Nhà thơ Giang Nam- Người khơi gợi mạch nguồn cảm xúc, ân tình vùng đất Khánh Hòa
Cập nhật: 24/01/2023
VOV.VN - Đối với nhà thơ Giang Nam gắn với mảnh đất, quê hương Khánh Hòa vừa là ân tình nhưng cũng đầy kỷ niệm. Chính từ mảnh đất, với truyền thống yêu nước, cách mạng của người dân Khánh Hòa đã khơi gợi được những bài thơ rất hay như chúng ta đã biết, đó là bài Quê hương.
Nhà thơ Giang Nam, tác giả bài thơ Quê hương cùng nhiều tác phẩm khác đã qua đời vào mùng 2 Tết Qúy Mão- 2023 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hưởng thọ 95 tuổi. Kể từ buổi đầu đến với cách mạng, nhà thơ Giang Nam đã không lấy văn chương để lập thân. Nhưng rồi, với tài năng và tâm huyết, ông có nhiều duyên nợ với thơ ca. Với phong cách thơ trữ tình, dung dị, tác phẩm của ông là mạch nguồn chảy mãi, thấm đượm đến mai sau.
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Đó là những câu thơ mà nhiều thế hệ người Việt nằm lòng, nhất là những người chịu đau thương, mất mát trong chiến tranh. Tác giả của bài thơ - nhà thơ Giang Nam, tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, tại vùng quê nghèo hiếu học xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, sau khi học xong bậc Tiểu học tại quê nhà, ông ra học tại trường Quốc học Quy Nhơn và thi đỗ bằng Thành chung.
Cách mạng tháng Tám bùng lên, khi 16 tuổi, nhà thơ Giang Nam tham gia kháng chiến. Trong khoảng thời gian này, nhờ khả năng làm thơ đăng báo mà nhà thơ Giang Nam được đưa về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin, tham gia lãnh đạo tờ Báo Thắng- tiền thân của Báo Khánh Hòa ngày nay.
Bút danh Giang Nam cũng được ra đời trong thời gian này. Những lần chứng kiến tội ác của giặc, lòng căm thù ngày càng cao trong lòng người chiến sỹ trẻ, từ đó, tâm hồn thi sỹ cũng lớn dần trong ông với những bài thơ đầu tiên đăng trên tờ báo Thắng. Trong đó, bài thơ “Về vùng tạm chiếm” của ông được đánh giá cao.
Sinh thời, nhà thơ Giang Nam kể lại bài thơ này được viết sau khi 16 đồng đội bị địch thảm sát tại quê hương. 4 câu cuối của bài thơ mang nỗi đau mất mát:
“Ôi đất nghìn năm còn chảy máu
Bao giờ em hỡi, hết khăn tang
Đây vùng bị chiếm, đây tranh đấu
Giết giặc vùng lên giữ xóm làng”
"Như vậy, trước khi có bài Quê hương và các bài khác, ngay bước đầu, tôi phải làm một bài bằng máu thịt của anh em mình, bằng nỗi đau của anh em mình", nhà thơ Giang Nam sinh thời từng nói.
Cuộc đời của nhà thơ Giang Nam gắn liền với sự nghiệp cách mạng, với quê hương Khánh Hòa. Sau năm 1954, ông sống tại Khánh Hòa cùng một số nhân sĩ xuất bản báo Gió Mới. Cuối năm 1961, ông được điều về phụ trách bộ phận văn hóa văn nghệ của Ban Tuyên huấn Khu 6.
Năm 1963, Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam thành lập, ông được giao nhiệm vụ Phó Tổng Thư ký Hội, kiêm Tổng Biên tập báo Văn nghệ Giải phóng. Nhà thơ Giang Nam đã có những bài thơ gây ấn tượng, trong đó có các bài đi vào lịch sử thơ ca như "Nghe em vào đại học", "Quê hương"...
Bài thơ Quê hương ra đời năm 1960, khi nhà thơ Giang Nam đang ở chiến khu nhận được tin người vợ và con gái đầu lòng bị kẻ thù sát hại trong nhà tù. Trong nỗi đau thương dồn dập những câu thơ cứ tự nhiên tuôn chảy và chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ, bài thơ đã hoàn thành. Từ miền Nam bài thơ đã nhanh chóng lan tỏa, được nhiều thế hệ người Việt yêu thích. Phép màu là đến năm 1973, hai vợ chồng nhà thơ Giang Nam gặp lại nhau, còn thông tin trước đó là có sự nhầm lẫn.
Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Công Lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thi pháp của thơ Giang Nam chính là đã làm cho những đau thương, tàn khốc của chiến tranh trở nên dung dị, thấm đẫm:
“Thơ Giang Nam là thơ tình cảm, đó là mạch cảm xúc trữ tình. Trữ tình trong cuộc sống đời thường, trữ tình trong cuộc sống kháng chiến chống Pháp, trong cuộc sống kháng chiến chống Mỹ. Những gì gian khổ nhất, ác liệt, gay go nhất đều được nhà thơ tái hiện trong thơ, bằng những hình ảnh dung dị, người ta cảm nhận được khốc liệt nó. Khác với nhà thơ, nhà văn khác, ông diễn đạt sự tàn khốc của chiến tranh không gay gắt”, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Công Lý nói.
Sau năm 1975, nhà thơ Nam Giang là Uỷ viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2 và 3, Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ, Đại biểu Quốc hội. Sau đó, vì nhu cầu công tác, ông được điều về tỉnh Phú Khánh, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi nghỉ hưu, nhà thơ Giang Nam vẫn lao động không ngừng nghỉ. Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Giang Nam đã để lại cho đời 7 tập thơ; 2 tập trường ca…Ông đã được tặng thưởng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Thơ của ông nhẹ nhàng, ca ngợi cái thiện, làm cho con người sống đẹp hơn, cuộc sống đáng yêu, đáng quý hơn.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nhà thơ Giang Nam sống rất ân tình với quê hương, đồng đội.
“Đối với nhà thơ Giang Nam gắn với mảnh đất, quê hương Khánh Hòa vừa là ân tình nhưng cũng đầy kỷ niệm. Chính từ mảnh đất, với truyền thống yêu nước, cách mạng của người dân Khánh Hòa đã khơi gợi được những bài thơ rất hay như chúng ta đã biết, đó là bài Quê hương. Dường như còn phút nào sống, ông vẫn lao động nghệ thuật, ông là người đọc và phát hiện ra được nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ trẻ của Khánh Hòa”, Nhà văn Đỗ Kim Cuông nhận xét về Giang Nam.
Nhà thơ Giang Nam ra đi ở tuổi 94. Ông đã cống hiến trọn cuộc đời cho quê hương, đất nước. Tổ quốc, thơ ca là lẽ sống của cuộc đời ông. Nhạc sỹ Hình Phước Liên, Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam cho biết: Những tác phẩm của ông sẽ là mạch nguồn dung dị chảy mãi tại vùng đất Khánh Hòa.
“Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói rằng, thành phố lớn không phải vì nó lớn mà vì nó có những con người lớn. Những con người lớn ở đây là anh Võ Hồng, anh Giang Nam”, nhạc sỹ Hình Phước Liên nói./.
Từ khóa: Nhà thơ Giang Nam, Nhà thơ Giang Nam qua đời, bài thơ quê hương
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN