Nhà báo Phan Quang – người dành cả đời với “mối tình báo chí”
Cập nhật: 23/11/2020
Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam”.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho biết, nhà báo Phan Quang, sinh năm 1928, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí tuyên huấn Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khóa 5), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (khóa VI)...
Toàn cảnh tọa đàm.
Nhà báo Thuận Hữu khẳng định những đóng góp to lớn của nhà báo Phan Quang đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng; là một trong những nhà báo tiêu biểu hàng đầu trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam.
Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập, tri ân.
Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhấn mạnh, nhà báo, nhà văn Phan Quang, là một tên tuổi lớn và rất đáng kính trọng của nền báo chí và văn học cách mạng Việt Nam.
“Nói đến nhà báo Phan Quang, người ta nghĩ ngay đến một chính khách; một nhà văn hóa; một nhà báo nằm ở tốp đầu của báo chí nước nhà; một nhà văn và dịch giả tài năng, đa diện; một người hoạt động nghị trường nhiều khóa; một người thầy, người thủ trưởng gần gũi, nhân hậu; người bạn thân thiết của nhiều nhà báo, nhà văn trong nước và quốc tế.
92 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, nhà báo Phan Quang luôn lao động sáng tạo, viết hàng ngàn bài phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, truyện vừa, tản văn, chuyên luận, xã luận, nghiên cứu, lý luận cùng nhiều cuốn sách dịch thuật… góp sức làm rạng danh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam. Đây là điểm cốt yếu để nhiều người quý mến, nể trọng, ngưỡng mộ và biết ơn ông.
Ông tâm niệm cuộc đời viết lách giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Phan Quang yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và nói theo cách của ông, thì cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà ông cũng tìm thấy tình yêu chân thực và đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, những năm gần đây, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng nhà báo Phan Quang vẫn làm việc đều và phong độ. Ông liên tiếp cho ra đời các công trình nghiên cứu, sáng tác về báo chí, văn hóa, văn nghệ.
Trong sự nghiệp phát thanh, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, nhà báo, nhà văn Phan Quang đã kế thừa một cách sáng tạo sự nghiệp “khai sơn phá thạch” đài phát thanh quốc gia và ngành phát thanh Việt Nam của nhà báo lớn, nhà lãnh đạo báo chí tài ba Trần Lâm. Ông đã tiếp tục xây dựng và phát triển VOV với cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại; đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản hơn, có trình độ tác nghiệp khá, giỏi và rất năng động; đổi mới các hệ, kênh phát thanh của Đài, tạo đà cho các đồng chí lãnh đạo Đài kế tiếp củng cố, phát triển hệ thống các kênh phát thanh quốc gia có tính chuyên biệt, từ VOV1 đến VOV5, gần đây là VOV Giao thông, VOVTV, VOV6 về văn học-nghệ thuật, VOV Sức khỏe - An toàn thực phẩm; tiếp nhận, vận hành đồng bộ Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.
Giai đoạn từ sau đổi mới, nhà báo Phan Quang tập trung chỉ đạo xây dựng VOV theo hướng hiện đại, tiếp cận trình độ phát thanh hiện đại của khu vực và thế giới; làm cho Đài có một hạ tầng ngày càng tốt hơn; đội ngũ phóng viên, biên tập viên có trình độ tác nghiệp vững vàng ở trong nước cũng như môi trường quốc tế.
Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, các thế hệ làm báo, làm văn, hoạt động văn hóa yêu quý, nể trọng nhà báo Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm với ngòi bút, với xã hội. Viết báo từ năm 20 tuổi, sau đó viết văn và dịch thuật cho đến độ tuổi ngoài cửu tuần, ngòi bút của ông vẫn còn sung sức, đam mê, cuốn hút và lan tỏa.
Một nhà văn tài ba
Chia sẻ về nhà báo Phan Quang, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, thật thiếu sót khi chỉ nhắc đến Phan Quang với tư cách nhà báo, nhà quản lý, mà không nhớ về ông như một nhà văn.
Nhà báo Phan Quang (bìa phải) cùng các nhà giáo, nhà báo lão thành
“Nhà báo Phan Quang quá đa tài nên chính ông đã che lấp ông. Mọi người vẫn nói đến Phan Quang như một nhà báo, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội nhưng lại quên mất Phan Quang là một nhà văn rất đặc sắc. Ông là người có đóng góp lớn cho văn chương Việt Nam ở 2 mảng lớn là dịch thuật và sáng tác. Dịch thuật cũng là công việc nhà văn, để dịch hay phải giỏi cả ngoại ngữ, giỏi cả tiếng Việt, và phải có tài văn. Đầy đủ được 3 yếu tố ấy mới có được bản dịch hay”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét, nhà báo Phan Quang dịch không nhiều, nhưng nhiều tác phẩm của ông đã trở thành những bản dịch kinh điển mà thế hệ sau chưa ai có thể vượt qua như “Nghìn lẻ 1 đêm”...
Nhiều truyện ngắn do ông sáng tác những năm 1940, nhưng đến nay vẫn khiến người đọc xúc động, tái hiện được chân thực cuộc sống đương thời, đầy vẻ tươi mới như vừa ra đời.
Cũng trong buổi tọa đàm này, GS - NGND Hà Minh Đức chia sẻ, ông đặc biệt coi trọng những bút ký của nhà báo Phan Quang về ĐBSCL, những trang bút ký về nước ngoài như Mỹ, Paris… Những tác phẩm đó cho thấy tác giả rất am hiểu cuộc sống và con người của đất nước đó.
Nhắc đến Phan Quang như một nhà lý luận về báo chí và một số ngành khoa học khác, GS Hà Minh Đức không quên nhắc đến Nhà báo Phan Quang như một dịch giả xuất sắc, khi đã mang đến cho độc giả nhiều tác phẩm hấp dẫn.
“Ông là người giỏi tiếng Pháp, trong một lần sang thăm Pháp, có người nói với tôi rằng các nhà văn, nhà báo Việt Nam phần lớn nói tiếng Pháp theo kiểu tiếng Pháp thuộc địa, duy chỉ ông Phan Quang nói tiếng Pháp chuẩn mực nhất. Tất cả đó cộng lại là một điều gì đó cao quý và đáng tôn vinh.
Tôi cho rằng điều quan trọng nhất của anh Phan Quang là trí tuệ, là vốn hiểu biết, là nền văn hóa vững chắc. Tôi cảm thấy thông thoáng, không có gì ngăn cách giữa những hoạt động văn nghệ, văn hóa trong tư duy của nhà văn Phan Quang. Phải nói rằng, ở anh Phan Quang có hình thái tư duy năng động, tư duy chính luận ở hoạt động báo chí, chính trị; tư duy trừu tượng của nhà triết học; tư duy hình tượng của nhà văn… Tất cả rất uyển chuyển, giao lưu với nhau tạo nên sức mạnh”, GS Hà Minh Đức nhận định.
Nhà báo Phan Quang chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại tọa đàm.
Phan Quang - Đi đến đâu... hội nhập đến đấy
Nhà báo Nguyễn Lương Phán lại cho rằng: “Qua những trang ký của Phan Quang, kỷ niệm lại lôi cuốn kỷ niệm, đó là phong cách riêng của ông mà chính tôi cũng học được nhiều. Tư tưởng của Phan Quang khác hẳn tư tưởng của Ruyard Kipling (Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây khó gặp nhau). Phan Quang đến đâu là “hội nhập” đến đấy, đến đâu ông cũng thấy dấu tích những nền văn hóa”.
Là người từng được đi cùng Phan Quang nhiều chuyến, nhà báo Nguyễn Lương Phán để ý thấy ông chỉ viết những gì mình đã chứng kiến, được trao đi đổi lại không chỉ một lần. Có thể nói, khi ông thực sự là người trong cuộc thì ông mới viết, đặc biệt khi viết về chân dung - chân dung những người nổi tiếng Việt Nam và thế giới.
Viết sâu, viết có hồn, luôn thể hiện sự tương tác giữa người viết và nhân vật, đó là đặc điểm của Phan Quang. Nhân vật không chỉ tiếp xúc một lần vài lần rồi cầm bút viết, mà có người gắn bó cả một cuộc đời nên thôi thúc phải viết.
Chia sẻ những cảm nghĩ về nhà báo Phan Quang, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, nhà báo Phan Quang có những đóng góp hết sức nổi bật, đáng ghi nhận. Không chỉ trong lĩnh vực truyền thông, mà cuộc đời hoạt động hơn 70 năm, nhà báo Phan Quang đã làm việc và cống hiến hết mình, ngay cả khi tuổi cao, nhà báo vẫn không ngừng lao động, sáng tạo.
“Những người làm báo rất nhiều, nhưng để trở thành người ghi dấu ấn với nghề nghiệp lại không nhiều. Sau những lần được làm việc, gặp gỡ Phan Quang, tôi biết đến ông như một tấm gương trên nền tảng trí tuệ, là một người luôn cống hiến, đóng góp hết mình cho xã hội”, ông Phạm Quang Nghị chia sẻ.
Một con người giản dị
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại ấn tượng với nhà báo Phan Quang bởi sự lao động sáng tạo không ngưng nghỉ, như một kho tri thức lớn về lý luận và thực tiễn cuộc đời! PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cho rằng, về tri thức, nhà báo Phan Quang là người trác việt, nhưng ông lại sống giản dị, tình cảm, thứ tình cảm thâm trầm mà rất sâu lắng! Đúng hơn, ông là một nhà văn hóa, nhà báo nhân văn tầm cỡ. Ai đã từng giao tiếp dù chỉ một lần với Phan Quang cũng có thể nhận ra điều đó.
“Với bề dày đóng góp đáng nể trong quản lý báo chí và 70 năm trong chuyên môn - đam mê gắn bó với nghề báo, nghiệp văn, Phan Quang xứng đáng nhận danh xưng: Giáo sư. Có lần, trong câu chuyện tôi hỏi ông điều đó, ông chỉ mỉm cười! Và tôi hiểu: Phan Quang - một “nhà báo lão thành, nhà báo gạo cội, nhà báo uyên bác” (Hà Minh Đức); một “cây đại thụ trong làng báo chí - văn hóa cách mạng nước nhà” (Hà Đăng) chẳng đủ lắm rồi sao”, PGS.TS Trường Giang chia sẻ.
Nhà báo Phan Quang gửi lời cảm ơn tới những người thầy, người anh, người bạn đã luôn đồng hành cùng ông trong suốt những năm qua.
Trước những tình cảm của đồng nghiệp, học trò tại buổi tọa đàm, chia sẻ trong niềm xúc động, nhà báo Phan Quang ôn lại những kỷ niệm trong những năm tháng cống hiến và gắn bó với nghề báo. Ông đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đến những người thầy, người bạn đã đồng hành trong suốt những năm qua.
“Chúng tôi hết sức biết ơn, cho đến hôm nay tôi vẫn phải nói rằng, mỗi người khi trưởng thành không thể thiếu những người thầy, người bạn, người đồng chí.
Chúng tôi biết ơn cả gốc đa Hàng Trống, những bậc đàn anh đã hướng dẫn chúng tôi vào nghề. Tôi nghĩ rằng, trong cuộc đời của một người làm báo, viết văn, không thể nào không có sự học hành, tự học dù ít dù nhiều và học suốt đời”, nhà báo Phan Quang chia sẻ./.
Nguyễn Hà-Nguyễn Trang/VOV.VN
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D