Nguyễn Công Trứ - Vị quan trung quân ái quốc, nhà khẩn hoang kiệt xuất

Cập nhật: 27/06/2022

[VOV2] - Lịch sử nước ta có nhiều vị quan đa tài, đóng góp tích cực trong công cuộc lấn biển, khai hoang, biến những khu đất hoang thành ruộng đồng phì nhiêu màu mỡ. Một trong số đó là Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.

Nguyễn Công Trứ sinh năm 1778, mất năm 1858, tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo một số tài liệu, ông sinh ra ở Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ (Thái Bình), đến năm 10 tuổi mới theo gia đình về quê cha ở Hà Tĩnh.

Từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ luôn nuôi ý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp. Sống và làm việc trái qua ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Nguyễn Công Trứ đã ba lần lều chõng đi thi, đến tuổi 41 đỗ Giải nguyên trưởng Nghệ. Ông nổi tiếng là thanh liêm, chính trực, tài trí hơn người. 

Trong suốt 28 năm làm quan, có những lúc ông từng giữ đến chức quan lớn như: Tham tán đại thần, Tổng đốc Đông, Phủ doãn Thừa Thiên... nhưng cũng có khi ông bị bắt đi làm lính thú ở biên thùy. Dù ở cương vị nào, ở đâu, lúc thăng lúc giáng thì Nguyễn Công Trứ vẫn luôn là một trung thần, luôn là người dám nghĩ dám làm, dám sống, vượt lên trên khuôn thước của thời đại.

Theo TS Lê Hiến Chương, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, nhắc đến Nguyễn Công Trứ là nhắc đến một nhân cách đa tài, đa diện. "Sự đa tài ở chỗ ông là vị quan lớn đồng thời là một nhà chính trị lớn. kinh bang tế thế không mấy ai bằng. Thứ hai là tướng lĩnh, nhà quân sự tài năng, ông đánh Nam dẹp Bắc. Thứ ba là nhà thơ lớn. Còn đa diện thì ông là quan lớn đầu triều nhưng đồng thời cũng là một người ăn chơi, ngông, gàn. Ông là người có nhiều công lao lớn đặc biệt khai hoang lấn biển".

Trong cuộc đời làm quan của mình, Nguyễn Công Trứ là người kiên quyết bảo vệ trật tự xã hội phong kiến. Vì thế ông có nhiều công trạng đối với nhà Nguyễn trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa (chủ yếu là của nông dân) chống lại triều đình như khởi nghĩa Phan Bá Vành, Nông Văn Vân. Nhưng chính trong những lần dẹp loạn đó, ông đã nhận ra những kẻ “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói lưu vong không có ruộng đất. Muốn khắc phục triệt để nạn xiêu tán và khởi nghĩa thì phải giải quyết được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho nông dân nghèo.

Với nhãn quan của một vị quan tài giỏi, Nguyễn Công Trứ nhận thấy những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, đất đai màu mỡ có thể khai phá thành đất canh tác. Từ đó, ông đã trình sớ lên triều đình nêu rõ nguyên nhân sâu xa của khởi nghĩa nông dân và đề nghị khai hoang ở nhiều vùng, miền để nhân dân có ruộng đất sản xuất, không bỏ phí tài nguyên. Điển hình là việc khai sinh ra huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).

Để tiến hành khai hoang, doanh điền, Nguyễn Công Trứ đã tổ chức lực lượng tham gia thành các lý, ấp, trại, giáp. Nhằm chiêu mộ được đông người, khai khẩn được nhiều ruộng đất, Nguyễn Công Trứ quy định: Người nào mộ được 50 đinh, khai khẩn được 600 mẫu, được phong chức lý trưởng; mộ được 30 đinh, khẩn hoang được 400 mẫu, phong chức ấp trưởng; mộ được 15 đinh, khẩn hoang được 200 mẫu, phong chức trại trưởng; mộ được 10 đinh trở lên và khẩn hoang được 120 mẫu, phong chức giáp trưởng. Cách làm của ông đã nhận được sự đồng tình của nhân dân, được coi là quốc sách thời bấy giờ và được tiến hành rộng rãi trong cả nước dưới 3 hình thức: Đồn điền, doanh điền và xã thôn khai khẩn ruộng bỏ hoang. Nhờ đó, ở thời Nguyễn, diện tích canh tác tăng lên rõ rệt. Sau này, nhân dân các vùng khai hoang rất biết ơn và họ lập đền thờ ông ngay khi ông còn sống.

Không chỉ là nhà quân sự, nhà khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ còn là nhà thơ nổi bật trong nền văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19. TS Lê Hiến Chương, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết, thơ ca của Nguyễn Công Trứ xoay quanh các chủ đề như chí nam nhi, cảnh nghèo và thế thái nhân tình hay triết lý hưởng lạc. Ông đưa những suy ngẫm của mình vào thơ ca, thể hiện khí phách ngang tàng, tài hoa, đặc biệt ở con người ông toát lên một cái tôi rất ngông.

Có thể nói, Nguyễn Công Trứ là một vị quan đa tài “trung quân, ái quốc”. Trong đó, việc khai hoang để dân nghèo có nghề làm ăn và công cuộc doanh điền ở miền ven biển Thái Bình, Ninh Bình... của ông là cái mốc mở đầu cho một thời kỳ của công cuộc chinh phục đất đai bỏ hoang cũng như tạo phong trào khẩn hoang về sau này.

Mời nghe âm thanh tại đây:

 

Từ khóa: nguyễn công trứ, khẩn hoang, trung quân, ái quốc, công danh, sự nghiệp, vov2

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập