Nguyễn Một - "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín": Một tấm lòng sâu nặng với quê hương

Cập nhật: 10/10/2023

VOV.VN - Ở nhà văn Nguyễn Một có một khao khát hay ước mơ lớn nhất cho đất nước quê hương thống nhất, giang sơn về một mối. Đó cũng là ước nguyện của triệu triệu con người Việt (cũng là của nhân loại) đã được nhà văn khẳng định, huyền thoại hoá bằng văn học...

Lao động hết sức, vượt qua chính mình

Trước Tết Quý Mão, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và cuộc sống Trần Đăng Khoa đi phía Nam về, bảo tôi: “Nguyễn Một vừa có cuốn tiểu thuyết mới. Ông xem, nếu tốt, ta trích in trong mục Văn trong số tới”. Tôi liên lạc với nhà văn Nguyễn Một, đề nghị gửi email bản văn dạng PDF. Nhận được văn bản, tôi đọc hết cuốn tiểu thuyết hơn 11 vạn từ, mất hai đêm.

“Bên lở dòng sông là một cuốn tiểu thuyết tốt. Nó đụng đến cả giai đoạn dài chiến tranh ở Việt Nam. Với lối dựng cũng mới ông Khoa ạ”- Tôi báo cáo qua chát facebook mỗi sáng, như dạng trao đổi trực tuyến. "Tốt thế nào?" - Khoa hỏi. “Tiểu thuyết này, Nguyễn Một dùng cách thứ Ba trong kĩ thuật kể. Nhờ thế, cuốn sách y như một camera, khách quan ghi lại những gì nghe được, cảm được qua nhiều tình cảnh và tình thế, của nhiều dạng người trong suốt chiều dài cuộc chiến; cả khi chống Pháp, Nhật kéo tuốt đến tận sau hậu chiến đánh Mỹ. Ông Một tạo hai nhân vật chính. Một chàng tên Sơn gốc nông dân và một nàng tên Diễm dân thành thị theo Đạo Công giáo. Từ quan hệ bản lề này, tác giả tổ chức nhiều tuyến nhân vật phụ khác chạy quanh, tạo nên hệ thống nhân vật như tranh lập thể, đa chiều không gian, để bạn đọc hình dung ra một xã hội phía Nam rất hỗn độn, phức tạp, đau thương… bởi chiến tranh. Bằng kinh nghiệm cá nhân, với tư cách thư kí toà soạn, báo cáo Tổng biên tập Trần Đăng Khoa rằng, nhà văn này, có một có lối ghi chép cấu trúc dựa trên cận sự thật khá tinh tế, nhiều trang rất sinh động” - Tôi trả lời.

"Có hấp dẫn không?" - Khoa lại chất vấn. “Hấp dẫn! Nhờ có sự lắt léo của nhiều tình cảnh lạ, mà không phải người Nam Bộ, không tường ngôn ngữ vùng miền, tâm lí, thói quen, lối sống vùng miền, không yêu quê, khó ai viết được sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc". Lại phấn hứng, tôi nói tiếp" "Cuốn sách hơn 10 vạn từ. Theo tôi, chúng ta chỉ cần đi một chương cuối. Chương ấy, chương 31, kết thúc tiểu thuyết, cũng là kết thúc một mối tình đề cao tính nhân văn của con người cuộc chiến. Nó giải toả mối liên quan giữa Sơn - Diễm - Thành (chồng Diễm) giàu tha lượng khi Thành chấp nhận: Cái thai trong bụng Diễm đẻ ra, chính là đứa con của mối tình cũ Sơn - Diễm. Kết như thế, tiểu thuyết nói được điều cao hơn cái vỏ ngoài mô phỏng cuộc chiến, khi xưa họ là đối thủ, là hận thù, sau chiến cuộc họ biết quên đi". - Tôi nói thêm.

“Vậy thế này nhé. Tôi (Khoa) đồng ý. Ông chuyển tôi đọc, cả nhận xét của ông. Đúng được vậy, tôi sẽ đích thân viết sapo cho bạn đọc hiểu thêm” - Khoa kết luận một phiên trao đổi công việc toà soạn trực tuyến sớm sớm ấy.

Số 10 bộ mới Tạp chí Nhà văn và cuộc sống áp Tết Quý Mùi, đã giới thiệu toàn bộ chương 31 tiểu thuyết (bấy giờ còn mang tên Bên Lở Dòng Sông), của nhà văn Nguyễn Một. Đây là chương kết sách, khá quan trọng, không chỉ mô phỏng khái quát nhất sự tàn bạo của cuộc chiến trên quê hương sinh ra Nguyễn Một; không chỉ để ba nhân chính phụ (Sơn và Diễm, Thành) rời bỏ mặc cảm quá khứ; như gửi một thông điệp, gõ hồi chuông cảnh tỉnh cho hiện tại và tương lai. Khi in chương 31 kèm với Sapo do tôi dự thảo và Tổng biên tập Trần Đăng Khoa nhuận sắc rất kĩ, để độc giả hình dung quy mô tác phẩm và chủ yếu điểm xuyết những nét cô đọng về tác giả.

Tháng năm qua đi tới năm 2023, chúng tôi vẫn chờ cuốn sách nói trên, để đến hôm nay, tháng 6-/023, thi sĩ Trần Đăng Khoa và tôi đều nhận được cuốn tiểu thuyết gửi từ nơi bà đỡ Nhà sách Liên Việt - Nhà xuất bản HNV chịu trách nhiệm xuất bản. Trước khi nhận được sách, qua chat facebook, nhà văn Nguyễn Một có nói với tôi, so với bản cũ không có gì thay đổi về tổng thể cấu trúc, diễn tiến sự kiện, nhưng có một số thay đổi nhỏ, mong anh đọc kĩ. Vậy tức là, so với văn bản trước còn ở dạng bản thảo mà tôi đọc, Nguyễn Một ngày nay đã chính thức công bố một văn bản không như văn bản lúc còn là bản thảo, nó đòi hỏi nhà văn phải suy ngẫm kĩ viết lại những phần quan trọng mà ở bản thảo trước đây tưởng đã ngấu chín.

Bút pháp linh hoạt nhiều nội lực vượt lên điều đã cũ

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" tên sách, thay cho "Bên lở dòng sông". Hai ngày đọc sách bản in mới, tôi nhận ra lập tức và hiểu vì sao tác giả cũng đã đổi tên cho đứa con của anh. Ở chương cuối cùng kết sách, cụm từ Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín được nhắc lại trong một cảnh huống của nhân vật chính tên Sơn. Vậy sự nhắc lại ấy, hàm ý gì? Theo Kinh Tân ước, đây là đoạn văn quan trọng nói về thời cảnh khi Đức Chúa Jesus bị câu rút.

Sách cũ nói, đó là thời kì đen tối nhất của trái đất khi không còn Đức Chúa, lúc ngài hiện dạng ở phần xác - con người xương thịt, như mọi người. Nguyễn Một đã gửi trong tên sách đã thay đổi, một thông điệp ngầm, dù sau đó suốt chiều dài câu chuyện không một câu văn phán xét. Và, khi nhắc lại với một đoạn văn ngắn, trong phần kết tiểu thuyết, câu văn trên khi được nhắc lại, đã ánh lên, sáng lấp lánh, buộc độc giả có vô tâm cũng phải chú ý. Nó lộ ra hàm ý của sự thay đổi tên tiểu thuyết khá quan trọng, rõ ra một sự thay đổi đầy chủ tâm, rõ ra một thái độ, trong cách nhìn của tác giả tràn phủ trong cả một giai đoạn dài của phía Nam đất nước.

Văn chương xưa tiền nhân phân định có ba tạng. Điều nói tới mà không tới là dở (vứt), nói tới mà tới là đạt. Không nói tới mà tới là hay. Vậy Nguyễn Một đã, thể hiện tài nghệ thuật dụng chữ, trong cấu trúc đoạn, bằng câu văn này, bày tỏ một thông điệp ngầm, như một chìa khoá mở toang "ngôi nhà văn chương" mà ông dày công suy nghĩ để xây dựng. Thuộc về kĩ năng của những người nhiều kinh nghiệm trong tổ chức cấu trúc văn xuôi, truyện ngắn hay dài, tiểu thuyết hay tuỳ bút v.v…

Cái tên truyện đầy tính thách đố, giờ đây lộ ra sự ẩn dụ khái quát, cô đọng đến tinh chất và cực kì kín đáo tinh thần tư tưởng chính của tác phẩm (cũng gây sự tò mò cho ai thèm khám phá). Nó chính là điều xuyên suốt tác phẩm, được cởi tung khi phần kết nhắc lại tên sách, ở một câu văn đoạn kết. Điều này thật tinh tế. So với bản thảo lần I, quyết định nhuận sắc lại để cho nó ra đời, là một sự thay đổi quan trọng, đòi hỏi nhà văn phải hết sức dũng cảm tự thay đổi mình. “Tĩnh thì minh”, sự phủ định điều của chính tác giả đã tạo ra trước đó, là điều không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi tác giả phải suy ngẫm lao lung. Một sự thay đổi tưởng nhỏ, đã làm tăng thêm hai giá trị - nghệ thuật và tư tưởng - thuộc về nội hàm chính của một tác phẩm văn học, trong ý nghĩa "ý tại ngôn ngoại".

Đọc lại tiểu thuyết Nguyễn Một lần thứ hai, khi đã in ra sách, với kinh nghiệm của gần 50 năm cầm bút, từ thơ tới truyện ngắn, hết truyện ngắn tới tiểu thuyết có bại có thành, (kể cả sự quan trắc của tôi với các bậc lão gia văn chương đi trước, mà lấy làm bài học thay cho trường quy) để khi gấp sách lại, tôi có cảm giác bằng lòng về sự có mặt của một cuốn sách viết về cuộc chiến đằng đẵng suốt chiều dài lịch sử của đất nước từ chống Pháp đến kháng Nhật đến việc phải chiến tranh đánh đuổi chủ nghĩa thực dân mới đại diện là chính quyền Mỹ từ những thập kỉ sáu mươi. Và, nó cũng không chỉ dừng lại ở mốc 1975 khi cuộc chiến chấm dứt. Nó tiếp tục phơi bầy thực trạng của hai lực lượng người Việt, khi hai phía tiến hành chiến tranh; cả tới sau chiến tranh trong sự cấm vận, người ta phải sống khó khăn, đau khổ ra sao.

Cái lịch sử dằng dặc của hai nhân vật chính, Sơn và Diễm, trong mớ hỗn độn ấy là nguyên do mối tình lãng mạn biến thành mối tình oái oăm, dang dở, chia lìa để rồi khi tác giả hoá giải trong chương cuối lại đầy nhân tính. Cấu trúc xây dựng tác phẩm có nhân vật dạng này, đã giúp gói ghém một chủ thuyết của một người sinh năm 1964, không có cơ hội can dự vào cuộc chiến. Anh ta, Nguyễn Một, khi chiến tranh xung đột ở miền Nam chỉ 4 tuổi; khi người Mỹ, Úc, Hàn, Thái can dự vào cuộc chiến Việt Nam, anh ta còn niên thiếu; kết thúc chiến tranh, Nguyễn Một cũng còn ở tuổi chưa thể nhận thức chín chắn. Nhưng rõ ràng một lịch sử đã được tái diễn, một lịch sử tình yêu đôi lứa (lấy là nền, đưa đẩy) vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính ước lệ, cũng đã khép lại ở trang cuối chứng tỏ tài năng ở ngôn ngữ tiểu thuyết hiện đại của tác giả.

Điều thứ hai là, để diễn trình một câu chuyện có lịch sử dằng dặc trên vùng đất phương Nam, khi tác giả không phải người chứng kiến, không phải nhân chứng hay nạn nhân trực tiếp của cuộc xung đột đầy oái oăm, nhưng với tài năng và lòng yêu quê hương xứ sở, Nguyễn Một (dù không trực tiếp can dự vào lịch sử), đã viết với “tâm thức của một nhân chứng, trong tư cách nhà văn, bằng góc nhìn khách quan cần có nhất. Như thế cũng trên tư cách tâm thức nhà văn, Nguyễn Một dầu không được sống trong hiện thực vẫn tái hiện được hiện thực đã xảy ra. Chính do vậy, những gì Nguyễn Một dựng lên và kể ra, là dị bản của sự thật, nó cận sự thật.

Đó là cái tài cần và đủ đòi hỏi ở người cầm bút, cần khách quan hơn khi phản ánh một giai đoạn bi thương, tàn bạo, khốc liệt nhất của lịch sử đương đại đã diễn ra ở phía Nam, cũng là của cả dân tộc Việt. Lại khi như thế là Nguyễn Một đã tạo ra dị bản của một hiện thực, tái hiện hiện thực, trong ánh sáng tình yêu quê hương, bằng lý trí của một nhà văn (sự quán chiếu - trí tuệ gọi là tâm thức nhà văn cần đạt được). Đây là một điểm khá quan trọng cho mỗi nhà văn khi tái hiện lịch sử mà anh ta không tham dự. Tài năng và tình cảm tựa như tình yêu cuộc sống tạo ra văn bản làm bạn đọc tin tưởng, nên tác phẩm có nội hàm đủ để nhận ra nó có kích cỡ không tầm thường. Điều này tối quan trọng khi văn bản dính dấp tới lịch sử. Nó đề cao trách nhiệm nhà văn với hiện tại, vị lai và cả quá vãng của cả dân tộc.

Trong lịch sử văn học nước nhà gần đây, sau 1975, đã có thêm một viên gạch góp vào cho ngôi đền văn học thêm màu sắc; một cuốn sách văn chương bàn về cuộc chiến đáng đọc. Nguyễn Một đã thử thách mình, lại ít nhiều thành công ở một đề tài dễ khô cứng, dễ nản lòng bạn đọc.

Nguyễn Trí Huân 1988, với tiểu thuyết "Chim én bay", là nhà văn có tiểu thuyết sớm nhất bàn về tha thứ, hoà hợp. Chim én bay nhận giải Hội nhà văn năm ấy. Khuất Quang Thuỵ bàn về cuộc đấu súng hai bên ở đường Chín Nam Lào (Lam Sơn 719) bằng tiểu thuyết "Đối Chiến", tàn nhẫn và khốc liệt. Trong đó, đối thủ hai bên được mô phỏng, không sa vào công thức rằng, ta phải mạnh, anh hùng, kẻ địch yếu, hèn nhát. Sự nhích chuyển ở góc nhìn mới, sát thực tế hơn, một lần phá vỡ cái cũ, sự giáo điều, tạo nên nhàm chán trong văn học.

Nguyễn Quang Hà viết "Vùng Lõm", tham dự giải thi tiểu thuyết 5 năm Hội nhà văn, nhận giải B năm 2009. Vùng Lõm là nơi tranh chấp ta - địch khốc liệt, phơi ra trong cuốn sách hết sức chân thực, khốc liệt. Sự thật của chiến tranh theo thời gian, lùi xa cuộc chiến đã có nhiều trang văn theo nhau phản ánh rốt ráo nhất, thậm chí trần trụi cuộc chiến ở Cam Pót, với cả cái tên tác giả cũng phiếm chỉ. Hồi ức Chuyện lính Tây Nam tạo nên một tiếng vang cho cây bút Trung Sỹ.

Sương Nguyệt Minh cũng viết về Cam Pot, không hồi ức như Trung Sỹ, dựng lại cuộc chiến tiểu thuyết "Miền Hoang", tái hiện sắc lạnh và bi thương miền chiến địa hoang dã, kể cả dùng lối ẩn dụ trong xây dựng nhân vật, Sương Nguyệt Minh đã vạch mặt, chỉ ra bộ mặt ác độc tàn nhẫn của kẻ thù dân tộc, cả những bóng ma lẩn sau chỉ đạo, thao túng bè lũ diệt chủng Pôn Pốt v.v...

Những tác giả tôi tạm kể trên và tác phẩm của họ đều chuyển mình về hướng kể, cận sự thật hơn dòng văn học trước 1975, song vẫn hạn chế khi tác phẩm đứng ở góc nhìn, vẫn chủ yếu ở một phía, phía quân ta, phía người chiến thắng. Như vậy, về tính khách quan, để người đọc đâu đâu cũng tin cậy mà tìm đọc, thì họ vẫn chưa lôi kéo được một bộ phận công chúng không nhỏ, thuộc về bên kia, sự thất bại, rồi phải chia lìa xứ sở cũng một nỗi đau.

Nguyễn Một, là nhà văn sớm nhất viết, tưởng như không ở điểm nhìn nào cố định. Anh chọn nơi trung tâm chiến tranh, nơi có hai bộ máy lớn nhất chỉ huy cuộc chiến (đỉnh của mâu thuẫn). Ở nơi ấy dựng nên từ quan hệ cốt lõi Sơn - Diễm và xoay quanh họ là hệ thống những tuyến nhân vật khác cho tường rõ Một cuộc chiến đầy oái oăm, cái nọ chen lẫn cái kia... Song điều đáng chú ý hơn nữa là tuy vậy, lòng nhân vẫn ánh lên trong mạch truyện, được khai mạch không chỉ ở vị trí và chức phận của chiến tuyến mà nó nằm trong những triết lí nhỏ rải rác khắp cuốn sách, cho các nhân vật của mình, nói về cách ứng xử của một truyền thống văn hóa lâu đời của người Nam Bộ.

Ấy là ở cách sống phóng khoáng nhưng có nguyên tắc, thừa hưởng từ văn hóa gốc - đặc tính tích cực như đạo sống của người Nam Bộ, nếp sống dân chúng biến thành điều trân quý, nhiều người noi theo đã được các nhà văn khai thác trong văn học, trong những bộ sách đậm chất Nam Bộ như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là sự triển khai hết sức tinh tế, kín đáo của Nguyễn Một. Một sự khéo léo kín đáo bầy tỏ thái độ tác giả với cái ác, cái chưa được, bằng chính tinh thần văn hoá của con người Nam Bộ, đề cao kẻ trượng phu, con người quân tử, cũng là mẫu người đáng tôn vinh của cả nước, của dân tộc.

Trong tổ chức cấu trúc ở cuốn sách này, Nguyễn Một có nhiều đoạn ghi chép nối đoạn, hệt như những đoạn thông tin của báo chí như mục Điểm tin thời sự hàng ngày, hàng tháng. Đây là một dạng thức mới trong cấu trúc văn bản văn học thể tiểu thuyết với lí thuyết hậu hiện đại mà ở phương Tây nhiều nhà văn đã dùng. Những đoạn văn như báo chí hay thế kí ấy chen vào giữa những trường đoạn hoạt động của nhân vật không chỉ cho bạn đọc mường tượng diễn biến trật tự của toàn cuộc chiến, mà nó còn tạo nên một tiết tấu luôn thay đổi, tạo nên sự sinh động, đỡ nhàm chán cho văn bản. Những đoạn thông tin nói trên Nguyễn Một sử dụng rất tiết chế, rất cô đọng như thông tin báo chí, vừa đủ cho mạch văn không khô cứng. Sự ứng dụng kĩ năng này giúp người đọc hình dung được cụ thể hơn từng bước đi của chiến tranh đã chi phối cảnh huống từng hệ thống nhân vật ra sao, cũng là đẩy nhanh được tốc độ đi của tiểu thuyết.

Một điều cũng cần bàn là, có lẽ do ảnh hưởng văn học miền Nam một thời, cũng do lòng yêu văn học của Nguyễn Một, một số đoạn văn miêu tả tình cảm thiên về diễm tình đã lỗi thời.

Gấp sách lại tôi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ yên bình của thế hệ chúng tôi sau 1954, với cuốn Sông Đông êm đềm của Solokhop. Trong cuốn đại tự sự này, Solokhop để nhân vật chính Gorigori ném hết huân chương bội tinh nhiều loại chứng tỏ người lính dũng cảm, của cả hai phía xuống sông Đông. Lúc thì địch, khi khi ta, lúc thì Bôn, khi thì Men, tất cả ném xuống dòng sông Đông, chỉ còn lại một khát vọng Sông Đông cần êm đềm, nước Nga phải hoà bình. Nguyễn Một ở cuốn "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" không cho nhân vật chính Sơn, phía cách mạng ném đi cái gì cả, mà ông để nhân vật Sơn nhận.

Sơn nhận lá thư của Diễm từ Mỹ gửi về. Nhận thêm một lần, từ mối tình thơ mộng của họ bị chiến tranh xé vỡ, sự nhận lại kể rõ thêm một lòng nhân của người chồng Diễm chấp nhận đứa con, giọt máu của Sơn trong bụng Diễm, từ nước Mỹ xa xôi tin về. Từ nơi một chính quyền đã hậu thuẫn chính làm nên cuộc chiến và đó cũng là nơi cho người ta nuôi nấng hy vọng một sự bao dung chở che cho số người thất bại. Cũng là sự kết khác nhau nhưng chung một khát vọng nhân văn lớn lao, không chỉ của nhà văn mà của dân tộc đau thương này. So sánh vậy, tôi muốn bàn tới sự khác biệt của điều phủ nhận và công nhận.

Ở Nguyễn Một chỉ có một khao khát hay ước mơ lớn nhất của nhà văn cho đất nước quê hương đã thống nhất, giang sơn về một mối. Và, như vậy, khát vọng này đâu chỉ riêng mình Nguyễn Một, hay chỉ riêng vùng đất phương Nam. Đó là ước nguyện của triệu triệu con người Việt (cũng là của nhân loại) đã được nhà văn khẳng định, huyền thoại hoá bằng văn học...

Với nhiều nhà văn khác, bằng góc nhìn mới, cách tiếp cận mới, vấn đề được mở toang ra cởi mở hơn, khái quát hơn và cũng là vô hình trung trân quý hoà bình hiện tại. Cũng liên hệ tới hình tượng ngoại giao cây tre của hiện tại, để liên hệ tới một điều rằng, chiến tranh là thế đấy, giai đoạn đen tối như vậy đấy, làm sao để đất nước mãi yên hàn.

Từ khóa: nhà văn, Nguyễn Một, nhà văn Nguyễn Một, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: nhà văn nguyễn văn thọ

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập