Nguồn đột phá

Cập nhật: 16/11/2024

VOV.VN - Trong bối cảnh nông nghiệp có nhiều thách thức như hiện nay, khoa học công nghệ và chuyển đổi số được xác định là “nguồn đột phá” để mở ra những cơ hội mới cho nông nghiệp Việt Nam.


Vậy đâu là cách để công nghệ thực sự thấm vào từng cánh đồng, từng trang trại? Nhóm phóng viên VOV1 sẽ tiếp tục tìm lời đáp cho câu hỏi này qua bài 2 của loạt phóng sự “Nông nghiệp Việt Nam: Đột phá từ tư duy phát triển”. Bài viết có tựa đề: “Nguồn đột phá”.

Chỉ sau 1 vụ thu hoạch sầu riêng, nhiều ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã cầm trong tay tiền tỷ. Cuộc sống khấm khá, người trồng sầu riêng xây nhà to, mua ô tô, đầu tư bất động sản. Ông Bùi Thanh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo huyện ủy tự hào, từ đầu năm 2024 đến nay, ở huyện đã có hơn 1.000 ô tô đăng ký mới, tất cả là nhờ sầu riêng.

Cùng với việc tậu ô tô, mua vài lô đất, xây nhà hơn 2 tỷ đồng, ông Lê Văn Thành, thôn Phước Hoà, xã Ea Yông còn đầu tư thêm 340 triệu đồng để thuê một “chuyên gia sầu riêng” ăn ngủ tại vườn, làm việc 24 giờ mỗi ngày và 7 ngày trong tuần.

Ông Lê Văn Thành là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp sạch Krông Pắc, tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất sầu riêng. Theo ông Thành, chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp người nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất. Chính vì vậy, ông và các thành viên HTX đã mạnh dạn thử nghiệm nhiều tiện ích công nghệ số như thiết bị thông minh đo dinh dưỡng đất Enfarm, bộ giải pháp AIGU Smart Farm… trên diện tích hơn 10 ha.

Ông Thành cho biết thêm: “Hiện tại chúng tôi cũng đang thực hiện mô hình 5.0 này, nó rất thông minh, có thể mình đi đâu thì nó vẫn điều tiết được cho cây của mình tốt".

Nếu như tính hiệu quả là đường dẫn để nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo chảy thẳng vào sản xuất tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk; thì tại tỉnh Sơn La, giải pháp đào tạo nông dân thông qua các chuỗi giá trị để họ mở rộng tư duy, chủ động ứng dụng công nghệ đã biến hơn 84.000 ha đất dốc bạc màu thành vườn cây ăn quả tiền tỷ.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm: “Đưa các hộ nông dân, hợp tác xã đó vào chuỗi là họ có tư duy mới và cách làm mới. Điều quan trọng nữa đó chính là làm sao nâng được giá trị sản phẩm để tạo ra thu nhập”.

Tại tỉnh Lâm Đồng, địa phương tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kinh nghiệm của địa phương là quy hoạch cần có tầm nhìn dài hạn, khoa học và phù hợp với từng vùng sản xuất, cùng những chính sách khuyến khích, hỗ trợ “đúng và trúng” đã giúp dẫn thẳng dòng vốn vào nông nghiệp thông minh.

“Rà soát lại quy hoạch vùng, những loại cây trồng có lợi thế so sánh rồi chúng ta đầu tư khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, tập trung để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo người nông dân tập trung nguồn lực để phát triển sản xuất nông sản đó' - ông S cho biết thêm

Khoa học công nghệ là khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam có được bước tiến vượt bậc trong thời gian qua. Tuy vậy, cũng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, trong khi các nước phát triển, mức đóng góp này lên tới trên 50%.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Chuyên gia chính sách nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần bổ sung kịp thời nền tảng nội lực cơ bản cho khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp Việt Nam để khoa học công nghệ thực sự trở thành đột phá phát triển.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: “Chúng ta phải thay đổi căn bản là về cơ chế và tổ chức thể chế. Làm thế nào mà chúng ta tạo ra động lực không chỉ là vượt qua khó khăn, chịu đựng gian khổ; mà còn phải có động lực về sáng tạo, động lực về nghiên cứu, động lực về áp dụng để có thể là đưa hàm lượng khoa học công nghệ vào trong sản xuất nhiều hơn nữa".

Để ngành nông nghiệp không “chậm nhịp” với cuộc cách mạng công nghệ 5.0, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “công - tư”. Việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nông nghiệp và các tổ chức doanh nghiệp khoa học là tất yếu để tạo ra sức mạnh tổng thể, phát huy nguồn lực.

Để làm được điều này, theo Tiến sĩ Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận thức về các thành phần trong hệ sinh thái khoa học công nghệ ngành nông nghiệp cần được bổ sung, hoàn thiện.

“Xây dựng hệ sinh thái gắn kết trong công tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Và đặc biệt trong hệ sinh thái này phải đưa được các thành phần kinh tế tư nhân vào tham gia trong chuỗi này. Từ trước đến nay, chủ yếu vẫn là nằm trong cái khối của Nhà nước, từ trường, từ viện, đào tạo cũng của Nhà nước. Bây giờ chúng ta cần phải mạnh mẽ đưa cái khối kinh tế tư nhân vào trong hệ sinh thái này thì mới có thể phát triển được nông nghiệp" - Tiến sĩ Nguyễn Giang Thu chia sẻ.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cần đẩy mạnh việc đổi mới tư duy về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bởi các chính sách, pháp luật về Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện hành còn chưa phù hợp với đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế:

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: “Lao động của trí óc không phải tính bằng giờ, bằng thời gian. Đặc biệt lao động của khoa học không phải tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng sự sáng tạo. Một ý tưởng sáng tạo có thể bằng cả một cuộc đời lao động. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải đổi mới trong cơ chế quản lý. Ví dụ như tôi cũng đầu tư công trình, mỗi công trình bình quân 1 tỷ đồng nhưng mà nếu anh ra được một sản phẩm rồi anh nộp lên, nghiệm thu được thì tôi sẽ trả thêm cho anh 5 tỷ, 7 tỷ tuỳ theo giá trị công trình. Nhưng mà để làm được điều đấy thì ngoài việc đổi mới về cơ chế quản lý thì phải có những cái phương pháp kiểm định một cách khoa học".

“Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, khi đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế hay năng suất, mà còn phải đảm bảo được trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Mời quý vị và các bạn đón đọc bài 3 của loạt phóng sự “Nông nghiệp Việt Nam: Đột phá từ tư duy phát triển” để cùng khám phá hành trình hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Bài viết cùng loại bài: "Nông nghiệp Việt Nam: Đột phá từ tư duy phát triển"

Bài 1: Tư duy mở lối

Bài 2: Nguồn đột phá

Bài 3: Nền nông nghiệp tử tế

Từ khóa: nông nghiệp, Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, khoa học công nghệ

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phương chi-trần long/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập