Nhận định chứng khoán 12/3: Áp lực rung lắc sẽ sớm quay trở lại
Cập nhật: 13/03/2024
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Phiên hồi phục ngày 12/3 không làm thay đổi động lực tăng ngắn hạn của thị trường đã suy yếu. VN-Index sẽ tiếp tục đối diện ngưỡng cản trung hạn 1.250 điểm và trong trường hợp lấy lại được mốc này thì khả năng VN-Index hình thành uptrend mạnh mẽ cũng khó xảy ra mà nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ giao dịch trong vùng tích lũy trung hạn 1.150 điểm - 1.250 điểm.
>> Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/3
Trong phiên 12/3, VN-Index phục hồi khá tích cực ở vùng hỗ trợ quanh 1.235 điểm tương ứng đường giá trung bình MA20 ngày. Kết phiên giao dịch ngày 12/3, VN-Index tăng 9,51 điểm (+0,77%) lên mức 1.245.00 điểm, dưới vùng giá cao nhất tháng 08/2023. VN30 kém tích cực hơn, phục hồi kiểm tra lại đường giá MA20 ngày tương ứng quanh 1.250 điểm. HNX-Index tăng 0,19 điểm (0,08%) lên mức 234,03 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về tích cực sau 2 phiên chịu áp lực giảm mạnh với 346 mã tăng giá (10 mã tăng trần), 269 mã giảm giá (5 mã giảm sàn) và 173 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 22.445.8 tỷ đồng, giảm 13,07% so với phiên trước, trên mức trung bình. Mức độ phục hồi kém ở nhiều mã sau áp lực điều chỉnh, tuy nhiên thị trường vẫn có nhiều mã rất tích cực, thanh khoản đột biến. Mặc dù thị trường phục hồi nhẹ sau 2 phiên chịu áp lực điều chỉnh mạnh, nhưng thị trường vẫn có nhiều mã, nhóm mã có diễn biến tăng giá mạnh, nổi bật là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su khi nhiều mã vượt đỉnh giá gần nhất, thanh khoản đột biến mạnh như: GVR (+6,94%), DPR (+6,94%), SIP (+6,93%), SZC (+3,94%).... ngoài ITA (-1,64%)... Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng có diễn biến khá nổi bật khi nhiều mã tăng mạnh như: DGW (+6,91%), PET (+4,05%), FRT (+2,27%)...
Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng sau áp lực điều chỉnh mạnh với thanh khoản gia tăng đột biến trong hai phiên trước, đa số đã phục hồi trở lại với thanh khoản suy giảm mạnh, mức độ phục hồi kém tích cực và phân hóa mạnh với BID (+2,97%), TCB (+1,98%), LPB (+1,81%).... ngoài các mã giảm điêm nhẹ NVB (-0,93%), SHB (-0,88%), HDB (-0,65%)... Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng phân hóa, đa số biến động nhẹ, thanh khoản suy giảm nhưng vẫn trên mức trung bình.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), phiên hồi phục ngày 12/3 không làm thay đổi động lực tăng ngắn hạn của thị trường đã suy yếu. VN-Index sẽ tiếp tục đối diện ngưỡng cản trung hạn 1.250 điểm và trong trường hợp lấy lại được mốc này thì khả năng VN-Index hình thành uptrend mạnh mẽ cũng khó xảy ra mà nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ giao dịch trong vùng tích lũy trung hạn 1.150 điểm - 1.250 điểm.
Về góc nhìn trung hạn, VN-Index đang cho thấy tín hiệu kết thúc nhịp vận động tăng và bắt đầu suy yếu để hình thành nhịp giảm trong vận động swing. Nếu VN-Index bước vào nhịp giảm thì vận động này cũng là vận động bình thường và phù hợp với ký vọng swing tích lũy 1.150 điểm - 1.250 điểm hoặc 1.300 điểm.
“VN-Index phục hồi nhung vẫn chưa vượt lên trên kháng cự 1.250 điểm và có tín hiệu bước vào giai đoạn giảm ngắn hạn, nhà đầu tư ngắn hạn không nên tham gia tích cực ở giai đoạn hiện tại dù VN-Index có nhịp hồi. Nhà đầu tư trung-dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục đã cơ cấu ổn định theo các khuyến nghị trước đây, không nên giải ngân ở giai đoạn hiện tại mà nên chờ đợi thị trường bước vào nhịp giảm ngắn hạn”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), trên đồ thị kỹ thuật, lực cung từ phe bán suy yếu kết hợp với lực cầu bắt đáy gia tăng về cuối phiên đã giúp cho VN-Index ghi nhận phiên hồi phục đầu tiên sau một nhịp giảm sâu. Mặc dù vậy, đà tăng điểm chỉ đến từ một vài mã cổ phiếu bluechip trong khi thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt chủ đạo cho thấy mức độ tin cậy của cây nến tăng điểm phiên hôm nay là chưa cao. Với xu hướng giảm điểm trên khung giờ vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, áp lực rung lắc được cho là sẽ sớm quay trở lại khi chỉ số tiếp cận ngưỡng cản đáng lưu ý quanh 1.250 điểm.
“Các nhà đầu tư nên tiếp tục bán hạ tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn trong các nhịp hồi phục sớm. Chỉ mở mua trở lại các vị thế trading ngắn hạn khi chỉ số lùi về vùng hỗ trợ sâu hơn quanh 1.210 (+-5) hoặc chinh phục thành công ngưỡng cản 1.250 điểm”, chuyên gia của Agriseco lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, VN-Index ghi nhận phiên hồi phục tăng điểm sau hai phiên trượt điểm liên tiếp. Ở khung đồ thị ngày, sau khi chạm mốc 0.786 của thang đo Fibonacci thoái lui, chỉ số chung cho dấu hiệu giữ vững tại mức 1.240 và test lại vùng hỗ trợ này. Chỉ báo RSI có diễn biến hướng lên, đồng thời chỉ báo dòng tiền CMF vẫn đang ở vùng cao 0,19 nên xác suất cao VN Index sẽ tiếp tục điều chỉnh tích lũy. Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung ghi nhận tăng trở lại sau khi chạm dải dưới của dải Bollinger band, chỉ báo RSI hướng lên ở vùng thấp cho thấy tích lũy là cần thiết trước khi có nhịp tăng mới.
“Với diễn biến thị trường hiện tại, các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân cổ phiếu cho dấu hiệu kiểm tra hỗ trợ hoặc kháng cự thành công và thu hút dòng tiền trở lại thuộc nhóm ngành ngân hàng, bất động sản”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị.
Từ khóa: chứng khoán, chứng khoán hôm nay, Nhận định chứng khoán, VN-Index, thị trường chứng khoán
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: diệp diệp/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN