Nhà ở xã hội vì sao chưa thật sự hấp dẫn?
Cập nhật: 05/09/2024
VOV.VN - Tại sao nhiều dự án không bán được, vì người ta không thấy sự hấp dẫn liên quan đến chất lượng, vị trí, giá cả của dự án đó. Vậy thì làm thế nào để nhà ở xã hội là tài sản có tính hấp dẫn thì phải có khảo sát, đánh giá chuẩn xác.
Tại Nghị quyết số 01, ngày 05/01/2024, Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó hoàn thành.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 338, ngày 3/4/2023 về xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến 2030, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Đề án này. Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Tại Nghị quyết số 01, ngày 05/01/2024, Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó hoàn thành.
Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa quan tâm trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị: "Các quỹ đất chưa có chủ trương thì phải lập chủ trương rồi đến bước lựa chọn chủ đầu tư. Đối với quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, theo quy định dành để xây dựng nhà ở xã hội thì nếu chủ đầu tư làm thì yêu cầu phải làm, nếu địa phương làm thì phải thu hồi để bàn giao ngay".
Bên cạnh những “rào cản” từ pháp lý, thủ tục… thì hiện nay vốn tín dụng ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà cũng đang là bài toán cần lời giải. Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã triển khai được một năm rưỡi, nhưng chưa hiệu quả.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, nhưng với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà cùng thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) vẫn chưa thực sự thu hút người vay.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng: "Cần phải tăng tính hấp dẫn, tính thị trường đối với nhà ở xã hội. Tại sao nhiều dự án không bán được, vì người ta không thấy sự hấp dẫn, liên quan đến chất lượng, vị trí, giá cả của dự án đó. Vậy thì làm thế nào để nhà ở xã hội là tài sản có tính hấp dẫn của nó thì phải có khảo sát, đánh giá thực trạng đúng và trúng để xác định cung cầu cho phù hợp".
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng mới trị giá 30.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội, giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Doanh nghiệp đang rất mong đợi gói tín dụng này sẽ được bố trí một cách hợp lý, để doanh nghiệp có thể hưởng thụ một cách nhanh nhất.
Từ khóa: nhà ở xã hội, nhà ở xã hội, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn phát triển nhà ở xã hội, phát triển nhà ở xã hội tiếp tục khó khăn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thành trung/vov1
Nguồn tin: VOVVN