Nguy cơ đồ gỗ Trung Quốc gắn mác Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Các chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp Việt không nên hợp tác doanh nghiệp Trung Quốc gắn nhãn mác Việt Nam xuất khẩu.

Sáng nay (24/10), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP HCM (CIIS) tổ chức hội thảo “Cuộc chiến Thương mại Mỹ- Trung Quốc: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, chính những đòn áp thuế liên tục và ngày càng mạnh tay giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ, nông sản, túi xách. Hiện nay, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ vào Mỹ trị giá 32 tỷ USD.

nguy co do go trung quoc gan mac viet nam xuat khau sang my hinh 1
Các diễn giả tại buổi hội thảo.
Tuy nhiên, cùng với cơ hội, nhiều đại biểu cũng lo ngại sẽ có tình trạng một số lượng lớn các mặt hàng sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam dưới hình thức bán thành phẩm, và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam sau đó gắn nhãn mác Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để tránh bị áp thuế cao. Đây là điểm mà các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý.

Chuyên gia kinh tế Trần Du lịch cho biết, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp cần làm hàng hóa phải chất lượng, giá thành cạnh tranh, giảm chi phí.

“Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải kiểm soát, đừng để rơi vào tình trạng Trung Quốc mượn đường chuyển hàng sang Việt Nam, tình trạng này đã từng xảy ra ở những dạng khác nhau. Một doanh nghiệp làm thì hại cả ngành và hại cả đất nước”, chuyên gia Trần Du Lịch chỉ rõ.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng phân tích những rủi ro để doanh nghiệp nhận diện. Đó là những rủi rotrong hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu liên quan quan đến giao dịch điện tử, chứng từ xuất nhập khẩu, mối nguy hiểm đến từ các công cụ giao dịch.

Đồng thời, các chuyên gia cũng hướng dẫn cách thức để các doanh nghiệp có thể đàm phán điều khoản trọng tài với đối tác trong hợp đồng giữa các bên, kể cả khi chưa phát sinh hoặc đã phát sinh tranh chấp./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập