Nguy cơ chiến tranh Nga-Ukraine cận kề trong con mắt nhà phân tích phương Tây

Cập nhật: 17/01/2022

VOV.VN - Một tuần đàm phán ngoại giao cấp cao giữa Nga và phương Tây đã thất bại trong việc xua tan nỗi lo trong lòng phương Tây về môt cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine.

Tâm trạng nơm nớp của phương Tây

Trong nhiều tháng qua, các chuyên gia cố gắng hiểu xem liệu việc quân Nga tập trung gần biên giới với Ukraine là một chiến thuật đàm phán hay là hoạt động chuẩn bị thực sự cho một cuộc tấn công thực sự. Nói cách khác, Tổng thống Putin sẽ tấn công hay không?

Hôm 14/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng họ tin Nga “đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Ukraine trong trường hợp ngoại giao không đáp ứng được các mục tiêu của họ”.

Nhà Trắng thậm chí còn tố Nga đang cài người để sẵn sàng mở một cuộc tấn công “cờ giả” ở miền đông Ukraine để Nga lấy cớ tiến hành tấn công vào đây.

Nga đã phủ nhận cáo buộc họ đang chuẩn bị tấn công Ukraine nhưng đồng thời đe dọa có thể sử dụng “các biện pháp kỹ thuật quân sự” nếu các đòi hỏi của mình không được đáp ứng.

Mối quan ngại là sau khi tập trung hàng chục ngàn quân gần Ukraine trong năm 2021, Nga vào tháng 12/2021 đã đưa ra những yêu cầu rất lớn, nhất định đòi hỏi khối quân sự NATO phải đảm bảo an ninh bằng việc không bao giờ cho phép Ukraine gia nhập khối này và rằng NATO phải rút quân khỏi các nước Đông Âu đã tham gia tổ chức này sau Chiến tranh Lạnh. Nga gửi yêu sách trong 2 bản dự thảo trao cho chính quyền Biden và NATO.

Cả Mỹ và NATO đã gọi các yêu cầu đó của Nga là bất khả thi.

Nhưng trong cả 3 đợt đàm phán vừa qua, Nga không nhân nhượng chút nào trong các yêu cầu cốt lõi của họ. Các nhà đàm phán của Nga liên tục lặp lại rằng họ sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì mà thiếu đảm bảo an ninh từ phía NATO.

Các quan chức Nga mặc dù tỏ ra quan tâm đến đề nghị của Mỹ về thảo luận kiểm soát vũ khí, họ vẫn nói rằng không thể đạt đươc tiến bộ trong các lĩnh vực đó nếu thiếu bảo đảm an ninh. Trong các cuộc đàm phán, Mỹ và NATO cũng không khoan nhượng, thẳng thừng bác bỏ các bảo đảm đó. Họ nói rằng mình không thể nhượng bộ trong các nguyên tắc cốt lõi.

Thảo luận dường như giậm chân tại chỗ.

Bước đi tiếp theo của Putin

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Nga đang đợi chờ phản ứng bằng văn bản từ phía Mỹ đối với các hiệp ước đề xuất của Nga, sau đó Tổng thống Putin sẽ quyết định bước đi tiếp theo.

Mỹ và một số nhà phân tích lo ngại rằng Nga tham gia đàm phán với tâm thế đàm phán sẽ thất bại để rồi sau đó họ có thể tuyên bố mình không có sự lựa chọn nào ngoài vũ lực sau khi ngoại giao thất bại.

Tuy nhiên, cũng có khả năng điện Kremlin sẽ áp dụng các biện pháp nhẹ nhàng hơn, như triển khai tên lửa gần châu Âu hơn, và duy trì lâu hơn lực lượng quân sự gần biên giới Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 13/1, chính Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã không loại trừ khả năng triển khai vũ khí Nga tới Cuba hoặc Venezuela – điều mà phía Mỹ nhanh chóng coi chỉ là hăm dọa suông.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích độc lập cho rằng Nga đang tiếp tục tập trung lực lượng quân sự gần Ukraine. Các nhà nghiên cứu nguồn mở cho biết có bằng chứng binh sĩ và khí tài từ các đơn vị đóng ở Viễn Đông Nga đang di chuyển về phía tây.

“Đội Thông tin tình báo xung đột” – nhóm nghiên cứu nguồn mở chuyên theo dõi hoạt động di chuyển quân sự của Nga, cho biết họ đã phát hiện thấy một số lượng gia tăng các video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các đoàn tàu dài chở xe tăng và các xe quân sự di chuyển về các thành phố, thị trấn phía đông của Nga.

Rob Lee – một nhà phân tích tại Khoa Nghiên cứu chiến tranh thuộc trường Kings College London, nói với ABC News vào hôm 13/1 rằng có các  hoạt động di chuyển thiết bị quân sự.

Lee nói: “Không giống như thường lệ. Có quá nhiều video như thế này. Hẳn có cái gì khác đang diễn ra”.

Ông Lee nói, không thể nói rõ ràng liệu điểm tới của quân Nga có phải là biên giới với Ukraine hay không, nhưng đây có thể là cách giải thích dễ đúng nhất.

Hầu hết các nhà phân tích nói rằng họ không tin là Tổng thống Putin đã có quyết định cuối cùng về việc liệu có phát động tấn công hay không. Nhưng bước đi tiếp theo nằm trong tay Tổng thống Nga.

Lawrence Freedman – một giáo sư cũng tại trường Kings College, viết trên mạng xã hội vào hôm 14/1 rằng “hiện nay,  bước tiếp theo là tùy thuộc vào Putin”./.

Từ khóa: Chiến tranh Nga-Ukraine, Nga Ukraine, Ukraine Nga, Nga phương Tây, phương Tây Nga, xung đột Ukraine, phương Tây nơm nớp lo sợ, đối sách của Nga, chính sách của Putin

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập