Nhà sản xuất, doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh hoặc sẽ bị đào thải

Cập nhật: 27/06/2024

VOV.VN - Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững chính là cách để doanh nghiệp gia tăng giá trị của mình. Trong thời gian tới các nhà sản xuất nhất là doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện phải chuyển đổi xanh, nếu không sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 với chủ đề “Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất”. Tham dự Diễn đàn có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách cùng 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quan tâm đến phát triển xanh cũng như các cơ quan quản lý của một số tỉnh thành trong cả nước.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ ban hành mong muốn phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo về môi trường và công bằng xã hội. Trong đó, mục tiêu đặt ra tính đến năm 2030, tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt 95%; tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Theo báo cáo đưa ra tại diễn đàn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Điển hình như chuyển dịch năng lượng tích cực, trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. “Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15-20% và năm 2045 đạt khoảng 25-30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được”, báo cáo nêu.

Tỉ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt 16,5%. Tín dụng xanh tăng trưởng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỉ USD trái phiếu xanh. Năm 2023, Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ các-bon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD; năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 ha canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 ha); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ…

Nhà sản xuất, doanh nghiệp phải chuyển đổi sang phát triển bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chia sẻ, hiện nay, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường ngày một nâng cao. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Thành, sự thay đổi này mới chủ yếu diễn ra ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có sự quan tâm thích đáng: “Từ thực tiễn này, chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững, đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.

Thứ trưởng Thành đề nghị đại diện các doanh nghiệp, nhà quản lý, báo chí… đóng góp ý kiến để Bộ TN&MT tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. “Mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững chính là cách để doanh nghiệp gia tăng giá trị của mình. Câu chuyện hiện nay và trong thời gian tới là các nhà sản xuất nhất là doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện các quy định của luật chơi mới. Không còn là tự nguyện nữa mà phải chuyển đổi, chấp nhận phát triển bền vững hay là đào thải khỏi sân chơi”.

Việc này giúp tiết kiệm tài nguyên đồng thời giảm chi phí bằng cách biến chất thải của một ngành thành nguyên liệu cho ngành khác. Góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn tạo ra công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng".

Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Từ đó, tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định nguồn lao động, duy trì hệ sinh thái, giảm thiểu rủi ro môi trường cũng như sự khan hiếm về tài nguyên.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 02 trách nhiệm: (1) Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và (2) Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).

Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

Tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh - Green Media Hub đã kêu gọi và truyền cảm hứng đến những người làm báo tham gia mạnh mẽ Giải thưởng Báo chí Phát triển Xanh lần thứ Nhất (2023-2025)... Đây cũng là một hành động thiết thực của giới báo chí đồng hành cùng thúc đẩy toàn xã hội với vai trò nòng cốt là các doanh nghiệp, cùng đến đích Xanh của nền kinh tế trong tương lai...

Từ khóa: chuyển đổi xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Thể loại: Xã hội

Tác giả: văn ngân/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập