VOV.VN - Việc đổ xô đi mua đồ tích trữ phòng dịch là không nên, điều này sẽ trực tiếp tạo sự khan hiếm và đẩy giá các mặt hàng lên cao.
Sau khi có thông tin tại Hà Nội vừa xuất hiện 1 ca dương tính với Covid-19, hầu hết mọi người đều lo lắng và có tâm lý tích trữ hàng, phòng khi dịch bùng phát mạnh.
Siêu thị chật kín người, không còn một chỗ chen chân.
Những mặt hàng được người dân đổ xô đi mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ khô...
Sở dĩ nhiều người đi mua số lượng lớn thực phẩm một phần là vì ngại tiếp xúc những nơi đông người, phần là vì sợ thực phẩm khan hiếm rồi tăng giá lên cao.
Trái ngược với một số người đi mua hàng về dự trữ nhiều người cho rằng, không nên làm như vậy.
Bởi việc tích trữ như thế này sẽ tạo ra sự khan hiếm các mặt hàng....
Từ đó đẩy giá các mặt hàng lên cao, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã xây dựng phương án để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, sẵn sàng phương án đáp ứng lượng nhu yếu phẩm tăng 30-50% so với nhu cầu bình thường trong 30 ngày liên tiếp.
Ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền về việc doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung hàng hóa, ổn định tâm lý người dân không mua hàng hóa tích trữ.
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp điều tiết hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng, hoặc giữa các điểm bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán.
Các chuyên gia trong ngành Y tế khuyến cáo, việc tập trung nơi đông người trong thời điểm này là không nên, nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ rất cao.
Mặc dù nhiều người trang bị khẩu trang kín mít đi mua đồ nhưng nguy cơ rủi ro vẫn tiềm ẩn khi đến những nơi đông người như thế này./.