Nguy hiểm rình rập ở những cây cầu tạm bợ tại Gia Lai

Cập nhật: 19/10/2019

VOV.VN -Những cây cầu tuy tạm bợ bằng vài cây gỗ nhưng mang ý nghĩa lớn đối với đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai.

Tại tỉnh Gia Lai hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều cây cầu tự phát, dựng tạm bằng vài cây gỗ để phục vụ đời sống kinh tế cho nhiều buôn làng. Những cây cầu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ.

nguy hiem rinh rap o nhung cay cau tam bo tai gia lai hinh 1

Người dân làng làng Hde, xã Đắk Tơ Ve đi qua cầu tạm bắc qua suối Kron.

Mặc dù trong những năm qua, bằng nhiều chương trình, dự án, tỉnh Gia Lai đã xây dựng kiên cố 85 cây cầu dân sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Từ nhiều năm nay, người dân của làng Hde, xã Đắk Tơ Ve, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, luôn phải đối mặt với những hiểm nguy mỗi khi qua lại cây cầu tạm bắc qua suối Kron. Để đến được nơi sản xuất, hàng ngày, hơn 50 hộ dân trong làng vẫn qua lại chiếc cầu được chắp vá tạm bợ với những sợi dây cáp mỏng manh, chênh vênh.

Bà Bênh, dân tộc Ba Na, làng Hde cho biết, sợ nhất là phải qua cầu trong mùa mưa lũ: “Biết nguy hiểm nhưng bà con mình vẫn phải đi qua cầu này thôi. Mong nhà nước quan tâm, tạo điều kiện xây cây cầu khác để bà con đi lại an toàn hơn”.

nguy hiem rinh rap o nhung cay cau tam bo tai gia lai hinh 2

Cây cầu tạm bợ, chênh vênh và tiềm ẩn nguy hiểm.

Tại xã Chư Gu, huyện Krông Pa, chỉ một đoạn sông dài hơn 1km nhưng có đến 3 cây cầu tạm được người dân dựng lên bắc qua sông Ba để sang vùng sản xuất nông nghiệp. Những cây cầu dựng bằng thân gỗ nhỏ, ghép nối tạm bợ với mặt cầu rộng khoảng 1m và không có lan can bảo vệ.

Theo ông Ksor Bril, buôn Chư Bang, xã Chư Gu, Krông Pa, cầu tạm nên kinh tế của bà con trong vùng mãi chẳng khá lên, cũng tạm bợ nổi trôi theo những cây cầu trong mùa mưa lũ.

“Bà con đi cầu tạm, đôi lúc nước nó cuốn trôi đi thì bà con làm lại. Nhưng làm lại thì nó vẫn không đảm bảo. Cả xe, cả người rơi xuống sông luôn, nguy hiểm tính mạng con người là như thế”, ông Ksor Bril nói.

nguy hiem rinh rap o nhung cay cau tam bo tai gia lai hinh 3

Cầu tạm bợ bắc qua sông Ba.

Ông Ksor Thép, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết, là xã thuần nông và đất sản xuất chủ yếu nằm bên kia bờ sông Ba nhưng xã chưa có cầu kiên cố nào.

Những cây cầu kiên cố gần nhất thuộc địa bàn xã khác thì bà con cũng phải đi vòng mất hơn chục cây số. Do đó, bà con ở các buôn làng đã dựng những cây cầu tạm để tiện việc đi lại. Biết nguy hiểm nhưng xã không thể cấm cản người dân qua lại trên những cây cầu này.

nguy hiem rinh rap o nhung cay cau tam bo tai gia lai hinh 4
Cầu tạm qua sông Ba có thể bị nước lũ cuốn trôi bất cứ lúc nào.

“Lúc mưa lũ, nước lớn thì chính quyền địa phương cấm không cho bà con nhân dân trong xã đi qua lại. Nhưng nhu cầu của bà con để phát triển kinh tế, buộc người ta phải đi nên không thể cấm được. Qua tiếp xúc cử tri hàng năm, bà con rất mong muốn Nhà nước đầu tư làm một cây cầu để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con”, ông Ksor Thép nói.

Ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, với đặc điểm là tỉnh miền núi, đất đai rộng lớn và nhiều sông suối, trên địa bàn tỉnh cần rất nhiều cây cầu dân sinh. Tuy nhiên, với nguồn lực đầu tư hạn hẹp, tỉnh mới chỉ đầu tư được một số cầu treo ở các xã vùng sâu, vùng xa.

nguy hiem rinh rap o nhung cay cau tam bo tai gia lai hinh 5

Đã có nhiều trường hợp cả người và xe rơi xuống sông Ba khi đi trên những cây cầu tạm.

Chủ yếu trong số đó là 85 cây cầu trong khuôn khổ chương trình Lramp- chương trình xây dựng cầu giao thông nông thôn phục vụ vùng dân tộc thiểu số do Ngân hàng thế giới tài trợ. Tỉnh Gia Lai đang nghiên cứu đề xuất Bộ GTVT để tiếp tục đầu tư thêm cầu dân sinh tại những nơi thực sự cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Trên địa bàn cũng còn rất nhiều cầu tạm, cầu mang tính tự phát, nguy cơ xảy ra mất an toàn là rất cao. Trong quá trình khai thác thì có thể sập gãy hoặc là các vị trí vượt suối, vượt sông đấy khi gặp lũ có thể bị cuốn trôi. Trước tình hình đó, Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị sẽ bổ sung những cây cầu còn lại mà chưa có trong chương trình Lramp để sử dụng nguồn dự phòng dự án này và đề nghị Bộ GTVT tiếp tục vay vốn của Ngân hàng Thế giới để cho giai đoạn tiếp theo của dự án này”, ông Lê Văn Hạnh cho hay.

Những cây cầu tuy tạm bợ bằng vài cây gỗ nhưng mang ý nghĩa lớn đối với đời sống kinh tế, sinh hoạt của người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai.

Trong lúc chưa thể kiên cố hóa những cây cầu này, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần có những giải pháp quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.


Từ khóa: Gia Lai, cầu tạm, cầu treo, cầu treo dân sinh, nguy hiểm

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập