Nguyễn Tự Cường - Tiết nghĩa đại vương của vùng đất tam khôi

Cập nhật: 24/01/2022

[VOV2] - Nguyễn Tự Cường sinh năm 1488 mất năm 1548, ông đỗ Hoàng giáp khoa thi Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514). Ra làm quan vào thời kỳ nhà Lê có nhiều rối ren nhưng ông đã tỏ rõ khí thế của một nhà nho học, một hiền tài của đất nước.

Tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi, danh gia vọng tộc nên ngay từ khi còn nhỏ đã là người thông minh xuất chúng, ông học một biết mười, học cao hiểu rộng, có lối sống cương trực, thẳng thắn, vị tha.  Năm 26 tuổi, Nguyễn Tự Cường lên kinh dự thi và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514), đời Lê Tương Dực và làm quan đến chức Hiến sát sứ. Ông Trần Văn Lương, người cao tuổi ở làng Tam Sơn cho rằng chính gia tộc, dòng họ và vùng đất khoa bảng Tam Sơn đã tạo nên tài năng, nhân cách cho Nguyễn Tự Cường. Nguyễn Tự Cường đã nối tiếp truyền thống khoa bảng từ thế hệ ông, cha và chính ông cũng đã tiếp tục làm rạng rỡ cho dòng họ, cho quê hương. 

Thời kỳ Nguyễn Tự Cường ra làm quan cho nhà Lê cũng là nhà Lê rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đất nước rối ren, Lê – Mạc phân tranh, thế nên con đường làm quan của Nguyễn Tự Cường cũng trải qua không ít thăng trầm. Nhưng lòng trung quân của ông với nhà Lê thì được thể hiện rất sâu sắc. Sau khi Mạc Đăng Dung nổi lên và giành chính quyền thì cũng lần lượt thu phục những người theo triều nhà Lê, trong đó có Nguyễn Tự Cường. Thế nhưng ông đã cự tuyệt và một lòng hướng theo nhà Lê. Theo TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm thì Nguyễn Tự Cường đã trực tiếp đứng lên tập hợp các tiến sỹ người quê Đông Ngàn dấy binh đánh lại nhà Mạc. Ông chính là người đã dựng lên những đội quân hương binh và theo tiếng gọi cần vương chống nhà Mạc tại vùng sông Đuống.

Nguyễn Tự Cường đã cùng với thầy của mình là Tiến sĩ Đàm Thận Huy chống lại nhà Mạc, song vì lực lượng yếu, mỏng nên ông cùng mọi người đã bị thất bại trong lúc đang tiến đến bờ sông Thiên Đức (tức sông Đuống ngày nay). Sau đó ông lui về quê ở Tam Sơn sinh sống. Khi nhà Mạc làm lễ đăng quang, nhận thấy vị quan Hiến sát sứ triều Lê là người tài nên đã mời ra dự lễ, trọng dụng, nhưng Nguyễn Tự Cường cáo ốm, nhất định không ra. Ba hôm sau, triều đình buộc ông phải lên chầu. Vì khinh bỉ vua Mạc, không muốn nhìn trực diện kẻ cướp ngôi nên ông giả cách bị đau mắt, dùng vải the che. Lúc vào triều ông cũng không quỳ lạy mà chỉ vái từ xa rồi tiến gần đến bệ rồng - nơi vua Mạc đang ngự nhổ ba lần nước bọt và chỉ thẳng vào mặt Mạc Đăng Dung dõng dạc nói: “Ta phò Lê chứ không phò Mạc…”. Sau đó, ông cắn lưỡi tuẫn tiết ngay tại sân rồng để thể hiện lòng cương trực, trung thành với nhà Lê. TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm cho rằng hành động tuẫn tiết của Nguyễn Tự Cường không chỉ thể hiện lòng trung của ông với nhà Lê mà còn thể hiện khí tiết của những nhà nho lúc bấy giờ. Nguyễn Tự Cường là một trong những người được gọi là tiết nghĩa của triều Lê và điều này đã được dân làng cùng với triều đình nhà Lê phong tặng.

Hiện nay đền thờ Tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường vẫn còn lưu lại dấu tích ở làng Tam Sơn. Trong đó còn lại 3 tấm bia, quan trọng nhất là tấm bia năm cảnh trị 4 (1666) có khắc lại bài sắc phong ông làm Tiết nghĩa Đại vương và được làm thành hoàng làng. Còn một tấm bia thờ vua Minh Mạng, thứ 13 (1831) và một tấm bia thời vua Duy Tân thứ 9 (1913) thì đều ghi rõ cuộc đời, sự nghiệp cũng như công tích của Tiết nghĩa Đại vương Nguyễn Tự Cường đối với nhà Lê. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 âm lịch là ngày hóa của Tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường, nhân dân địa phương lại tổ chức tế lễ để tưởng nhớ tới công tích của ông. Năm 2014, đền thờ ông đã được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện trong ngôi đền còn lưu lại nhiều bức hoành phi câu đối thờ, ca tụng tấm gương kiên trung, nghĩa liệt của ông như: “Quyết tâm giữ nghĩa vững tâm khắc đá vì đất nước/Nhớ lúc nắm quyền sóng gió chí cao giúp đỡ dân” và “Nghĩa sáng kiên trung chiếu ngàn thu còn mãi/ Anh hùng ngay thẳng sử ghi muôn họ lưu danh”. Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Duy Minh, hậu duệ của Tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường tự hào về bậc tiền nhân của mình. Tinh thần hiếu học, tấm lòng trung quân ông cho đến nay vẫn được lớp người hậu thế của dòng họ giữ gìn và tiếp bước. Các thế hệ hậu duệ của Tiết nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường luôn phát huy được truyền thống đó từ thời phong kiến sau đó là chống Pháp, chống Mỹ và trong thời nay xây dựng và phát triển đất nước.

Cho đến nay, người làng Tam Sơn ai cũng thuộc nằm lòng những câu chuyện về vị Tiết nghĩa đại vương của làng. Tấm lòng trung quân ái quốc và khí phách của Nguyễn Tự Cường chính là tấm gương cho lớp người hậu thế của làng tiếp bước. Lòng ngưỡng vọng, tự hào về ông luôn hiện diện trong lời nói, việc làm mà con cháu đời sau dành cho vị Tiết nghĩa công thần của triều Lê.

 

Từ khóa: Tiết nghĩa đại vương, Nguyễn Tự Cường, làng Tam Sơn, truyền thống khoa bảng, nhà Mạc

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập