Nguyên nhân gây nên tình trạng yếu cơ
Cập nhật: 10/11/2022
VOV.VN - Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ bắp của một người trở nên yếu đi, đó có thể là tuổi tác, là thuốc bạn đang dùng, do đa xơ cứng hay rối loạn tuyến giáp…
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ của bạn bị yếu. Những lúc đứng dậy khỏi ghế, leo cầu thang…bạn sẽ cảm thấy cơ thể của mình mất đi một phần sức lực. Tình trạng yếu cơ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn theo thời gian.
Ngày càng già đi: Mất một số khối lượng cơ và yếu dần theo tuổi tác là điều bình thường. Các bác sĩ gọi đây là chứng suy nhược cơ thể. Chắc có lẽ, bạn sẽ không nhận thấy điều đó biểu hiện rõ rệt trước tuổi 60 hoặc 70. Tình trạng mất cơ bắp do lão hóa (Sarcopenia) cũng có thể đi kèm với các tình trạng sức khỏe khác khiến bạn rất khó vận động, vì thế hãy gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Kiểm tra thuốc đang dùng: Một số loại thuốc có thể làm yếu cơ của bạn. Chẳng hạn như loại thuốc kháng viêm - corticosteroid có prednisone và statin làm giảm cholesterol. Nếu bạn cảm thấy yếu mệt mà không biết tại sao, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ bởi điều đó có thể xuất phát từ tác dụng phụ của bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng.
Lạnh hay cúm: Nếu bị cảm lạnh, cúm hoặc một số bệnh khác có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu ớt. Lúc này, một số virus có thể tự lây nhiễm vào cơ gây nên tình trạng yếu cơ.
COVID-19: Các dấu hiệu COVID-19 thường tương tự như dấu hiệu của bệnh cúm như ho, sốt và mệt mỏi. Tuy nhiên, COVID cũng có thể gây ra các triệu chứng ở các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả yếu cơ. Nếu một trường hợp xấu của COVID hoặc bất kỳ căn bệnh nào khác khiến bạn phải nằm trên giường tại nhà hoặc trong bệnh viện trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, cơ bắp của bạn cũng sẽ nhanh chóng mất sức. Trường hợp này thì phương pháp vật lý trị liệu hoặc các bài tập ở nhà sẽ giúp bạn lấy lại sức lực.
Tổn thương cơ: Khi bạn phải nâng một vật gì đó quá nặng, hoặc lặp đi lặp lại một công việc quá nhiều sẽ khiến cơ bị yếu. Lúc này cơ của bạn bị căng thậm chí là bị rách. Do đó, việc thăm khám bác sỹ là cần thiết nếu vết thương trở nên tồi tệ. Ngoài ra bạn cũng nên thực hành các bài tập giãn cơ thường xuyên để giúp giữ cho cơ bắp của bạn chắc khỏe và ngăn ngừa các chấn thương trong tương lai.
Đa xơ cứng: Yếu cơ có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của bệnh đa xơ cứng (MS). Đa xơ cứng là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống với chức năng thần kinh bị giảm sút kết hợp với việc hình thành sẹo trên lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của MS bao gồm nhiều giai đoạn tê liệt khác nhau.
Đột quỵ: Nếu cơ bắp của bạn bị yếu đột ngột, đó có thể là một cơn đột quỵ. Ngoài yếu cơ, bạn cũng sẽ xuất hiện các biểu hiện khác như chóng mặt, nhìn mờ, khó khăn khi đi bộ, mất thăng bằng, đau đầu…
Các nguyên nhân khác: Một số tình trạng sức khỏe khác có thể đi kèm với yếu cơ, gồm: Rối loạn giấc ngủ; Rối loạn tuyến giáp; Hội chứng mệt mỏi mãn tính; Viêm cơ da, viêm đa cơ; Bệnh nhược cơ; Suy tim; Bệnh tiểu đường…
Thai kỳ: Nếu đang mang thai mà bạn gặp trình trạng yếu cơ không hiểu nguyên nhân, thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Mặc dù hiếm gặp, nhưng nó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe không nên chủ quan.
Hãy đến gặp bác sỹ: Nếu gặp khó khăn khi làm những việc mà trước đây có thể làm được do yếu cơ, thì bạn hãy đến gặp bác sĩ. Lúc này bác sỹ sẽ đưa ra một số bài kiểm tra sức khỏe để kiểm tra cơ bắp của bạn.
Bạn có thể làm gì: Cho dù tình trạng yếu cơ xảy ra do bạn không hoạt động nhiều hay do tuổi tác hoặc vấn đề sức khỏe, thì việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn lấy lại sức mạnh. Bởi khi già đi thì việc rèn luyện thể thao thường xuyên cũng có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình mất và suy yếu cơ. Ngoài ra bạn cũng có thể gặp bác sỹ để được tư vấn về các phương pháp trị liệu nếu vấn đề yếu cơ trở nặng./.
Từ khóa: Nguyên nhân gây nên tình trạng yếu cơ, nguyên nhân khiến cơ bị yếu, cơ yếu lí do vì đâu, ăn gì để tăng cường cơ bắp, cơ bắp chắc khỏe cần ăn gì
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN