Người Việt trẻ tại Séc hướng về quê hương
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Mang kiến thức đã học và kinh nghiệm làm ăn kinh doanh về Việt Nam đầu tư là mong muốn của nhiều bạn trẻ định cư tại Séc.
Với sức trẻ, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, thế hệ thứ hai người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong quá trình hội nhập. Dù sống xa Tổ quốc, song rất nhiều bạn trẻ vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước, thông qua nhiều ý tưởng hay dự án thiết thực để đóng góp cho quê hương.
Nguyễn Tiến Nhuận vừa trở về Việt Nam thành lập một công ty kết nối doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam để phát triển chuỗi dịch vụ cung ứng toàn cầu. |
Mang kiến thức đã học và kinh nghiệm làm ăn kinh doanh về Việt Nam đầu tư là mong muốn của nhiều bạn trẻ định cư tại Séc. Nguyễn Tiến Nhuận, 31 tuổi, sinh sống tại thủ đô Praha, là một trong những trường hợp như vậy. Khởi đầu là dự án trò chơi có thưởng với một đối tác nước ngoài cách đây bốn năm, Nhuận đã gặp nhiều khó khăn, thậm chí là cảnh báo thất bại, do sự khác biệt về văn hóa, lối sống giữa Việt Nam và châu Âu, nhưng anh vẫn quyết tâm thực hiện.
Anh Nhuận chia sẻ:“Khi về Việt Nam là em xác định cuộc chơi này là ra biển rồi, và khi ra biển thì sẽ có sóng, giông tố. Mọi thứ mình phải xông pha, tuổi trẻ đừng có sợ va vấp, ngã đâu đứng dậy ở đó, kết quả thì luôn ở trước mắt, quan trọng là mình có biết nắm bắt và tiến tới chấp nhận kết quả đó hay không”.
Chính kinh nghiệm sống, làm lãnh đạo Hội thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Séc 7 năm, kinh qua tổ chức nhiều sự kiện đã giúp nhà doanh nghiệp trẻ vượt qua rào cản tưởng chừng như không vượt qua nổi.
Khi được hỏi lý do nào đưa anh có ý nghĩ quay trở về đầu tư tại Việt Nam trong khi có rất nhiều cơ hội hấp dẫn đang đón chờ tại Séc, Nguyễn Tiến Nhuận bộc bạch: “Chúng em là những sinh viên sinh ra và lớn lên tại châu Âu, nhưng vẫn phải nhớ tới mình từ đâu tới, và tại sao mình lại được như thế. Ngày xưa các bác các chú chiến đấu để có nền độc lập, rồi phát triển đất nước như hôm nay, còn chúng em là lớp thanh thiếu niên bây giờ cũng chín chắn rồi, mà thời buổi hiện nay là thời buổi kinh tế chia sẻ, hội nhập kinh tế quốc tế, chúng em từ nước ngoài có trách nhiệm đóng góp với đất nước.
Anh Nhuận cũng cho biết hiện anh và đồng nghiệp đã mở công ty tại Hà nội và đang ấp ủ một dự án kết nối giữa doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam để phát triển chuỗi dịch vụ cung ứng toàn cầu.
Không giống như Nguyễn Tiến Nhuận, Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam tại Séc (AYVE), cùng một số đồng nghiệp trẻ thành lập một nhóm giúp đỡ trẻ em thiệt thòi ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam thông qua Chương trìnhCơm Có Thịtở Việt Nam. Chương trình gây ấn tượng với các bạn không hẳn vì nó cung cấp bữa ăn mà còn hỗ trợ các em nhỏ vùng sâu, vùng xa được đến trường, có đồ dùng học tập, tiếp cận kiến thức, công nghệ tiên tiến để xây dựng quê hương sau này.
Nguyễn Mạnh Tùng (thứ hai từ trái sang) trao tặng quỹ hỗ trợ các trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam. |
Nguyễn Mạnh Tùng tâm sự: “Em nghĩ giáo dục và trẻ em là tương lai của đất nước, khi có có kiến thức, họ giỏi thì họ sẽ xây dựng đất nước được, còn khi họ không có học thì họ chỉ trong cái vòng luẩn quẩn đó thôi (tức đi kiếm tiền, sống bình thường) Vậy khi những người dân tộc họ có điều kiện lên Hà Nội học chẳng hạn hay ra nước khác thì họ sẽ mang về Việt Nam nhiều cái mới, và bọn em thấy cơ hội đó với họ nó hay hơn”.
Để thực hiện ý tưởng, trong ba năm qua ngoài việc tổ chức các sự kiện kết nối văn hóa hỗ trợ cộng đồng hội nhập sở tại, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ của Tùng vận động nguồn tài trợ của các doanh nghiệp Séc và bản thân các thành viên hiệp hội để gửi về giúp các em nhỏ dân tộc nghèo khó của Việt Nam. Các bạn cũng thỉnh thoảng bay về Việt Nam, tới Sa Pa hay Hà Giang để tìm hiểu cuộc sống của các em nhỏ người dân tộc tại đây. Mất thời gian, tốn tiền bạc và công sức, nhưng Tùng nói các bạn luôn cảm thấy vui vì đã giúp một phần nhỏ bé của mình cho quê hương.
“Người Tây nhiều khi họ đặt câu hỏi tại sao mình không giúp bên này nhiều hơn mà lại quay về Việt Nam, thì bọn em có câu trả lời đơn giản là bố mẹ mình vẫn là người Việt Nam, Việt Nam vẫn là quê hương của mình và mình giúp cả hai bên thôi. Dù chưa đủ tiềm lực về kinh tế, nhưng giúp được gì thì chúng em giúp thôi”,Nguyễn Mạnh Tùng nói.
Được biết năm tới một trường học ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam sẽ được lựa chọn làm trường điểm để nhận được trợ giúp của nhóm. Tùng cho biết nếu trường hợp nào có năng khiếu, quyết tâm theo đuổi học tập thì sẽ nhận được học bổng du học nước ngoài.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều người Việt Nam tại Séc bằng cách này hay cách khác đang âm thầm có những đóng góp thiết thực cho quê hương, bởi đơn giản với họ Việt Nam vẫn là quê hương dấu yêu không thể thiếu trong trái tim./.
Người Việt tại Cộng hòa Séc tri ân cha mẹ mùa Vu Lan báo hiếu 2019
Khai mạc Giải bóng đá thanh niên, sinh viên người Việt khu vực Bắc Séc
Từ khóa: Người Việt trẻ tại Séc, cộng đồng người Việt, hội sinh viên, sinh viên Việt Nam
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN