Nhà Trắng trước sức ép để Ukraine dùng vũ khí vượt lằn ranh đỏ tấn công Nga

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 2/7, một số nghị sĩ cấp cao trong Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Nhà Trắng dỡ bỏ hạn chế áp lên Ukraine về việc sử dụng các vũ khí tầm xa do Washington cung cấp.

Hồi tháng 5/2024, chính quyền Tổng thống Biden thông báo, Washington sẽ không để các lực lượng của Kiev phóng vũ khí của nước này vào lãnh thổ Nga mà chỉ giới hạn sử dụng chúng ở một số vị trí gần khu vực Kharkov.

Tấn công vào lãnh thổ Nga là một lằn ranh đỏ với Washington kể từ khi xung đột nổ ra bởi Nhà Trắng lo ngại Điện Kremlin sẽ coi đây là cái cớ để leo thang. Phép thử cho sự thay đổi chính sách này là các cuộc tấn công bằng bom lượn của Nga gây tổn thất đáng kể cho Ukraine.

Dù vậy, việc chính quyền Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công một khu vực hạn chế là minh chứng khác cho thấy sự đảo ngược quyết định của Washington sau một số trường hợp tương tự trước đó.

Chuyên gia George Barros thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) nói rằng, hướng tiếp cận "tháo hoàn toàn găng tay" để thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới "thực sự có thể thay đổi cuộc xung đột".

Không mấy bất ngờ khi Kiev và nhiều nước phương Tây như Anh, Thụy Điển, Ba Lan, các nước Baltic và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hối thúc Mỹ dỡ bỏ những hạn chế hiện nay và cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Trong phiên điều trần ngày 2/7 (giờ Mỹ), ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ ủng hộ việc cho phép Ukraine tự do chiến đấu khi cần.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Joe Wilson cho rằng, Nga đã "tính toán chính xác khoảng cách để tấn công Ukraine từ lãnh thổ của mình để Ukraine không thể đáp trả". Ông Wilson nhấn mạnh, việc kêu gọi dỡ bỏ tất cả lệnh hạn chế về vũ khí Mỹ sử dụng ở Ukraine được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ, đồng thời cho rằng những đe dọa leo thang căng thẳng của Nga chỉ là nói suông. Gregory Meeks - thành viên cấp cao đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại cũng tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế về vũ khí cho các lực lượng của Ukraine.

Những tuyên bố của Nga vào tháng 9/2022 cho thấy việc cung cấp các vũ khí tầm xa cho Ukraine sẽ "vượt lằn ranh đỏ" bởi tầm bắn của chúng cho phép Kiev tấn công Moscow. Một số quan chức quân sự cấp cao đã chỉ ra học thuyết quân sự của Nga, đặc biệt liên quan đến cái gọi là rủi ro hiện hữu, theo đó nói rằng việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí như vậy có thể buộc Nga phải đáp trả hạt nhân hoặc thúc đẩy nước này tấn công các nước NATO.

Theo Defense One, từ mùa thu năm 2023, các báo cáo cho thấy Mỹ có thể đã thay đổi tính toán và cung cấp số lượng nhỏ các tên lửa tầm xa một cách bí mật, bất chấp thực tế Nhà Trắng trước đó nói rằng Washington không có đủ tên lửa. Vào thời điểm đó, các nhà quan sát và thậm chí một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã thúc đẩy Mỹ cung cấp tên lửa vì chúng sẽ cho phép Ukraine chiếm các vị trí sơ hở của Nga.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Thomas Kean phát biểu tại phiên điều trần ngày 2/7/2024 rằng, chính quyền Tổng thống Biden "chỉ đang thực hiện các biện pháp nửa vời" đối với thay đổi hiện tại về mặt chính sách trong việc Ukraine tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Ông Kean cũng yêu cầu lời giải thích về việc tại sao Nhà Trắng cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS có tầm băn 300km nhưng lại hạn chế sử dụng vũ khí này trong phạm vi 100km tính từ biên giới.

Ông đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu căn cứ không quân của Nga nằm trong tầm bắn của ATACMS?"

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về vấn đề châu Âu James O'Brien đã trả lời rằng: "Nếu Nga cố gắng mở rộng tiền tuyến, Ukraine sẽ được phép khai hỏa ở khoảng cách xa hơn". Ông cũng nói thêm rằng, thậm chí với hạn chế hiện tại, "chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong khả năng duy trì chiến dịch quân sự của Nga do tổn thất trong khu vực nằm trong tầm khai hỏa của Ukaine".

Vào đầu tháng 6, nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Turner, người đứng đầu Ủy ban Tình báo Hạ viện đã viết thư kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa ATACMS của Ukraine cũng như các vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp.

Từ khóa: ukraine, tên lửa tầm xa, tên lửa atacms, tên lửa vượt lằn ranh đỏ, vũ khí vượt lằn ranh đỏ, tấn công nga, xung đột ở ukraine, vũ khí ukraine, nhà trắng, hạn chế vũ khí

Thể loại: Thế giới

Tác giả: kiều anh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập