Nhà ở công nhân: quy hoạch nhiều, làm nhỏ giọt
Cập nhật: 24/02/2020
VOV.VN - 2,5 triệu là số người lao động nhập cư ở TP. HCM, Bình Dương... Con số này cho thấy nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Tại TP. HCM, kết quả khảo sát nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, có hơn 80.000 hộ có nhu cầu đăng ký nhà ở xã hội. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, cuối tháng 7/2017, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý căn nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020, theo đó sẽ tập trung đầu tư xây dựng 37 dự án với quy mô hơn 43.600 căn hộ.
Nhìn vào số lượng dự án và căn hộ tưởng là lớn, nhưng so với con số 139.000 cán bộ, viên chức – tương đương hơn 80.000 hộ chưa có nhà, 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị và 1,2 triệu người nhập cư - tương đương 300.000 hộ cần nhà ở, thì số lượng trên vẫn quá ít, giống như “muối bỏ biển” mà thôi.
Chưa kể, giá nhà xã hội hiện nay không hề “dễ chịu” như tên gọi của nó, mà dao động từ 8,6 triệu đồng đến 15 triệu đồng/m2 tùy vị trí, khu vực và diện tích.
Người lao động nhập cư ở TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở. (Ảnh minh họa: KT) |
Còn ở Đồng Nai, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đặt kế hoạch xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Thế nhưng tính đến cuối năm 2017, tức gần hết một nửa thời gian đoạn 1 mà Đồng Nai mới chỉ làm được hơn 2.000 căn, nghĩa là khoảng thời gian còn lại sẽ phải làm 18.000 căn, gấp 9 lần con số đã làm được trong non nửa thời gian đầu mới đạt mục tiêu. Con số này thật khó khả thi.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến những con số về quy hoạch, mục tiêu và kết quả xây dựng nhà ở xã hội quá bất cập so với nhu cầu thực tế?
Theo Sở Xây dựng TP. HCM, các thủ tục rườm rà, nhiều khâu, nhiều tầng đã khiến cho việc triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bị chậm, làm nhà đầu tư nản chí.
Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, hiện nay, quỹ đất của thành phố rất khan hiếm, trong khi muốn giảm giá thành của nhà đầu tư thì quan trọng nhất là quỹ đất: “Thành phố, Sở Xây dựng đang tập trung rà soát sử dụng quỹ đất 20% là nhiệm vụ mà các nhà đầu tưnhà ởthương mại phải thực hiện. Hoặc hình thức bằng tiền thì đang xin thành phố cho ưutiên nguồntiền này để phục vụ cho nhà ở xã hội.Đólà một cơ chế khả thi”.
Ông Danh cho rằng, do thiếu nguồn lực và cơ chế xây dựng nhà ở xã hội nên nhiều dự án đang trong tình trạng treo chờ vốn, so với Bình Dương thì TP. HCM đang thiếu quỹ đất dành cho các dự án nhà ở xã hội.
Thế nhưng ngay tại Bình Dương, địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân, người lao động, doanh nghiệp cũng than khó. Riêng Becamex Bình Dương có 43 dự án với 70.000 căn hộ, ngoài ra còn 42 dự án nhà ở xã hội khác được triển khai trên tổng diện tích gần 4 triệu m2 sàn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex Bình Dương cho hay, căn hộ 30 m2 mà Becamex cung cấp có giá chỉ 120 triệu, doanh nghiệp chỉ thu lại giá thành khởi đầu, còn hầu như không có lãi:“Mỗi căn hộ 30 m2 vuông chỉ có 120 triệu thôi. Tính ra, chỉmới thu lại giá thành khởi đầu. Ở đây chúng tôi dùng những khu có giá trị thương mại riêng và bù giá thìmới có được giá thành như thế này.”
Ngoài thủ tục rườm rà, khó tìm được quỹ đất, không có lãi, doanh nghiệp còn đối diện với khó khăn về vốn.
Công ty TNHH MTV phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO (IDICO-URBIZ) đang tiếp tục triển khai dự án nhà ở cho công nhân tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên đại diện doanh nghiệp này cho hay, đang gặp phải nhiều rào cản, nhất là tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của cả doanh nghiệp và khách hàng.
Cụ thể, từ sau ngày 30/6/2016, nguồn vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ dừng lại, doanh số bán nhà lập tức sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như thời gian trước đó mỗi tháng công ty bán được 30-40 căn nhà thì từ đầu 2017, con số bán ra trung bình mỗi tháng chỉ còn 1-2 căn.
IDICO-URBIZ đang thực hiện dự án nhà ở xã hội tiếp theo và cần khoảng 800 tỷ đồng. Theo kế hoạch họ có thể vay được khoảng 60% với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên mới chỉ kịp vay hơn 100 tỷ thì chương trình ưu đãi lãi suất dừng lại, còn nếu chấp nhận vay với lãi suất thương mại thì khả năng sinh lời rất thấp, rủi ro cao.
Ông Hà Huy Thanh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị & KCN IDICO cho biết: “Ngân hàng chỉ giải ngân được một khoản thôi, mà doanh nghiệp lại bỏ ra khoản đầu tư lớn hơn. Riêng việc chênh lệch lãi suất như vậy đã khiến khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp và khả năng sinh lời của dự án hầu như không có, rủi ro lại cao.”
Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng khẳng định rằng, hiện nay các doanh nghiệp xây dựng đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn khiến các dự án nhà ở đang bị đình trệ dù nhu cầu của người dân đang rất cao: “Hiện giờ rất khó khăn cho các doanh nghiệp, trong khi pháp luật quy định, đối với dự án trên 10ha thì phải dành 20% đất để phát triển nhà ở xã hội. Thế nhưng nguồn vốn khó, không có để cho vay. Trong khi phần nhà ở thương mại các doanh nghiệp làm rất tốt, nhưng phần nhà ở xã hội thì treo đấy.Còn dân mình lại đang rất cần”.
Mặc dù Nhà nước cũng có một số chính sách ưu đãi về vốn, đất đai… nhưng lại quy định lợi nhuận từ nhà ở xã hội chỉ được tối đa là 10%, trong khi hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn, bao gồm cả chi phí xây dựng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khiến nhà đầu tư không mấy mặn mà./.
Bài tiếp theo: Giải bài toán nhà ở cho công nhân
Khi công nhân chật vật sống ở nhà trọ
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN