Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: Người nhạc sĩ phải luôn đổi mới, làm mới chính mình
Cập nhật: 19/06/2023
(VOV5) - Niềm đam mê âm nhạc đối với tôi sẽ không bao giờ hết cả. Càngđược trải nghiệm hơn, từng trải hơn, thì cái âm nhạc ấy nó sẽ có một cái chiều sâu, hoàn thiện hơn nữa.
Nhạc sĩ Trần Nhật Dương, nguyên phụ trách ban Âm nhạc, Đài TNVN vừa vinh dự là một trong những tác giả được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 với cụm tác phẩm ca khúc “Người đàn bà ngược nắng”, “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh”, tổ khúc cho piano “Nhịp điệu chiêng cồng” và sonatine “Khúc suy tưởng”. Đây là sự ghi nhận đối với văn nghệ sĩ, trí thức đã có nhiều cống hiến, vì sự phát triển của nền văn học nghệ thuật của đất nước. Giải thưởng cao quý này làm lan tỏa tinh thần cống hiến, sáng tạo, là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhạc sĩ Trần Nhật Dương nhận Giải thưởngNhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022 |
Trò truyện với BTV Xuân Kỳ, nhạc sĩ Trần Nhật Dương chia sẻ về những tác phẩm đoạt giải thưởng lần này.
PV: Xin gửi lời chào trân trọng tới nhạc sĩ Trần Nhật Dương và cũng xin được gửi lời chúc mừng anh với giải thưởng này. Thưa nhạc sĩ! anh có thể cho thính giả biết hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Người đàn bà ngược nắng” , 1 trong 4 tác phẩm âm nhạc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật của anh?
NS Trần Nhật Dương:Bài hát “Người đàn bà ngược nắng” nằm trong cụm tác phẩm vừa rồi được trao tặng giải thưởng Nhà nước. Đây là một giải thưởng rất vinh dự đối với cuộc đời sáng tác của tôi, thật sự xúc động khi được nhận giải thưởng này. Tác phẩm “Người đàn bà ngược nắng” tôi viết tặng một đồng nghiệp ở cùng cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam, đó là nhà báo Lý Thái Phương. Trong cảm xúc của tôi, tôi rất trân trọng chị, ở lĩnh vực nhà báo chị có những bài báo hết sức tinh tế, sắc sảo. Bên cạnh đó lại là một con người rất chan hòa, sống giản dị cùng với bạn bè, đồng nghiệp và trên hết đó là lòng yêu nghệ thuật, yêu thơ ca. Chị tặng cho tôi 1 tập thơ với mong muốn có thể kết hợp để có một tác phẩm âm nhạc. Khi đọc xong, tôi hình dung chị là một người phụ nữ rất kiên cường, bền bỉ, bên cạnh đó lại mong manh với từng cảnh đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của con người. Từ suy nghĩ như thế, tôi quyết định sẽ viết tặng chị một ca khúc với những cảm xúc, với tình cảm đồng nghiệp qua năm tháng công tác cùng một đơn vị. “Người đàn bà ngược nắng” đã ra đời như vậy. Cái tên “Người đàn bà ngược nắng ” xuất phát từ lời đề tựa của nhà báo Trần Nhật Minh cho cuốn thơ đó, trong đấy có câu là “Người đàn bà ngược nắng” và tôi nghĩ rằng câu ấy thể hiện đúng với con người của nhà báo Lý Thái Phương.
PV: Và nếu để so sánh ca khúc này có tuổi đời trẻ nhất trong số bốn tác phẩm nhận giải thưởng Nhà nước của nhạc sĩ Trần Nhật Dương. Hình như là tới độ tuổi này, phong cách sáng tác của anh có vẻ trẻ trung hơn, trữ tình hơn thì phải.?
NS Trần Nhật Dương:Thực ra đấy là cảm nhận của mọi người thôi, chứ còn trong cuộc đời sáng tác và sáng tạo nghệ thuật, thì người nhạc sĩ cũng như những người làm nghệ thuật luôn luôn muốn đổi mới mình, muốn tìm tòi những điều mới mẻ. Thậm chí là đổi mới những tình cảm, cảm xúc của mình làm sao cho nó phù hợp, hòa nhập được vào với nhịp đập, hơi thở của cuộc sống ngày hôm nay. Cho nên các ca khúc của tôi luôn phải khác những bài trước đó, phải làm mới , làm mới chính bản thân mình.
NS Trần Nhật Dương:Tác phẩm này lại là một câu chuyện kể về hình ảnh của người Hà Nội những năm 1970, 1972, đó là khi Mỹ đem B52 ném bom ở miền Bắc. Chính sự kiên cường, dẻo dai, sự bình thản đón nhận và cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn nhất, giữa bom đạn của quân thù trút xuống Hà Nội tạo cho tôi những cảm xúc, suy nghĩ về một thời lửa đạn, về một thời kiêu hùng của quân dân Hà Nội năm 1972. Lúc ấy tôi cũng còn rất trẻ, mới 12, 13 tuổi, những ký ức kỉ niệm đó thì không bao giờ phai mờ trong tâm trí của tôi. Năm 2012, kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, tôi có một người bạn lúc ấy là nghệ sĩ ưu tú Lê Thụy làm Tổng đạo diễn của chương trình “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm”. Nối cầu truyền hình giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và tôi với anh có kết hợp làm việc với, lúc ấy nảy sinh ra suy nghĩ của mình làm sao để có những cảm xúc, những tình cảm của mình để nói về sự anh hùng, quả cảm, cũng như là sự đón nhận hết sức là bình thản, bình dị để vượt qua những nỗi đau mất mát của chiến tranh. Tôi đã có dịp trao đổi với lại nhà báo Trần Nhật Minh, anh cũng là một người sinh ra ở Hà Nội, do vậy anh em có những đồng cảm, suy nghĩ để viết lên, ca ngợi chiến công cũng như sự quả cảm, kiên cường của người dân Hà Nội. Từ đó thì chúng tôi hình thành được một ca khúc “Bản hùng ca một thời kiêu hãnh”, như một câu chuyện kể về một thời đạn bom của quân và dân Hà Nội.
PV: Thưa nhạc sĩ Trần Nhật Dương! quá trình công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam có ảnh hưởng gì đến sự nghiệp sáng tác của anh không?
NS Trần Nhật Dương:Trước tiên, phải cho tôi được nói một lời cảm ơn đến Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt đến Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Nơi đã từng có các nhạc sĩ tên tuổi lớn của đất nước công tác những năm tháng qua như: nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Hồ Bắc, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Lưu Cầu, nhạc sĩ Văn Dung, nhạc sĩ Thế Song, nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Hoàng Hà… và còn rất nhiều những nhạc sĩ tên tuổi khác đã đóng góp những tác phẩm, những sáng tạo của mình cho nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Và một điều rất vinh dự, khi tôi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, đã được về công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là một nguồn động lực để giúp cho tôi phấn đấu, để tiếp thu truyền thống của các nhạc sĩ lớp cha anh đi trước. Và từ đó, tôi đã hết sức nỗ lực rèn luyện, tu dưỡng để làm sao xứng đáng là những lớp nhạc sĩ đi sau, giúp cho Ban Biên tập Âm nhạc, giúp cho Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn là một những địa chỉ thân quen của thính giả yêu đài, yêu âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
PV: Vâng! nếu để nói về chùm tác phẩm được Nhà nước ghi nhận với giải thưởng cao quý này, có thể thấy trong số các nhạc sĩ , anh là một trong những nhạc sĩ số ít có đầy đủ các tác phẩm ở cả hai thể loại ca khúc và khí nhạc. Điều đó cũng thể hiện sự cân bằng trong sáng tác âm nhạc của anh. Nhạc sĩ có thể chia sẻ lý do chọn hai tác phẩm khí nhạc “Tổ khúc piano Nhịp điệu chiêng cồng” và “Sonatin Khúc suy tưởng” cùng với các ca khúc để làm hồ sơ xét tặng không?
NS Trần Nhật Dương:Trước tiên, để nói về tại sao tôi lại chọn hai tác phẩm, tôi muốn nói qua một chút về cuộc đời học tập cũng như trưởng thành của tôi trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc. Tôi được đào tạo chính quy ở Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dưới sự dẫn dắt và chỉ dạy của Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Một người thầy mà tôi luôn luôn kính trọng, bởi vì không những tôi học được ở nhạc sĩ Đỗ hồng Quân về chuyên môn, về nghệ thuật mà còn học được ở nhạc sĩ sự yêu thích, sự đam mê để viết nhạc không lời. Và chính những điều đó đã luôn luôn truyền ngọn lửa, truyền động lực cho tôi, để làm sao sáng tác được những tác phẩm nhạc không lời. Bên cạnh những ca khúc phản ánh nhanh nhạy về cuộc sống, về Tổ quốc, về con người Việt Nam. Những tác phẩm nhạc không lời đã tạo nên được nguồn cảm xúc rất khác và nó có thể thể hiện được nhiều góc độ, tình cảm khác nhau. Mà với ca khúc thì rất ngắn, cần phải cô đọng về lời ca, về âm nhạc, thì nhạc không lời có thể truyền tải được nhiều hơn nữa những tình cảm, cảm xúc của mình, cho nên tôi viết cả phần nhạc không lời lẫn ca khúc. Bên cạnh một số tác phẩm nhạc không lời nữa như: “Tứ tấu đàn dây Vũ điệu lửa”, “Giao hưởng thơ Huyền thoại Đam San” thì để gửi giải thưởng Nhà nước , có hai tác phẩm là “Tổ khúc piano Nhịp điệu chiêng cồng” và “Sonatin Khúc suy tưởng”. Tôi chọn hai tác phẩm này , vì đấy là hai ngôn ngữ âm nhạc tương đối khác nhau về cảm xúc, về tình cảm. “Nhịp điệu chiêng cồng” là một câu chuyện mang âm hưởng của dân ca Tây Nguyên. Và như các bạn biết rằng, chiêng cồng đối với đồng bào Tây Nguyên, là nền văn hóa, nó như hồn cốt của đồng bào Tây Nguyên và nó cũng thể hiện được rõ cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên. Từ đấy tôi suy nghĩ, không phải là để mô phỏng lại tiếng chiêng, tiếng cồng mà ở đây muốn thể hiện cảm xúc của mình, về tinh hoa của đồng bào Tây Nguyên, về cuộc sống của người dân Tây Nguyên thể hiện qua những âm thanh, tiếng vang vọng của núi rừng, rồi cộng với ngôn ngữ âm nhạc của mình. Còn “Khúc suy tưởng” lại là một suy nghĩ khác, một cảm xúc khác. Tác phẩm như nói lên một con người sinh ra lớn lên, trưởng thành trong những bước đường phát triển, có những lúc thất bại, có những buồn vui, có những thành công và cũng có cả những niềm đau trong cuộc sống. Thì “Khúc suy tưởng” ấy đi sâu vào phần nội tâm nhiều hơn, nó tạo nên những mạch đập thể hiện rõ sự phát triển của một con người. Dù rằng có thể thất bại, dù rằng có thể có những nỗi đau trong cuộc sống, dù rằng có thể chưa có thành công nhưng trên hết cuối cùng con người chúng ta sẽ vượt qua, sẽ hướng tới một cái đẹp, cái chân thiện mỹ và hướng tới một hạnh phúc to lớn trong cuộc sống. Tôi nghĩ là hai tác phẩm đấy, nó có những suy nghĩ, tư duy, tình cảm khác nhau có thể thể hiện được ở nhiều góc độ, đa dạng hơn về tình cảm, về cảm xúc của mình và tôi đã chọn hai tác phẩm đó.
PV: Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật là một giải thưởng cao quý và ý nghĩa với các văn nghệ sĩ. Với nhạc sĩ Trần Nhật Dương, giải thưởng này là động lực để anh tiếp tục con đường âm nhạc mình đã lựa chọn phải không ạ?
NS Trần Nhật Dương:Tất nhiên rồi, giải thưởng Nhà nước là một giải thưởng vô cùng danh giá và cao quý đối với cuộc đời, sự nghiệp của mỗi nhạc sĩ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Và tôi thấy rằng bên cạnh sự xúc động của mình, bên cạnh tình cảm đã được ghi nhận như vậy, thì lại thấy trách nhiệm của một người nhạc sĩ lại lớn lao hơn nữa. Nó là nguồn động lực, là nguồn động viên đối với tôi để tiếp tục sự nghiệp sáng tạo âm nhạc của mình.
NS Trần Nhật Dương:Niềm đam mê âm nhạc thì có lẽ là từ nhỏ đã được người cha của tôi là nhạc sĩ Trần Hải, ông luôn luôn đưa tôi đến với âm nhạc, đưa tôi đi xem tất cả những buổi biểu diễn âm nhạc thời kì đó. Tới lúc trưởng thành, cũng có lúc tôi nghĩ rằng, cuộc sống âm nhạc có lẽ dừng lại và chuyển sang những con đường khác. Nhưng sau đó khi ở quân ngũ về, thì niềm đam mê âm nhạc trỗi dậy và từ đó tôi đã quyết tâm thi vào Nhạc viện Hà Nội. Sau một quá trình gần 10 năm học tập ở trong Nhạc viện, niềm đam mê ngày càng được hun đúc nhiều hơn nữa. Cuối cùng, một điều rất may mắn tôi lại được công tác tại Ban Biên tập Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi được đi công tác rất nhiều, những mảnh đất tôi qua, những con người tôi gặp đều để lại những cảm xúc, tình cảm của mình. Cho nên, tôi nghĩ rằng niềm đam mê âm nhạc đối với tôi sẽ không bao giờ hết cả. Càng ngày thì sẽ càng chín chắn hơn, càng được trải nghiệm hơn, từng trải hơn, thì cái âm nhạc ấy nó sẽ có một cái chiều sâu, hoàn thiện hơn nữa.
PV: Vâng! xin cảm ơn nhạc sĩ Trần Nhật Dương và một lần nữa xin được chúc mừng anh với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5