Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội nghiêm trọng nhất nhì thế giới?

Cập nhật: 16 giờ trước

VOV.VN - Theo các chuyên gia có rất nhiều nguyên nhân dẫn dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội nghiêm trọng nhất nhì thế giới. Trong đó, thời tiết là tác nhân gây khuếch tán, giảm chỉ số AQI.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 cho thấy, nồng độ bụi PM 2.5 trung bình hằng năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%. Thành phố Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo số liệu năm 2019, tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn, hơn 50% số này đến từ nguồn thải tại chỗ. Trong đó, hoạt động giao thông, bụi đường lớn nhất, chiếm 56%. Thành phố có 1,1 triệu xe ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.

Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp 46% lượng bụi siêu mịn và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức phát thải từ giao thông. Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là xe tải hạng nặng, xe buýt và xe tải hạng nhẹ.

Phát thải nhiều thứ 2 là từ các hoạt động sản xuất công nghiệp. TP Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề cùng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lân cận, nơi chỉ cách trung tâm 50-100km, như các nhà máy nhiệt điện ở Hải Dương, Quảng Ninh; chế biến xi măng ở Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam; phân bón, hóa chất tại Thái Nguyên, Phú Thọ.

Nguồn nhiều thứ 3 là đốt phụ phẩm nông nghiệp, chiếm khoảng 13% vào tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội. Khoảng thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất cũng trùng vào dịp thu hoạch hai vụ lúa chính là Hè Thu và Đông Xuân. Tại các huyện như Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, người dân vẫn giữ thói quen đốt rơm rạ ngay tại đồng.

Ngoài ra, các nguồn như xây dựng, đốt rác, y tế và hoạt động dân sinh khác đóng góp khoảng 10% vào tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Cùng với đó là vấn đề thời tiết. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, khí hậu ở TP Hà Nội có sự chênh lệch ngày đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt rất lớn làm hạn chế khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi PM 10 và bụi mịn PM 2.5.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, các yếu tố bất lợi về thời tiết làm cho tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng trầm trọng hơn miền Trung, miền Nam hay các tháng còn lại trong năm.

Có nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải có nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí. Đặc biệt, Hà Nội hiện có trên 40% dân số đô thị, 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7,8 triệu phương tiện các loại (chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông).

Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng dầu, cùng tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rác thải tự phát. Biến đổi Khí hậu hay việc quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép giải pháp bảo vệ môi trường, nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân... đang là thách thức lớn với sự phát triển đô thị văn minh. Dù Hà Nội bước đầu kiểm kê được nguồn phát thải, nhưng việc chậm triển khai các giải pháp xử lý dẫn đến mức độ ô nhiễm không thuyên giảm mà luôn ở mức tăng cao.

Ông Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, ô nhiễm không khí trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung có tính quy luật theo mùa (từ khoảng tháng 10-11 của năm trước, kéo dài tới tháng 4 năm sau) và tập trung chủ yếu tại một số điểm có mật độ giao thông và tập trung nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày, mức độ ô nhiễm cũng dao động, tập trung vào 6-8h sáng và 17-19h chiều.

Nguyên nhân ô nhiễm không khí được xác định, tập trung vào các nhóm nguồn thải chủ đạo sau: Từ hoạt động giao thông vận tải; hoạt động xây dựng; hoạt động sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt mỏ; các hoạt động dân sinh, sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh; các yếu tố điều kiện khí hậu, thời tiết.

Ngoài ra, ô nhiễm chất lượng môi trường không khí thường ghi nhận vào thời điểm trước và sau các đợt không khí lạnh tràn về và thường gia tăng đột biến vào đêm và sáng sớm. Nguyên nhân, vào mùa đông ở miền Bắc, các điều kiện khí tượng bất lợi như lượng mưa thấp, trời lặng gió, nghịch nhiệt nên bụi mịn không khuếch tán được, gây ra ô nhiễm chất lượng môi trường không khí cho khu vực.

Ngược lại, các điều kiện khí tượng trong mùa hè như tốc độ gió cao, mưa nhiều, hiện tượng đối lưu khí quyển diễn ra mạnh làm rửa trôi và khuếch tán bụi trong không khí nên nồng độ bụi mịn thấp hơn. Do vậy, người dân cần thường xuyên tham khảo thông tin về chất lượng không khí trên Cổng thông tin quan trắc môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cem.gov.vn) và moitruongthudo.com để có biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình.

Thời tiết không phải là nguyên nhân mà là tác nhân gây gia tăng ô nhiễm không khí

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, trong 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, thì mùa đông là mùa có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm như: Gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng. Khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.

Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, thời tiết không phải là nguyên nhân mà là tác nhân làm tăng giảm chỉ số AQI gây ô nhiễm không khí. Người dân thường nghĩ tập thể dục buổi sáng là thời điểm không khí trong lành nhưng đây chính là thời điểm ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe.

Từ góc độ nghiên cứu khoa học, GS.TS Hoàng Anh Lê (Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, người dân Việt Nam chưa chú ý đến ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe bởi ô nhiễm không ảnh hưởng lập tức mà "ăn mòn" sức khỏe con người theo giời gian.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, thành phố hiện có khoảng 1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những cơ sở có hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội.

Đến nay, thành phố Hà Nội chưa tiến hành kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau. Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất, từ 58 - 74%; tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14 - 23%; nguồn nông nghiệp từ 3,4 - 18,9%; nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất.

Ông Nguyễn Minh Tấn nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô nổi bật nhất là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10. Cụ thể, theo Báo cáo hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019 - 2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Giữa các quận, huyện, thị xã, cung có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm, trong đó nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì). Kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023 cũng cho thấy bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26 - 52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1 - 2,1 lần.

Bụi mịn PM2.5 hay PM10 rất nhỏ, chỉ chiếm 1/30 hoặc 1/50 của một sợi tóc nên có thể xuyên qua hệ thống phòng ngừa trong mũi, trong phế quản, vào thẳng trong phế nang, nơi trao đổi chất và vào trong máu gây rối loạn trao đổi chất, các chức năng cơ thể, kể cả hệ thống gen. Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2023 cũng nhìn nhận ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi PM2.5 đang trở thành một trong những vấn đề tác động tiêu cực đối với sức khỏe toàn cầu, trong đó có Việt Nam. 

Từ khóa: ô nhiễm không khí , ô nhiễm không khí, nguyên nhân của ô nhiễm không khí Hà Nội, ô nhiễm không khí Hà Nội

Thể loại: Xã hội

Tác giả: văn ngân/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập