Nhà báo Lý Văn Sáu: Chiến sỹ của đại lộ Hồ Chí Minh trên làn sóng phát thanh

Cập nhật: 04/11/2024

VOV.VN - Nhà báo Lý Văn Sáu là một nhà báo lão thành có tầm nhìn xa trông rộng, một cây bút sắc sảo, một cách sống giản dị, hòa đồng, một tấm lòng yêu thương đồng nghiệp.

Cuối năm 2009 tôi tặng nhà báo lão thành Lý Văn Sáu cuốn bút ký tư liệu “Dòng sông trên cao”. Chú ngắm nghía bìa sách chợt hỏi:

- Cháu viết về Tây Nguyên à

- Dạ không. Cháu viết về Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Bởi cháu hình dung làn sóng phát thanh chảy dài liên tục ngày này sang tháng khác như dòng sông trên cao.

- Ý hay. Gợi cảm. Chú thì coi Đài phát thanh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc như đại lộ Hồ Chí Minh trên làn sóng phát thanh.

- Ý lớn. Bao quát. Thiêng liêng chú ạ.

Hai chú cháu cùng cười đồng cảm khi vạt nắng cuối ngày đông hiếm hoi nhạt dần hắt bóng ngôi biệt thự thời Tây xuống hè phố Ngã Tư Vọng.

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu kém ba tôi sáu tuổi, hơn mẹ tôi một tuổi nên tôi gọi bằng chú, xưng cháu. Năm 1977, sau khi hoàn thành công việc người phát ngôn chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, nhà báo Lý Văn Sáu trở lại nghề phát thanh như ngày đầu thành lập Đài Tiếng nói Nam Bộ năm 1946.

Từ 1977 đến 1990 chú giữ nhiều trọng trách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, Tổng biên tập Đài TNVN, Tổng biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng trong tôi Lý Văn Sáu là một nhà báo lão thành có tầm nhìn xa trông rộng, một cây bút sắc sảo, một cách sống giản dị, hòa đồng, một tấm lòng yêu thương đồng nghiệp.

Năm 1945, sau khi tham gia khởi nghĩa dành chính quyền ở quê nhà Yên Thành, Nghệ An, chàng trai Lý Văn Sáu vào tỉnh  Khánh Hòa. Sau đó làm trưởng ty Thông tin của tỉnh này.

Lý Văn Sáu là một trong những người xây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ phát đi từ đình Thọ Lộc, làng Tôn Đính, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Lý Văn Sáu vào nghề phát thanh từ đó, nghĩa là khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nghĩa là không hạ tầng kỹ thuật, không nguồn nhân lực, không có sở hậu cần, như thuật ngữ chuẩn ngày nay. Làm phát thanh theo thời gian mà không có đồng hồ, phải thay nhau xem bóng nắng để định giờ. Không có nhạc cắt phải mượn chuông nhà chùa đánh “bong” mỗi khi chuyển tiết mục.

Chỉ có đội ngũ ban đầu, như đồng chí Phạm Văn Đồng đánh giá là “ chất lượng vô cùng, kiên cường vô cùng”. Đó là giám đốc Nguyễn Văn Nguyễn, chiến sỹ cách mạng kiên trung, nhà báo lỗi lạc, Ủy viên xứ ủy Nam Kỳ, là Phó Giám đốc Huỳnh Văn Tiểng, ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ. Các biên tập viên, kỹ thuật viên từ Hà Nội vào, từ Sài Gòn Chợ Lớn ra, Việt kiều từ Pháp, Thái Lan về. Tất cả theo lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả chung một câu xướng hàng ngày “Đây là Tiếng nói Nam Bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn, tiếng nói chiến đấu, mỗi ngày thốt lên trên làn sóng điện 24 thước 26 vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều”. Đây là đài thứ hai của kháng chiến, anh em của Đài Tiếng nói Việt Nam, là cánh sóng nối dài của Đài phát thanh Quốc gia.

Đài TNVN cất tiếng chào đời vào 11h30’ ngày 7/9/1945, năm ngày sau lễ Tuyên ngôn Độc lập mà nội dung cốt lõi là truyền đi toàn bộ bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới - Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở ra thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Chiều ngày 2/ 9/1945, ông Trần Lâm phụ trách thành lập Đài Quốc gia, ông Nguyễn Cung nhà kỹ thuật vô tuyến điện đã cho phát thử, truyền lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử lên không trung. Máy phát có công suất quá nhỏ nên nhiều nơi không bắt được sóng. Nơi nghe được đồng bào chiến sỹ vui mừng khôn xiết. Nghe lại chuyện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “Tín hiệu nhỏ nhưng tiếng vang lớn”.

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi viết lời giới thiệu cuốn sách “Tiếng nói Việt Nam - Cầu nối Đảng với Dân” nêu rõ: “Đài TNVN là con đẻ của Cách mạng tháng Tám được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lớn lên bằng hai bàn tay trắng, một lòng đi cùng dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh”.

Mảnh đất miền Trung xương xẩu gánh hai đầu đất nước là trung tâm phát thanh kháng chiến với bốn danh xưng. Tiếng nói Nam Bộ, “tiếng nói đau đớn, căm hờn và chiến đấu”. Đài Tiếng nói Đồng Tháp Mười cũng được ra đời từ đây với danh xưng “Tiếng nói lưu động của bưng biền Nam Bộ kháng chiến”. Đặc biệt từ 7/10 đến cuối tháng 12 năm 1947, trong khi Đài TNVN ở Bắc Kạn bị địch càn quét, Đài Tiếng nói Nam Bộ ở Quảng Ngãi đã phát sóng thay với danh xưng “Tiếng nói Việt Nam”. Cũng năm ấy kháng chiến Nam Bộ đã lớn mạnh có điều kiện để phát sóng ngay tại bưng biền nên Đài Tiếng nói Nam Bộ chuyển về nơi đúng với cái tên của nó.

Đầu năm 1948 thành lập Đài Tiếng nói Miền Nam với danh xưng “đây là tiếng nói nước Việt, tiếng nói của người Việt miền Nam tự do” do nhà báo Lý Văn Sáu làm Phó Giám đốc. Đến giữa năm 1953, tình hình thay đổi nhiều, kháng chiến đi vào thời kỳ tổng phản công, Đài TNVN phát triển, sóng mạnh hơn nhiều nên Đài Tiếng nói Miền Nam ngừng hoạt động, hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Bảy năm ở khúc ruột miền Trung liên tục phát sóng với  bốn danh xưng, nhà báo Lý Văn Sáu đều tham gia với nhiều trọng trách. Một đoạn đường “đi dọc thời gian” trong đại lộ Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh đầy cam go và vinh quang.

Thiết nghĩ chúng ta đã vinh danh đặt tên Đại lộ Hồ Chí Minh trên đất liền, xuyên Trường Sơn hùng vĩ, Đại lộ Hồ Chí Minh trên biển từ Hải Phòng đên đất mũi Cà Mau, nay thêm Đại lộ Hồ Chí Minh trên làn sóng phát thanh càng phong phú thêm sự thật lịch sử chiến tranh Vệ quốc, làm vinh quang thêm nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Sinh thời, khi nói chuyện với các nhà báo trẻ của Đài TNVN, nhà báo Lý Văn Sáu tâm đắc: Làm báo nói chung và phát thanh nói riêng là phải biết nhìn xa trông rộng. May mắn nhất là được sống, làm việc trong những thời khắc lịch sử, những sự kiện quan trọng, được gặp gỡ, chuyện trò từ vĩ nhân đến người thường. Dù chỉ một cái tin hay một phóng sự ngắn, một câu chuyện người thật việc thật mà không có cái mới, không có cái để nhớ thì phải xem ngược trở lại tay nghề của mình. Đặc biệt với nhà báo phát thanh, truyền hình phải hoạt khẩu, nghĩa là ứng phó nhanh, nói ngay điều cần nói ngắn gọn mà súc tích trước sự kiện, hoàn cảnh, nhân vật. Điều rất mấu chốt của nhà báo là phải cần mẫn tích lũy tư liệu.

Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu kể lại trong những năm tháng làm người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris ông thường xuyên nghe Đài TNVN, Đài Giải phóng thu thập tin tức, nắm tình hình ở nhà kịp ứng phó những tình huống họp báo phức tạp, cân não.

Trước khi nghỉ hưu, chú Sáu thường trầm ngâm. Tôi hiểu từ ngày người bạn đời Ngọc Ánh rời cõi tạm về với tổ tiên chú buồn hẳn, trầm lắng hơn. Nhớ mãi những lần đi công tác nước ngoài về cô chú thường đến thăm hàng xóm với gói chè thơm trong tay, chú nhẹ nhàng cho chè vào ấm gia chủ với nụ cười hiền, cô mang theo phích nước nóng đổ vào với lời mời ngọt ngào. Món quà đơn sơ, mỏng tang mà đậm tình người.

Có lần tôi chợt hỏi, chú họ Nguyễn sao đổi sang họ Lý, ông cười xởi lởi rồi hướng về gương mặt đôn hậu của vợ, cô nhỏ nhẹ:

- Không riêng gì cháu mà nhiều người hỏi thế và cô là người trả lời phỏng vấn.

Tên khai sinh của chú là Nguyễn Bá Đàn, con trai nhà Nho yêu nước, nhà Nho học Nguyễn Trọng Thuần ở làng Yên Nhân, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1962 chú được cử sang Cuba làm Phó trưởng đại diện Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Để thuận lợi cho hoạt động chú lấy tên chị ruột là Nguyễn Thị Lý làm họ. Lấy tên vợ làm tên mình. Từ đó có tên gọi Lý Văn Sáu.

Nhà báo lão thành, nhà ngoại giao xuất sắc Lý Văn Sáu rời cõi tạm về sum họp vĩnh hằng với vợ, cùng tổ tiên vào ngày 30/4/2012, đúng ngày kỷ niệm 37 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, một sự nghiệp lớn lao mà ông đã góp phần cống hiến với tâm thế người chiến sỹ của đại lộ Hồ Chí Minh trên làn sóng phát thanh.

Tôi coi ý kiến của chú như một phát hiện, một đề xuất trong làng báo nước nhà, chú trầm ngâm rồi nhỏ nhẹ với chất giọng xứ Nghệ pha lẫn Bình Định, Khánh Hòa: “Chú không nghĩ to tát thế, nhưng một điều cần khắc nhớ là Đài TNVN cất tiếng chào đời năm ngày sau lễ Quốc khánh mùng 2/9/1945, đi cùng đất nước, cùng thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta tự hào được đi cùng đại lộ mang tên Bác trên làn sóng điện, làn sóng phát thanh”.

Từ khóa: Lý Văn Sáu, nhà báo Lý Văn Sáu, nhà báo lão thành Lý Văn Sáu, ông Lý Văn Sáu,100 ngày sinh Lý Văn Sáu

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nhà báo vĩnh trà/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập