Nhà thơ Xuân Quỳnh: Trong ký ức người ở lại
Cập nhật: 05/10/2022
(VOV5) - Những ký ức vẹn nguyên về nữ sĩ tài danh của những người thân trong gia đình Xuân Quỳnh.
Ngày 6/10 năm nay đúng kỷ niệm 80 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Quỳnh. Một cuộc đời nhiều sáng tạo và cũng rất đỗi tận tâm, đã nhiều năm kể từ khi nhà thơ Xuân Quỳnh rời cõi tạm, nhưng trong tâm trí những người thân, ký ức về người chị, người mẹ vẫn còn vẹn nguyên, đong đầy.
Những năm qua, nhà báo Lưu Quang Định, em trai nhà thơ Lưu Quang Vũ cùng với các thành viên trong gia đình đã tích cực kết hợp cùng nhiều đơn vị, ê – kíp để lan tỏa di sản thơ văn của vợ chồng Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Trong thẳm sâu, ông vẫn còn lưu giữ những ký ức ban sơ về nhà thơ Xuân Quỳnh, từ thời bà chưa trở thành chị dâu.
Nhà báo Lưu Quang Định kể chuyện về Xuân Quỳnh trong buổi họp báo giới thiệu đêm thơ- nhạc-kịch Hoa cúc xanh |
Nhà báo Lưu Quang Định bồi hồi kể lại: “Lúc chị Quỳnh về làm dâu trong gia đình là năm 1973, lúc ấy tôi mới 7 tuổi, học cùng lớp với con chị Quỳnh là Lưu Tuấn Anh. Trước đấy chị Quỳnh ở cùng khu tập thể với gia đình tôi, nhà tôi tầng 2, nhà chị tầng 3, tôi vẫn gọi chị là cô. Lúc ấy, tôi không biết chị là nhà thơ, chỉ biết là chị rất tháo vát, chị cắt tóc, nhổ răng cho trẻ con trong khu tập thể, có lần chị còn đèo tôi lên nhà bác sĩ đi tiêm. Đến một ngày đẹp trời bỗng cô Quỳnh trở thành chị Quỳnh. Tôi nhớ cái ngày chị vào nhà tôi và gọi mẹ tôi là mẹ là một hôm trời mưa rất to và chị tặng quà cho tất cả mọi người trong nhà. Và quà của tôi là một chiếc áo mưa”.
Nhiều năm tháng đã trôi qua, nhà thơ Xuân Quỳnh qua đời đã 34 năm, cậu sinh viên Lưu Quang Định tóc cũng đã ngả màu nhưng khi kể lại kỷ niệm mùa đông ở Matxcơva 1 năm trước sự ra đi đột ngột của người chị thân thương, giọng nói và cảm xúc của Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay và Báo điện tử Dân Việt vẫn rưng rưng: “Năm 1987, chị Quỳnh sang Liên Xô học trường Viết văn Gorky ở Matxcova, lúc ấy tôi và em ruột tôi đều đang là sinh viên ở đó. Lúc ấy là tháng 10, tháng 11 trời rất lạnh, chị rất hay viết thư tâm sự với tôi. Tôi ở thành phố cách xa Matxcova đến 2000 cây số. Có khi trong cùng một bức thư, lúc đầu chị khuyên đừng lên thăm vì đường sá xa xôi cách trở, cuối thư lại mong chị em được gặp nhau. Trong 2 tháng chị học ở đó, tôi có lên thăm chị một lần. Chị ở cùng phòng với chị Ngọc Tú. Buổi tối hai chị nấu mì cho tôi ăn và tôi dẫn hai chị ra phố chơi. Tôi vẫn nhớ lúc ấy chị Quỳnh trông rất bé nhỏ giữa thủ đô Matxcova, khi đi thang cuốn vào cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, metro, chị sợ ngã bíu chặt lấy tay tôi. Buổi tối tiễn tôi ra ô tô bus để về, chị đứng vẫy tay chào, hình bóng bé nhỏ trông rất thương”.
Vợ chồng NSND Lan Hương và NSUT Đỗ Kỷ bắt đầu hoạt động nghệ thuật vào những năm Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đã là những tên tuổi trong làng thơ, làng kịch nước nhà. Thế nhưng, giữa hai nhà thơ và các nghệ sĩ trẻ không có nhiều cách biệt. Đó cũng là điều khiến NSND Lan Hương cảm thấy trân trọng và ghi nhớ. Tự nhận không phải là người đắm đuối với thế giới của thơ ca, thế nhưng, khi đọc những vần thơ của nữ sỹ Xuân Quỳnh, trái tim NSND Lan Hương đã rung lên những nhịp đập thổn thức.
Bà giãi bày: “Nữ sĩ Xuân Quỳnh tôi vẫn thường gọi một cách thân thương và kính trọng là chị Xuân Quỳnh. Vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ không chỉ với cá nhân tôi là niềm tự hào của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tôi yêu quý, kính trọng, nể phục anh chị. Trong mắt tôi đó là một người phụ nữ rất phụ nữ trong từng áng thơ và có một tình yêu nồng nàn, mãnh liệt. Điều đó thể hiện trong thơ và mỗi lần đọc thơ chị tôi đều xúc động. Bởi thế trong các chương trình được mời đọc thơ Xuân Quỳnh thì tôi đọc đơn giản, hòa cảm xúc của mình vào đó. Đó là cuộc sống quanh ta, giản dị và sâu lắng”.
Là người em, người thân của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, PGS.TS Lưu Khánh Thơ cũng là một độc giả hiểu ngọn nguồn của những sáng tác làm nên tên tuổi của người chị dâu mà bà đã coi như chị gái trong gia đình. Ngoài “Tự hát” thì bài thơ có nhan đề “Mẹ của anh” cũng là một sáng tác theo bà bắt nguồn từ cuộc đời thực với những tâm tình và nỗi niềm rất phụ nữ, rất con người.
Theo PGS.TS Lưu Khánh Thơ “Mỗi thế hệ, mỗi lứa tuổi thì tiếp nhận thơ Xuân Quỳnh theo một cách khác. Tất nhiên Xuân Quỳnh thì rất nổi tiếng với những bài thơ tình yêu, nhất là khi các bài thơ này được phổ nhạc. Trong thơ tình của chị, tôi ấn tượng với bài “Tự hát” còn khía cạnh cảm hứng đời tư, tôi rất yêu thích bài thơ “Mẹ của anh” – Một bài thơ hiếm hoi và độc đáo trong kho tàng thơ ca. Nhà thơ Phạm Tiến Duật từng nói là đọc bài thơ này mới hiểu được Xuân Quỳnh đã yêu Lưu Quang Vũ như thế nào, ân tình của người phụ nữ Việt Nam sâu đậm ra sao”.
Trước dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nữ sĩ Xuân Quỳnh, những ký ức về nữ thi sĩ cũng là người mẹ, người chị xiết bao thân thương được gợi nhớ lại. Bên cạnh những kỷ niệm vui, hẳn có những nỗi niềm. Với người con trai của nhà thơ và người chồng đầu, đó là sự bồi hồi khi nhìn lại quãng thời gian đã qua đi. Ông Lưu Tuấn Anh chia sẻ: “Với tôi thì ngần ấy thời gian đã trôi qua rồi thì tôi cũng không thể hình dung được mẹ tôi nếu như còn sống thì đã 80 tuổi. Trong ký ức tôi, mẹ tôi vẫn rất còn trẻ, như thời trước khi bà ra đi”.
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh, gia đình đã kết hợp với báo Nông thôn ngày nay, báo điện tử Dân Việt cùng ê – kíp “Se sẽ chứ” tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch mang tên “Hoa cúc xanh”. Chương trình diễn ra vào hai đêm 5- 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, nhà thơ Xuân Quỳnh, hoa cúc xanh. đêm thơ nhạc, Lưu Quang Định. Lưu Khánh Thơ, thơ Xuân Quỳnh
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5