Nhà thơ Đặng Hiển – Thầy tôi!
Cập nhật: 15/03/2020
VOV.VN - Nhà thơ Đặng Hiển tạm biệt cuộc đời ở tuổi 82, để lại hàng ngàn trang sách ở nhiều thể loại gồm thơ, kịch, truyện ký và lý luận phê bình.
Vậy là thầy Đặng Hiển, người thầy của bao thế hệ học sinh chuyên Văn đã không còn nữa. Thầy tạm biệt cuộc đời ở tuổi 82, để lại hàng ngàn trang sách ở nhiều thể loại gồm thơ, kịch, truyện ký và lý luận phê bình.
Về thơ, tính từ tập đầu tiên Thời gian xanh (in năm 1993) đến tập cuối cùng Đất thiêng (trường ca, 2017), nhà thơ Đặng Hiển đã công bố tất cả 15 tập, chưa kể hai tập thơ dịch những năm cuối đời.
Về truyện ký, có 4 tập: Cây đời mãi xanh, Những hạt vàng quanh tôi (2 tập) và Cò Nam đi học. Về kịch, có 6 tập: Con chúng ta, Trên đồi thông, Nỗi đau trồng người, Điểm hẹn của lịch sử, Áo trắng tháng Mười và Mỹ nhân nơi đồng cỏ. Về lý luận phê bình có 11 tập: Cảm nhận và suy nghĩ, Dạy văn học văn, Bình luận văn học, Văn chương – cảm nhận và bình luận, Hoa sen, Văn chương người cùng thời, Văn học dưới góc nhìn địa văn hóa, Đọc viết học, Thơ hay và lời bình (2 tập), Thời gian và trang viết.
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển |
Nhưng lúc này, cái làm tôi nhớ nhiều nhất là những bài thơ, câu thơ về mái trường, về học trò, về những năm tháng đứng trên bục giảng của thầy. Với nhà thơ Đặng Hiển, nghề giáo và làm thơ như hai vế song hành không thể tách rời, cùng đi theo suốt một hành trình 60 năm.
Bài thơ đầu tiên về chủ đề nhà trường mang tên Về trường mới, viết năm 1961, đã đạt giải cao của báo Người giáo viên nhân dân thời ấy, những câu thơ mà giờ đây đọc lại vẫn còn nguyên vẻ trong trẻo tươi sáng thân thương: Em ơi về trường mới/Lòng ta nay mở hội/Những bậc thềm mát rượi bàn chân/Ấm tường vàng, thơm những cửa vừa sơn/Anh khép cánh cửa này/Nhưng không khép lại trời mây/Đất nước như tranh lồng tấm kính/In hình trong đáy mắt thơ ngây.
Thầy Đặng Hiển có thật nhiều bài thơ dành riêng cho những người học trò với đủ các cung bậc, các câu chuyện, các nỗi niềm buồn vui. Xúc động trước màu áo trắng học trò xứ Huế, ông có những vần thơ lục bát ngọt ngào: Gần như một giấc mơ qua/Xa như kỷ niệm tuổi hoa một thời/Bồng bềnh như áng mây trôi/Lại như phơi phới dòng đời cuộn đi/Mát như gió lộng chiều hè/Ấm như ánh lửa đông về mưa bay/Thoảng như một ánh trăng ngày/Bừng như tia nắng đầu cây sáng hè/Dòng Hương ngân sóng pha lê/Lọc qua áo ấy, chảy về tim tôi.
Suốt mấy chục năm đứng trên bục giảng, nhà giáo – nhà thơ Đặng Hiển cũng phải chứng kiến không ít những nỗi buồn thương khi có những học trò phải giã từ cuộc sống khi mái tóc vẫn còn xanh, khi tuổi xuân vừa mới hé. Mỗi lần như thế, ông lại có những bài thơ, câu thơ nghẹn ngào, đau đớn xót xa: Nhìn em tàn lụi từng giây/Mẹ cha máu cạn, lệ đầy đêm đêm/Bạn, thầy nuốt lệ vào tim/Nghe em nói: “Cố sống thêm tháng này/ Tháng này là tháng Mười Hai/Em lên mười tám là ngày chia xa…Ước gì có phép xẻ ra/Cho em phần cuối đời ta cũng đành (Thương em Hương đau bệnh hiểm nghèo), Em nằm lại, nấm mồ chưa đắp trọn/Hoàng hôn rồi, trời mờ mịt mưa bay/Bình minh của ta ơi, sao sớm tắt/Cỏ chưa mọc trên mồ, sương xuống buốt lòng ai (Tưởng nhớ 1, gửi hương hồn Bùi Thị Nga), Bây giờ thì em đang mơ giấc ngàn thu/Em mơ tuổi thơ mình hạnh phúc/Ôi giấc mơ em lại chính là mộng ác trong cõi người rất thực/Giáng xuống lòng ta những nhát búa nặng nề! (Tưởng niệm).
Cũng có khi, có người học trò làm thầy buồn theo một cách khác, khi một ngày gặp thầy mà không hề chào hỏi, cứ dửng dưng như chưa quen biết. Thầy không trách mà chỉ đặt ra muôn vàn câu hỏi, và rồi cuối cùng chỉ còn lại nỗi bao dung: Hay là em có niềm đau/Ước mơ ngày cũ tan vào thời gian?/Hay là em lắm lo toan/Làm bao kỷ niệm héo tàn trong em?/Hay là em mải bước lên/Trường xưa lớp cũ lỡ quên nhớ về?/Thì em ơi cứ đi đi/Cầu cho thuyền ấy ngày kia đến bờ/Tới ngày em thỏa ước mơ/Bên chùm hoa tặng, có thơ của thầy (Xa lạ).
Cũng có những người học trò làm thầy thật vui, thật tự hào như Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát, Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Và thế là cả một trường ca mang tên Đôi cánh dày dặn mấy trăm câu được ra đời: Một buổi chiều, màu của đại dương xanh/Soát đến gặp cấp trên, xin ở lại để đến ngày nhập ngũ/Và lòng Soát như cánh buồm lộng gió/Khi được cầm tờ lệnh đỏ trong tay.
Bên cạnh những bài thơ viết cho học trò, không thể không nhắc tới những bài thơ thầy viết cho chính mình, về những câu chuyện, suy nghĩ, tâm tư của cả một đời dạy học. Những ngày còn bước tới trường, đứng trên bục giảng thì mỗi ngày là một niềm vui lớn, niềm vui ấy được thắp lên từ chính những ánh mắt thơ ngây sáng trong của học trò: Ơi những đứa em lứa tuổi trăng rằm/Mắt ngước nhìn mùa thu, nhìn ô cửa mái trường/Thấy lấp lánh ngày mai tươi sáng/Em biết không ngày mai tươi sáng ấy/Ta tìm lại trong mắt em, để ta có thể sống, có thể yêu và có thể quên/bao nỗi nhọc nhằn nhuộm trắng từng sợi tóc/Ta như tiếng trống mùa thu không biết đến già nua/Cứ ròn rã cứ ngân vang/nhịp với bước em chân sáo tới trường (Lời chào mùa thu).
Cũng đôi chút không tránh khỏi những chát chua bởi miệng thế gian, nhưng rồi người dạy học – người làm thơ vẫn vượt qua tất cả bởi tình yêu dành cho các học trò: Kèm trò mang tiếng dạy thêm/Mồ hôi đẫm mấy đồng tiền hổ ngươi/Tết xong là hết xuân rồi/Hoa gạo đã nở như mời phượng sang/Chuyến này đò sắp sang ngang/Lại lo chuyến tới có bằng chuyến nay/Từng chồng bài chấm xếp dầy/Có bao sợi bạc tóc thầy thành văn? (Năm học – đời thầy).
Thời gian càng trôi đi thì nỗi buồn ngày càng hiện rõ, khi nghĩ đến một ngày không còn được đứng trên bục giảng, không còn được đến trường với đàn học sinh thân yêu: Phượng ơi phượng nở bao giờ thế/Mà sớm hôm nay đỏ rực trời/Thấm thoắt đã hai mùa đấy nhỉ/Còn mùa sau nữa lại chia phôi (Gửi phượng), Tim ơi hãy chậm già nua/Cho ta yêu trọn mấy mùa tóc sương/Mùa thu sau trước cổng trường/Có ông già đứng bên đường ngắm trông (Tựu trường).
Nhà thơ chuyện trò với cây phượng mà cũng là chuyện trò với lòng mình, nhắn nhủ tâm tình với bao học trò thương mến: Có người thầy tóc bạc phơ/Đêm nay ngồi viết bài thơ phượng già (Cây phượng già).
Có lẽ điều làm người thầy giáo/nhà thơ ấy buồn nhất, lo nhất, đó là sợ các học trò một ngày nào đó không còn nhớ đến mình. Ông tự ví mình như biển còn các học trò như muôn con sóng nối nhau về phía khơi xa. Trong hàng trăm ngàn con sóng ấy, liệu con sóng nào còn quay lại, chỉ biển khơi vẫn còn đây hướng về bao con sóng muôn trùng: Cho đến một ngày, biển không còn sóng nữa/Biển sẽ buồn lặng im/Biển tưởng như mình chỉ từng mơ thấy sóng/Những con sóng xa vời trong nhớ trong quên (Biển và sóng).
Cả một đời vừa dạy học vừa làm thơ, thầy Đặng Hiển là người kỹ sư tâm hồn đã gieo bao hạt giống đẹp cho đời, biết bao hoc trò đã là những người thành đạt, hành trang bước vào đời luôn có những bài thơ, những giờ giảng văn không thể quên của tuổi hoa niên.
Xin cám ơn thầy đã luôn truyền cho chúng em ngọn lửa của niềm lạc quan yêu đời, của tình yêu cuộc sống ngay từ những thời khắc yếu lòng nhất, đúng như một bài thơ mà thầy đã viết: Đời tôi năm tháng đã từng/Vẽ cho người lá cuối cùng không rơi/Bây giờ lại đến lượt tôi/Vẽ cho mình lá chưa rơi cuối cùng (Chiếc lá cuối cùng).
Có phải tất cả mỗi chúng ta rồi cũng như chiếc lá bay trong chiều, tìm về một nơi an nghỉ, nhưng sắc màu của chiếc lá ấy vẫn còn in mãi trong lòng những người đang sống, thầy ơi!./.
Từ khóa: Nhà thơ Đặng Hiển, Đặng Hiển, Đặng Hiển qua đời, thơ Đặng Hiển
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN