các cổ phiếu Tài chính và Bất động sản. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu tiện ích như Kinh doanh khí, Điện, Dệt May, Đầu tư Công lại có sự tăng trưởng tích cực, tạo điểm sáng trong bối cảnh thị trường chung đang yếu. Thanh khoản thị trường ở mức cao hơn so với phiên trước nhưng một lần nữa khối ngoại lại bán ròng mạnh cho thấy góc nhìn tiêu cực của nhóm nhà đầu tư này.
“Nhà đầu tư nên thận trọng, chỉ nên nắm giữ tỷ trọng trung bình thấp và chỉ mua nếu thị trường xác lập đáy”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ còn giằng co trong vùng 1.200 – 1.210 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay 9/8. Đồng thời, thị trường có khả năng bước vào giai đoạn tích lũy trong những phiên giao dịch tới và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt thanh khoản có thể ở mức thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư giảm bi quan hơn so với các phiên giao dịch trước.
“Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang trong vùng quá bán cho thấy thị trường vẫn có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật trong ngắn hạn. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và không nên bán ở giai đoạn này. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Từ khóa: chứng khoán, chứng khoán, chứng khoán hôm nay, nhận định chứng khoán, thị trường chứng khoán, VN-Index
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: ctv kim oanh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN