Nhận diện B-21 Raider - xương sống Không quân Chiến lược Mỹ tương lai
Cập nhật: 22/04/2020
Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn tri ân quê hương Nghệ An qua phim ca nhạc "Miền nhớ"
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
VOV.VN - Có thể được điều chỉnh cho các nhiệm vụ khác nhau, B-21 Raider sẽ trở thành máy bay ném bom đa năng đầu tiên trên thế giới.
B-21 Raider - Tàng hình cơ thế hệ mới
B-21 Raider là máy bay ném bom tàng hình chiến lược hạng nặng liên lục địa đang được Tập đoàn Northrop Grumman phát triển cho Không quân Mỹ theo chương trình Máy bay Ném bom Tấn công Tầm xa (Long Range Strike Bomber -LRS-B), có thể được tích hợp vũ khí thông thường và nhiệt hạch. Khi đi vào hoạt động vào năm 2025, cường kích cơ tàng hình thế hệ thứ 5 này sẽ bổ sung và sau đó thay thế các máy bay ném bom Rockwell B-1 Lancer (dự kiến loại biên vào năm 2036), Northrop Grumman B-2 Spirit (dự kiến loại biên vào năm 2032), và Boeing B-52 Stratofortress (dự kiến loại biên vào năm 2040).
Đề xuất phát triển LRS-B được đưa ra năm 2014, và vào tháng 10/2015, Northrop Grumman được trao hợp đồng phát triển máy bay ném bom đồng thời cũng có thể được sử dụng như một máy bay thu thập thông tin tình báo, chỉ huy chiến đấu và đánh chặn. Tại Hội nghị chuyên đề về chiến tranh trên không năm 2016, LRS-B đã chính thức được định danh là "B-21" - ám chỉ là máy bay ném bom đầu tiên của thế kỷ 21, và được đặt tên là "Raider" để vinh danh một chiến dịch có tên Doolittle Raiders, do Trung tá James Doolittle chỉ huy 16 máy bay ném bom B-25 và 80 thành viên phi hành đoàn từ một tàu sân bay ở phía tây Thái Bình Dương táo bạo không kích Tokyo (18/4/1942) trong Thế chiến II.
Việc lắp ráp cuối cùng B-21 sẽ diễn ra tại Nhà máy Không quân 42 gần Palmdale (California) và với nổ lực của 8 nhà thầu tên tuổi, nó sẽ được thử nghiệm bay lần đầu vào 12/2021, tại căn cứ không quân Edwards của Không đoàn số 420 - nơi chuyên đào tạo các kíp phi công B-2 Spirit. B-21 sử dụng bốn động cơ Pratt & Whitney PW9000, có sải cánh 35-40m, trọng lượng cất cánh 100 tấn, tốc độ bay cận âm; nhỏ hơn B-2 Spirit, nhưng vẫn giữ được khả năng về tải trọng. Về lý thuyết, B-21 sẽ có khả năng bất ngờ xâm nhập lãnh thổ đối phương, tấn công bằng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân rồi rời đi trước khi đối phương kịp nhận ra sự xuất hiện của nó.
Mỹ đang phát triển máy bay ném bom chiến lược để thay thế các máy bay sắp bị loại biên; Nguồn: aviationtoday.com |
B-21 sử dụng cơ cấu khí động học cánh bay, tương tự như B-2 Spirit. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt - động cơ của B-21 nằm khoảng gần thân hơn nơi nối cánh và thân máy, còn động cơ kép của B-2 được bố trí chủ yếu nằm ở phần cánh; cửa hút khí của động cơ B-21 không có vành khuyết răng cưa; phần khí thải sau động cơ được bảo vệ tốt hơn nên không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tàng hình trong dải sóng hồng ngoại. Thiết kế kiểu module của B-21 được tối ưu hóa, tạo điều kiện để hiện đại hóa dễ dàng và với chi phí thấp. Có nhận xét cho rằng, thiết kế của B-21 có nhiều điểm vay mượn từ nguyên mẫu máy bay ném bom Horten Ho 229 V3 được Đức Quốc xã phát triển trong những năm 1940.
Dự kiến, B-21 Raider được trang bị vũ khí hạt nhân và thông thường, gồm bom đâm xuyên nặng 14 tấn, chỉ B-2 có thể mang theo. Theo Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương (Mỹ), B-21 sẽ có thể độc lập tác chiến mà không cần đến sự bảo vệ của tiêm kích như tất cả các oanh tạc cơ hiện nay. Nhằm mục đính này, hiện chưa rõ Mỹ sẽ phát triển loại tên lửa mới hay dùng vũ khí không chiến sẵn có để tích hợp cho máy bay tàng hình thế hệ mới này. Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã chi khoảng 23,5 tỷ USD cho quá trình phát triển B-21, giá thành khoảng 564 triệu USD/chiếc.
Các tính năng được chú trọng
Dù tính năng chưa được công bố chính thức, B-21 được phỏng đoán sẽ được tích hợp công nghệ tàng hình hiện đại, tầm hoạt động xa và mang theo nhiều chủng loại vũ khí. Sự tiến bộ của công nghệ trí thông minh nhân tạo cũng có thể biến B-21 trở thành phương tiện chiến đấu chiến lược có khả năng tự hành bán phần hoặc hoàn toàn. Theo những thông tin ít ỏi được công bố, B-21 được trang bị hệ thống cảm biến, kết nối mạng chỉ huy trung tâm giúp tăng khả năng tác chiến và đối phó tình huống trên chiến trường, giúp nó có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ nào, kể cả S-400 hay sắp tới là S-500 của Nga.
B-21 và B-2 có nhiều điểm giống và khác biệt nhau; Nguồn: theaviationist.com |
Vũ khí phi hạt nhân của B-21 gồm có các tên lửa hành trình không đối đất (Joint Air-to-Surface Standoff Missile - JASSM-ER) và bom GBU-31 dẫn đường bằng GPS, bom đâm xuyên có lái dẫn (Massive Ordnance Penetrator - MOP) GBU-57A/B, có khả năng phá hủy các tầng bê tông cốt thép ở độ sâu 19m và mặt đất 61m. Không quân Mỹ dự định lắp đặt 2 bệ phóng tên lửa loại xoay tròn (Advanced Applications Rotary Launcher - AARL), có khả năng chứa 8 tên lửa hành trình mỗi bệ. Vũ khí hạt nhât tích hợp cho B-21 có thể gồm tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa (The Long Range Stand Off - LRSO) thế hệ mới nhất và bom nhiệt hạch có lái dẫn B61-12.
LRSO được phát triển để thay thế tên lửa hành trình không đối đất (Air-Launched Cruise Missile - ALCM) AGM-86B, hiện có thể khai hỏa được từ B-52. LRSO mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công các mục tiêu mà không thể tiếp cận được bởi một số máy bay tàng hình. Trong trường hợp có một cuộc tấn công hạt nhân lớn vào Mỹ, tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ trên không có thể cùng với các tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm là một trong số ít vũ khí có thể trả đũa hiệu quả và được coi như một công cụ răn đe thiết yếu chống lại cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên.
Hiện nay, máy bay tàng hình thực sự dễ bị tổn thương hơn nhiều so với khi chúng mới xuất hiện, vì vậy, các nhà phát triển của Không quân Mỹ xem khả năng tàng hình bao gồm nhiều yếu tố, không chỉ cấu hình tàng hình, triệt tiêu hồng ngoại và các vật liệu tránh radar mà còn là các yếu tố quan trọng khác như gây nhiễu điện tử, hoạt động trong điều kiện thời tiết bất lợi để hạ thấp tín hiệu âm thanh và tiến hành các cuộc tấn công song song với các máy bay ít tàng hình khác để thu hút sự chú ý từ các hệ thống phòng không của đối phương.
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, công nghệ tàng hình mới hơn có thể vượt qua các hệ thống phòng không đa tần tiên tiến phải sử dụng một đặc tính được gọi là tàng hình băng thông rộng (đa băng tần hoặc đa cấp tàng hình) để tránh né cả radar giám sát khu vực tần số thấp cũng như tần số cao; các thiết kế không có mặt cắt ngang hiển thị trên rada như đang được áp dụng đối với B-21. Trên thực tế, khả năng sống sót của máy bay ngoài dựa vào khả năng tàng hình, còn phụ thuộc một loạt các yếu tố khác như sự phối hợp tác chiến, thời tiết và năng lực tác chiến của phòng không đối phương…
B-21 sẽ là xương sống Không quân chiến lược Mỹ tương lai; Nguồn: wikipedia.org |
Với B-21, Không quân Mỹ sẽ đưa công nghệ tàng hình lên một tầm cao mới đối phó hiệu quả hơn với các radar tần số thấp ở các dải tần UHF và VHF vốn ngày càng được sử dụng phổ biến để đối phó với công nghệ tàng hình. Thiết kế của B-21, tương tự như thiết kế ban đầu của B-2, nhằm "qua mặt" các radar dải tần thấp (bước sóng dài hàng mét đến hàng chục mét) có thể phát hiện và theo dõi các tiêm kích tàng hình chiến thuật như F-22 và F-35, không có bộ phận nào trên máy bay quá nhỏ dễ gây ra hiện tượng cộng hưởng sóng radar.
Hiện tượng cộng hưởng xảy ra khi một bộ phận trên máy bay có kích thước nhỏ hơn 8 lần so với bước sóng radar, buộc B-21 phải được phủ tối thiểu hơn 60cm sơn hấp thụ radar trên mọi bề mặt - điều hoàn toàn bất khả thi trong thực tế - hoặc các nhà thiết kế buộc phải tối ưu hóa dải tần mà máy bay hoạt động. Do đó, để vượt qua các radar tần thấp như UHF và có thể là VHF, B-21 được thiết kế để toàn bộ phần thân và cánh máy bay gần như là một khối đồng nhất, không có cánh đuôi, giúp giảm tiết diện radar tần thấp đến mức gần như trở nên vô hình đối với hệ thống radar UHF hay VHF.
Trên thực tế, công nghệ tàng hình không giúp máy bay hoàn toàn vô hình, mà chỉ làm giảm khả năng và thời gian, hay cự ly bị phát hiện. Bởi vậy, B-21 còn được trang bị các thiết bị có khả năng gây nhiễu điện tử, giúp tăng khả năng sống sót. Raider cũng sẽ được trang bị thêm các tính năng nhằm đối phó với radar sóng mặt tần số cao (High Frequency Surface Wave Radar - HFSWR) - hệ thống có thể trở thành “khắc tinh” của các máy bay tàng hình Mỹ trong tương lai. Song song với việc nâng cao khả năng tự vệ của B-21, Không quân Mỹ cũng có kế hoạch phát triển máy bay tầm xa để hộ tống cường kích cơ tàng hình thế hệ 5 này, giúp tăng khả năng tác chiến và sống sót khi xâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương. Đây sẽ là thế hệ máy bay chiến đấu thứ 6, được phát triển theo chương trình xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương (Penetrating Counter Air - PCA).
Khác với B-2 được tạo ra trong Chiến tranh Lạnh chỉ làm nhiệm vụ máy bay ném bom chiến lược, B-21 có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ chiến đấu - tấn công các cơ sở phòng không và oanh tạc các mục tiêu chính. B-21 có thể được điều chỉnh cho các nhiệm vụ khác vì trong khoang chở hàng của nó có thể đặt các thiết bị liên lạc, trinh sát điện tử hoặc thiết bị tác chiến điện tử, biến B-21 trở thành máy bay ném bom đa năng đầu tiên trên thế giới. Nhưng ý đồ lớn nhất của các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ với máy bay chiến lược này là tạo ra phiên bản không người lái vào đầu những năm 30, phù hợp với điều kiện tác chiến hiện đại./.
Từ khóa: B-21 Raider, xương sống Không quân Chiến lược Mỹ, B-2, máy bay ném bom chiến lược, cường kích cơ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN