Nguyễn Huy Thiệp trong mắt những người cầm bút
Cập nhật: 23/03/2021
(VOV5) - " Những tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Huy Thiệp khiến cho mình nghĩ khác đi về viết, về cách nhìn quá khứ và ảnh hưởng rất nhiều đến thế giới quan." - Nhà văn Nguyễn Trương Quý
Trong làng văn nghệ Việt Nam, tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rời xa nhân thế về cõi tạm ngày 20/3 vừa qua, là sự kiện khiến giới văn chương và độc giả chia sẻ nhiều trên mạng xã hội cũng như báo chí truyền thông với nhiều nhắc nhở tiếc nuối.
Nguyễn Huy Thiệp đã để lại cho văn học Việt một gia tài gần 50 truyện ngắn bậc thầy, và mặc dù với ba tiều thuyết cuối đời không mấy thành công, ông vẫn là nhà văn quan trọng bậc nhất của Việt Nam từ sau 1975 đến nay.
Trong văn học Việt từ sau năm 1975, nếu nhà văn Nguyễn Minh Châu - nói như nhà văn Nguyên Ngọc - là “một trong những người mở đường tinh anh và tài năng nhất” của công cuộc đổi mới văn học, thì Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện bất ngờ như “tiếng sét giữa trời quang”, hoàn toàn không giống một nhà văn Việt Nam nào trước đó.
Nhà văn, họa sĩ Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Khi tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp ra đời, rõ ràng người ta phải đọc khác đi, viết khác đi, gây một cảm giác thách thức tư duy. Đỉnh cao của ông, những câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp khiến cho mình nghĩ khác đi về viết, về cách nhìn quá khứ và ảnh hưởng rất nhiều đến thế giới quan. Khi bước vào đời, đối diện với những điều phi lý, cái ác, cái xấu, thứ mà trong sách vở nhà trường trống văng và cần đi tìm một lời giải thấu đáo, thì các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp làm được điều đấy. Tác giả không tỏ ra mình là người dạy dỗ, nhưng quả thực là người đọc như tôi học được rất nhiều. Mặc dù là đôi khi câu chuyện gợi cảm giác tàn nhẫn, không lối thoát, nhưng người ta vẫn cảm thấy nhà văn đã hiểu được mình để đưa ra những lời giải và chạm vào được cảm xúc của người đọc”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với dịch giả Karin Lidén tại Toà nhà Thị chính Thành phố Gothenburg 2003 (cùng dịch giả Diệu Hường Mimmi Bergström) - Ảnh tư liệu của dịch giả Diệu Hường |
Nguyễn Huy Thiệp thành hiện tượng không những ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Dịch giả Diệu Hường, người Việt định cư Thụy Điển, người từng nhiều lần đưa đoàn nhà văn Việt Nam trong đó có Nguyễn Huy Thiệp tham gia các hoạt động văn học tại đất nước này, thuật lại: “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện lần đầu tiên trên báo Thế Giới của tổ chức Sida (Cục Hợp tác Phát triển quốc tế của Thụy Điển) vào năm 2000. Tôi nhớ khi đó ”Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp” mới nổi lên ở Việt Nam. Thời ấy, anh cũng mới vào tuổi 50, đang bươn chải với nhà hàng Hoa Ban bên kia Sông Hồng. Bài phỏng vấn do những người bạn Thụy Điển công tác tại Việt Nam thực hiện. Khổ báo to, phong cách cởi mở thẳng thắn của Nguyễn Huy Thiệp thể hiện ngay từ phút đầu của câu chuyện.
Ngay năm sau với Quỹ viện trợ văn hóa của Thụy Điển cho Việt Nam, tập truyện ngắn đầu tiên của anh đã được dịch sang tiếng Thụy Điển với nhan đề ”Muối của rừng” do nhà xuất bản Tranan ấn hành. Cuốn sách ra đời thu hút ngay các nhà phê bình văn học Thụy Điển, các bài viết được đăng trên những tờ nhật báo lớn như, Dagens Nyheter và Svenska Dagbladet. Nguyễn Huy Thiệp nhà văn đương đại nghịch đảo, nhà phê bình xã hội sâu sắc... Những dư luận ồn ào ấy được bình luận trong các diễn đàn văn học tại Thụy Điển, càng mời gọi độc giả tìm mua sách của anh.”
Tuyển tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - Nhà Xuất bản Tranan 2001 và 2015. - Ảnh: Diệu HườngMimmi Bergström |
Đển bây giờ, khi đã có một độ lùi thời gian nhất định, với những ảnh hưởng không thể phủ nhận tới văn học Việt sau Nguyễn Huy Thiệp, thì các bài viết về tài năng cũng như sự nghiệp của ông đã có được nhiều yếu tố để minh định rõ ràng. Nhưng thuở ấy: “Trong văn học đương đại Việt Nam, chưa có một nhà văn nào lại làm thiên hạ tốn bút mực nhiều như ông, ngay trong khi tác giả còn chưa chết. Không có trước những bước dọn đường, tên nhà văn nổ bùng trên báo chí, bằng một loạt truyện ngắn dữ dội và hết sức thơ. Nếu đọc ông bằng một tâm hồn chỉ có phẫn nộ và phẫn nộ, người ta sẽ hả hê bởi cái giọng văn gằn lạnh ấy. Nếu đọc bằng đôi mắt của người yêu văn chương nhưng mới chỉ dừng lòng yêu ấy ở những gì hờm hợp với mình, người ta sẽ khó chịu nổi ông.” Cách đây 22 năm, từ xa tổ quốc, nhà văn Lê Minh Hà đã viết như thế về Nguyễn Huy Thiệp.
Bởi theo chị : “hai mươi hai năm trước khi tôi viết Chân dung nhà văn trong một thế nhìn, thì ôi sống ở ngoài, tôi lụy văn chương, tôi lụy tiếng Việt, nhưng văn chương không phải chuyện cơm áo gạo tiền của tôi. Do đó tôi chẳng thấy mình bị hạn chế điều gì để nói điều mình nghĩ cả. Hai nữa tôi là người cực kỳ ngưỡng mộ Nguyễn Huy Thiệp.
Thực ra không phải từ những truyện đầut tiên nhà văn in đâu. Mà đọc xong Tướng về hưu thì giống như mình đang ở trong một căn phòng mà các bữ tường đều rất vững vàng và nó có thể còn đẹp nữa, mà đột nhiên có cảm giác như các bức tường rạn dần ra. Tuy nhiên đấy vẫn chưa phải là truyện tôi mê nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Mà là từ những Kiếm sắc, những Phẩm tiết, Những bài học nông thôn và Không có vua. Đấy mới là những cái mà làm tôi choáng. Cũng giống như Muối của rừng.
Tôi không định mổ xẻ tác phẩm. Tôi không định mổ xẻ tác giả như là một nhà phê bình, hay như một người nghiên cứu lý luận. Mà tôi viết Chân dung nhà văn trong một thế nhìn với một tâm thế là tôi muốn dựng chân dung không phải của một người mà của một lớp văn nghệ sĩ Việt Nam. Và từng văn nghệ si một nếu tôi có chọn thì họ chỉ trở thành cái mẫu thôi. Có điều với bài viết về Nguyễn Huy Thiệp, nguyên mẫu gần như trùng khớp với quan điểm về văn học và nghệ sĩ của tôi. Rất đơn giản là như vậy”
Vâng, và vẫn cần nhắc lại những lời đã viết của Lê Minh Hà về Nguyễn Huy Thiệp: “Ông cô đơn làm sao với hành trang nội tâm của mình. Và, vĩnh viễn đơn độc trên hành trình sáng tạo. Về điều ấy, ông không có lý do gì để than phiền. Đấy là số kiếp của những bậc chân tài. Tôi lắng nghe, và hình dung, qua những khoảng ngừng ngắn giữa lời, khi ông lặp đi lặp lại 'tức là...', như tìm lời giải đáp trước hết cho mình, và, qua âm thanh im lặng của từng con chữ rất ông. Ông đã tạo hẳn một dòng chảy mới cho văn học Việt Nam đương đại, là bóng cả của nhiều người viết hiện nay. Ông không biết ông là một trong những người thầy lớn mà tôi đã chọn để quên đi, để bước ra khỏi bóng của họ.”.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, văn học Việt Nam sau 1975, Không có vua, Muối của rừng, Tướng về hưu, nhà văn Nguyễn Trương Quý, Lê Minh Hà
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5