Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh – Trăm năm đẹp mãi buồn xưa
Cập nhật: 09/12/2020
(VOV5) -“Nghệ thuật, kể cả kiến trúc, kể cả văn thơ, âm nhạc cũng cần có thơ. Nếu không có thơ thì không ai tiếp nhận cả”. - Nguyễn Xuân Sanh
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chặng giữa của phong trào Thơ Mới, giữa dàn đồng ca sôi nổi với những cái tên nổi bật như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, xuất hiện một Nguyễn Xuân Sanh với hơi thơ độc đáo, khác lạ. Không ảnh hưởng hơi hướng thơ tượng trưng Pháp, cũng không bộc lộ những hưng cảm bất thần, dữ dội, những “Buồn xưa”, “Bình tàn thu”, “Hồn ngàn mùa” có những câu thơ gợi và đẹp đến nao lòng – không hề Tây hóa, trái lại còn rất thuần Việt.
Tên tuổi của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trước nay vẫn gắn với nhóm “Xuân Thu nhã tập” và tuyển tập cùng tên của nhóm Văn nghệ sĩ này.
Trong số ba bài thơ in tron tập, bài “Bình tàn thu” mở đầu với: “Bình tàn thu vai phấn nghiêng rơi/ Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời”. Bên cạnh đó là bài “Buồn xưa” có những câu lạ, nhiều sức gợi: “…Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà…” – Đó có lẽ là những câu thơ mang dấu ấn sáng tác của Nguyễn Xuân Sanh ít người quên được. Đã có thời, người ta cố công đi tìm cơn cớ của những vần điệu có vẻ bí hiểm ấy.
Riêng với nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông cho biết: “Từ thuở bé tôi đã biết đến thơ Nguyễn Xuân Sanh qua bài “Nhớ dừa” in trong sách Giáo khoa. Ông là nhà thơ xuất hiện ở thời thơ Mới. Và ông đã có những câu thơ thoạt đầu người ta còn chả hiểu ra làm sao. Nhưng sau này nghe ông giải thích thì thấy hóa ra nó cũng rất giản dị. Vì nhà ông mùa nào đều có một cái đĩa bày hoa quả trên bàn thờ. Mỗi một mùa hoa quả lại thay thế nhau. Khi mùa đi ông có cảm giác nó đi qua đáy đĩa nhà mình. Câu thơ rất giản dị và cũng phải nói là rất hay”.
Nếu đời thơ Nguyễn Xuân Sanh chỉ có “Nhớ dừa” mà vắng “Buồn xưa” và “Bình tàn thu”, chắc gì người đời nay còn nhắc tới ông như một người vươn tới tận cùng cái mới trong thời buổi thơ ca vừa thoát hơi nệ cổ.
Nhà phê bình văn học Vũ Nho nhìn phong cách sáng tác của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh như một dẫn nhập tâm hồn cho thế hệ trẻ thời bấy giờ: “Khi tôi học Đại học thì cũng được nghe nhắc tới tên nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh với ý rằng bác là một trong những thành viên của nhóm Xuân Thu nhã tập, làm thơ theo kiểu mới mẻ, có những câu thơ đọc lên không hiểu được. Nhưng thực ra chúng tôi cũng rất thích thú khi đọc lên câu “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Sau này người ta cũng rất trân trọng nhóm Xuân Thu nhã tập của bác Nguyễn Xuân Sanh bởi vì đây là một nhóm văn nghệ sĩ chủ trương là tiếp thu những tinh hoa của dân tộc và làm khác đi chứ không phải những gì xưa nay mình có thì mình khôi phục lại”.
Ảnh tư liệu: Hàng đầu, từ tráiqua: Nhà văn Nam Cao, nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Kim Lân, nhà thơ Nguyễn Đình Thi.Hàng sau,từ trái qua: Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung,nhà văn Học Phi,Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ Chế Lan Viên,nhà thơ Hoàng Trung Thông, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài. |
Dịch giả Thúy Toàn, người từng có những cơ hội làm việc với nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đi vào cốt lõi bản chất những sáng tạo có vẻ khác người của tác giả “Buồn xưa”: “Ông là một nhà thơ có tài. Một nhà thơ đổi mới và là một nhà thơ có vẻ bí ẩn, tức là ông đánh giá cao ẩn dụ của nghệ thuật, nhất là của thơ. Chính vì thế ông nói bay bổng, nhiều khi hơi khó hiểu với người đọc không suy nghĩ. Nhưng nếu nghĩ thì thấy một người luôn luôn có trăn trở để làm cho nghệ thuật trở nên đẹp. Ông có nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Nghệ thuật, kể cả kiến trúc, kể cả văn thơ, âm nhạc cũng cần có thơ. Nếu không có thơ thì không ai tiếp nhận cả”.
So với thơ sáng tác, số lượng thơ dịch của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh áp đảo hơn. Hàng chục tập thơ chuyển ngữ sáng tác của các đồng nghiệp Liên bang Xô Viết cũ hay các nước Hungari, Pháp, Indonexia, Thụy Điển cho thấy đam mê, tâm huyết của của một nhà thơ, một trí thức hiện đại. Nhà thơ Trần Đăng Khoa xem đó là một di sản đáng nhớ trong sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh: “Bạn đọc biết đến thơ của tác giả như Petophi, Heinrich Heine là qua bản dịch của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh. Cũng có thể nói đó là một cánh cửa mở ra với thế giới rộng lớn. Nhiều năm ông cũng làm công tác Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam”.
Có kề cận thân tình như Dịch giả Thúy Toàn mới hiểu thấu được những tâm tình của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh gửi gắm trong những trang thơ chuyển ngữ. Theo ông đó không còn là thói quen, là công việc mà là biểu hiện nhân cách của một trí thức: “Ở cái tuổi ngoài 70, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã phát biểu về dịch văn học thế này: “Dịch là đi tiếp thu văn hóa, tinh hoa của nước ngoài. Phải có tâm và thấy được cái đẹp, phát hiện cái đẹp, cái mới của người mà nhặt lấy. Đồng thời hào phóng chia sẻ với người ta về cái đẹp dân tộc mình có, văn hóa mình có, văn học mình có”. Ông cứ thủ thỉ nói, một con người tưởng bay bổng nhưng rất sâu sắc”.
Quan niệm hào phóng trong việc lan tỏa vẻ đẹp của thơ ca vượt khoảng cách, biên giới xứ sở, dễ hiểu vì sao sinh thời nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh thường cùng nhiều đồng nghiệp lặn lội đi nói chuyện thơ ở nhiều địa phương. Thế nên mới có kỷ niệm khó quên thời học sinh của nhà phê bình văn học Vũ Nho: “Lúc ấy chúng tôi đang là học sinh cấp ba. Trường chúng tôi là trường cấp ba đầu tiên của huyện Nho Quan đặt ở chiến khu Quỳnh Lưu. Năm đó chúng tôi được thông báo là có một đoàn nhà văn Hà Nội về nói chuyện. Đối với chúng tôi chủ yếu là học sinh nông thôn, được tiếp xúc với một đoàn nhà văn Hà Nội đó là một sự kiện rất lớn trong cuộc đời học sinh của mình. Chúng tôi tập trung nghe bác Nguyễn Xuân Sanh và một số bác khác nói. Tôi nhớ nhất là bác Nguyễn Xuân Sanh thứ nhất vì bác ấy là trưởng đoàn, thứ hai nữa bác rất cao lớn. Chúng tôi rất náo nức, rất phấn khởi vì lần đầu tiên được tiếp xúc với một đoàn nhà văn mà mình mới chỉ được nghe tên, được đọc trên sách báo thôi”.
Tôn thờ cái mới và sự sáng tạo, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cũng mến lây tinh thần và trí tuệ của người trẻ trước ngưỡng cửa sáng tạo. Chắp nối những ân tình, ký ức nào về nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh của dịch giả Thúy Toàn cũng đáng nhớ, đáng trọng: “Năm 1961, tôi lúc bấy giờ mới là sinh viên vừa tốt nghiệp ở Nga về. Nhân dịp kỷ niệm Puskin thì nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh chuẩn bị số báo Văn nghệ và mời tôi đưa bài. Bài được đăng trên báo Văn nghệ khiến tôi hết sức vinh hạnh khi được đứng cùng tên trong một số báo với nhà thơ lớn. Đến năm 1962 là năm kỷ niệm 45 năm Cách mạng tháng Mười, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là trưởng ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam nên có chủ trương ra một tập thơ Liên Xô. Ông lại mời tôi tham gia. Ông coi trọng một trí thức rất nhỏ nhưng cần thiết thì tập hợp, nâng đỡ. Và kỷ niệm thứ ba, tôi về được phân công dạy học ở trường Trung cấp Ngoại ngữ Mễ Trì. Đến năm 1964 có trục trặc về không khí chính trị ở Liên Xô cho nên trường giải tán thì nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trong Ban Lãnh đạo của NXB Văn học nên đã trân trọng mời tôi về NXB. Tôi về thì hết sức cảm ơn ông vì được làm việc hợp với tôi, làm biên tập về Văn học Nga – Xô Viết. Thứ hai nữa là được vào một môi trường văn hóa rất đẹp.
Mến tài và nâng đỡ những người cầm bút trẻ chưa có bến đỗ, những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, cây bút chủ lực của nhóm “Xuân Thu nhã tập” còn tận tụy với công việc của người đứng đầu Trường Viết văn Nguyễn Du, ngôi trường bồi dưỡng những cây bút hứa hẹn đi đường dài với văn chương.
Những quãng thời gian đẹp nhất của trăm năm tuổi, sáng tác thơ, dịch thuật, công tác Hội và giảng dạy, công việc nào nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cũng để lại hình ảnh một trí thức tài năng, nhân từ, độ lượng. Có lẽ ông không cố công để trở thành một người đặc biệt. Thế nhưng lấp lánh từ con người và lao động thơ ca Nguyễn Xuân Sanh đến hôm nay vẫn cho thấy như những ngày đầu, ông đã luôn độc đáo, luôn khác biệt.
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5