Nhà máy nước mặt sông Đuống “chưa đủ” điều kiện đã đưa vào sử dụng?
Cập nhật: 27/10/2019
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
Phát triển bền vững thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (26/11/2024)
Có 1 số thông tin cho rằng, nhà máy nước sông Đuống - giai đoạn 1 chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác, sử dụng.
Thời gian qua dư luận xôn xao trước sự việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, cuộc sống của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô. Trong khi sự việc chưa được điều tra làm rõ, thì lại có 1 số thông tin cho rằng, nhà máy nước sông Đuống - giai đoạn 1 chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác, sử dụng. Về việc này, phóng viên đã liên hệ phỏng vấn một số cơ quan chức năng thuộc Bộ Xây dựng.
Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện để nghiệm thu đã đưa vào khai thác sử dụng. |
Những ngày gần đây, dư luận người dân bức xúc trước việc nguồn nước sinh hoạt do nhà máy nước sông Đà cung cấp bị nhiễm bẩn, khiến người dân sinh sống tại các khu đô thị, khu dân cư như: KĐT Linh Đàm, Pháp Vân (Hoàng Mai), Đại Thanh bị ngừng nước. Trong khi sự việc chưa được điều tra làm rõ, thì lại có 1 số thông tin cho rằng, nhà máy nước sông Đuống - giai đoạn 1 chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào khai thác, sử dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước Lễ khánh thành 4 ngày, ngày 30/8/2019, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Công văn nêu rõ: Công trình nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn 1 đã được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tổ chức kiểm tra và Thông báo kết quả kiểm tra tại Văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, Văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và Văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống…Mặc dù vậy, ngày 5/9/2019, nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được tổ chức khánh thành đưa nhà máy vào hoạt động.
Trao đổi với phóng viên về công tác kiểm tra, công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết: Theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và các pháp luật có liên quan thì Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
Đối với công trình này, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã tiến hành một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I (bao gồm IA và IB) và đã thông báo kết quả kiểm tra gửi Chủ đầu tư. Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường. Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyên ống,... Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.
Về việc lựa chọn vật liệu ống cho công trình: Đối với dự án này, có 03 loại ống cấp nước là ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE. Việc lựa chọn cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng, cụ thể trong trường hợp này là vật liệu ống cấp nước thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan. Các cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng đưa vào sử dụng trong công trình phải đảm bảo các các yêu cầu kỹ thuật theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt và các quy định pháp luật có liên quan. Do chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng như đã nêu trên, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước (gang dẻo), nên Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ có ý kiến sau khi nhận được đầy đủ các hồ sơ của Chủ đầu tư.
Sau khi Chủ đầu tư hoàn thành đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng gửi về Bộ phận một cửa của Bộ Xây dựng, Cục Giám định sẽ xem xét các hồ sơ, tài liệu giải trình và sẽ có văn bản về việc chấp thuận kết quả nghiệm thu của Chủ đầu tư theo quy định.
Cũng liên quan đến sự việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Khi xảy ra sự ô nhiễm nguồn nước sông Đà ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho hơn 250 ngàn hộ dân Thủ đô, Bộ Xây dựng đã giao Cục Hạ tầng kỹ thuật tổ chức đoàn công đi kiểm tra, khảo sát thực tế. Ngày 14/10, Đoàn công tác đã làm việc Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà; tham gia Đoàn công tác có đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng Hòa Bình. Sau khi khảo sát và xác định nguyên nhân sự số ô nhiễm nguồn nước, tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã yêu cầu các cơ quan đơn vị thực hiện ngay các giải pháp khắc phục.
Về giải pháp lâu dài để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, Bộ Xây dựng đề nghị: Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà thực hiện một số hoạt động sau: Chủ động báo cáo và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các nội dung về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại: Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2008/BXD: Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ; Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 28/8/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bảo vệ nhà máy nước Vinaconex kèm theo phương án số 221A/PABV-VIWASUPCO ngày 25/6/2014 của Cty CP nước sạch Vinaconex.
Chủ động tổ chức lập và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, quản lý rủi ro cho các hoạt động từ bảo vệ nguồn nước, vận hành nhà máy nước, mạng đường ống đến khách hành tiêu thụ nước; Xây dựng các giải pháp dự phòng nguồn nước (bể trữ nước sạch tại nhà máy và trên mạng truyền tải), kết nối vùng phục vụ cấp nước của nhà máy nước sông Đà với các nhà máy nước khắc nhằm hỗ trợ cấp nước khi gặp sự cố…
Rà soát đánh giá toàn diện khả năng bảo đảm an toàn nguồn nước hồ Đầm Bài, nghiên cứu các phương án dự phòng đảm bảo điều kiện an toàn, kinh tế, kỹ thuật, tính khả thi, lộ trình thực hiện; báo cáo UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình để xem xét, trình cấp thẩm quyền quyết định.
Đối với Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình và Sở Xây dựng Hà Nội: Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình khẩn trương xây dựng trình UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Chương trình và kế hoạch cấp nước an toàn.
Chỉ đạo các công ty cấp nước lập và thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn của công ty trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên địa phương thực hiện lập hành lang bảo vệ nguồn nước, trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức kiểm tra giám sát tổ chức thực hiện; Tổ chức xây dựng mô hình quản lý vận hành hệ thống cấp nước, mạng lưới đảm bảo cân đối các nguồn nước khắc phục sự cố trong quá trình vận hành.
Đối với UBND tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội: UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chỉ đạo lập và thực hiện chương trình cấp nước an toàn trên địa bàn; UBND TP Hà Nội tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 148/KH-UBND ngày 23/6/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn TP Hà nội giai đoạn 2017 – 2020.
Xây dựng cơ chế phối hợp tăng cường phối kết hợp trong hoạt động bảo vệ nguồn cấp nước liên tỉnh.Chỉ đạo các đơn vị trong địa bàn tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát trong qua trình thưc hiện. Báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan phối hợp tổ chức thực hiện.
Thực hiện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9403a/VPCP-CN ngày 15/10/2019 của Văn phòng Chính phủ giao: “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân", Bộ Xây dựng đã tổ chức thực hiện các hoạt động như: Tăng cường rà soát các văn bản quy phạm phát luật liên quan đến cấp nước, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện Thông tư số 08/2012/TT-BXD về hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toan và Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 của các địa phương, các đơn vị cấp nước./.
Từ khóa: Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, Giai đoạn 1, ô nhiễm nước, nước nhiễm dầu
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN