Nhạc sĩ Hồng Đăng- trọn đời tận hiến với âm nhạc
Cập nhật: 21/03/2022
(VOV5) -" Trong những cái tưởng như lý trí lại có sẵn tình cảm, chính là nét mạnh của thời văn học nghệ thuật gắn với cuộc sống. Đó là điều mà hôm nay tìm rất khó"
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:
Nhà văn Ngô Thảo, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Hồng Đăng kể lại: hồi còn khỏe mạnh, nhạc sĩ Hồng Đăng rất thích đi dạo quanh thành phố Hà Nội bằng xe máy. Vì thế, không lạ khi đến nhà nhạc sĩ, người ta cũng thấy những bức ảnh hai vợ chồng nhạc sĩ chở nhau đi dạo rất tình cảm.
Khi làm tổng thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV và V, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc, ông luôn là người kết nối các nghệ sĩ bởi tính tình luôn chan hòa, vui vẻ và rất chân thành. Ông còn là hội viên các hội: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam. Với gia tài hơn 70 ca khúc được sử dụng trong các bộ phim, ông chính là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Hồi ấy ông viết cuốn sách “Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng”. Cuốn sách này là một tài liệu quý cho các học viên lúc bấy giờ, trong đó ông đã chia sẻ cụ thể kĩ thuật hòa thanh phối khí, tính năng nhạc cụ. Trong cuốn hồi kí của mình, nhạc sĩ Phú Quang từng viết: ông có hai người thầy dạy sáng tác nhạc, đó là nhạc sĩ Hoàng Vân và nhạc sĩ Hồng Đăng.
Còn với nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì nhạc sĩ Hồng Đăng ngoài sáng tác âm nhạc giỏi còn là một con người trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam. Chỉ cần nhắc đến hai ca khúc “Hoa sữa” và “Kỉ niệm thành phố tuổi thơ” là đã thấy cả con người Hồng Đăng: "Chỉ nói đến hai ca khúc đó thì chúng ta đều thấy sự hoài niệm nhưng mỗi ca khúc có sự thể hiện khác nhau. Nếu như “Kỉ niệm thành phố tuổi thơ” trẻ trung, tình cảm còn “Hoa sữa” xúc động, man mác buồn nhưng lại mang đến cho chúng ta tình yêu quê hương, yêu thành phố chúng ta đang sống. Cách thể hiện với hai ca khúc ấy đã thể hiện cả một con người Hồng Đăng trong đó rồi. Ngoài là một người anh, người chú, ông còn là một người thầy về âm nhạc của chúng tôi. Ông viết sách về phối khí, về tính năng nhạc cụ trong trường nhạc mà rất nhiều thế hệ đã học. Đặc biệt trong cuộc đời từ lúc ông làm phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam mà chúng tôi là hội viên, sau này tôi cũng nối tiếp ông làm công tác ở hội thì cần phải học tập ông hơn nữa. Đặc biệt ông lại là người gần gũi với công chúng, với an hem, đồng nghiệp, với lớp con cháu."
Hơn nửa thế kỉ gắn bó với thủ đô, nhạc sĩ Hồng Đăng đã có nhiều sáng tác ca ngợi mảnh đất, con người nơi đây. Đặc biệt, ông có 4 ca khúc về 4 mùa đặc trưng của Hà Nội. Với mùa xuân, ông có bài “Mưa bụi”, mùa hạ có bài “Kỉ niệm thành phố tuổi thơ”, mùa thu ông có bài hát “Hoa sữa” và mùa đông là “Kí ức đêm”. Năm 2021 báo Thể thao Văn hóa- Thông tấn xã Việt Nam vinh danh ông với hạng mục Giải thưởng lớn vì tình yêu Hà Nội, tri ân một người nhạc sĩ đã tận hiến trọn đời cho nền âm nhạc nước nhà nói chung, với Hà Nội nói riêng bằng tài năng và tâm huyết của mình.
Bà Lê Anh Thúy, vợ nhạc sĩ Hồng Đăng cho biết: "Giải thưởng Bùi Xuân Phái đến với gia đình rất bất ngờ. Bởi vì đây là giải thưởng ban tổ chức tự đề cử, tự xét và trao. Gia đình tôi cũng bất ngờ và cảm động. Đấy là sự ghi nhận rất xứng đáng cho cả đời sáng tác. Tuy ông ấy không sinh ra ở Hà Nội nhưng có lẽ vì được sinh ra trong một gia đình trí thức Pháp nên khi về Hà Nội, chàng trai 18 tuổi gặp một thành phố đô hội, phồn hoa nên cảm xúc rất mạnh. Cuộc đời ông ấy cũng rất truân chuyên, trong cuộc đời riêng cũng như trong sáng tác, công việc. Thực ra sự truân chuyên ấy đối với cuộc đời một người bình thường sẽ mất rất nhiều, nhưng đối với người nghệ sĩ lại được rất nhiều."
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5