Người Việt Nam trọng nghĩa tình

Cập nhật: 02/08/2023

VOV.VN - Tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau đã trở thành truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay. Đó là tình cảm thiêng liêng cao quý, không gì có thể thay đổi.

 

 

Có thể nói ngàn đời nay, tình ruột thịt, nghĩa đồng bào là sức mạnh nội sinh, là “sợi chỉ đỏ” trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Đó là tình cảm thiêng liêng cao quý, không gì có thể thay đổi. Dịch bệnh COVID-19 như cơn “cuồng phong” làm lao đao bao phận người. Nhưng giữa gam màu xám xịt đó, tình người, nghĩa đồng bào lại tỏa sáng qua những câu chuyện cảm động về sự sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Chỉ nhìn vào hình ảnh từng đoàn người rồng rắn hồi hương và cách mà chính quyền các cấp sở tại ứng xử nơi đoàn người đi qua, cũng đã là minh chứng rõ nét, đậm sâu về tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Đẹp biết bao tấm lòng, tình cảm, nghĩa cử thấm đẫm tình người của những người dân đã không quản ngại khó khăn, vất vả… tự nguyện quyên góp tiền, thực phẩm để nấu hàng triệu bữa cơm cho vùng cách ly, cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Không chỉ vậy, tình người đã ngời sáng hơn bằng những lá đơn tình nguyện của bao người, sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy của tâm dịch để chia sẻ hiểm nguy với bà con, với các lực lượng đang làm nhiệm vụ chống dịch.

Chẳng thể kể hết, cũng không thể nói đủ bằng lời về những việc làm, nghĩa cử thấm đẫm tình người trong thời khắc dịch bệnh bủa vây. Nhưng nếu phải khẳng định một điều gì đó cho những ngày cả nước cùng chống dịch, thì đó không chỉ là tình thương, tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà còn là trách nhiệm của những con Lạc cháu Hồng...

Theo TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người Việt Nam coi trọng nghĩa tình, truyền thống lâu đời đó đã thấm vào máu của người Việt, là tình cảm thường trực trong mỗi con người Việt Nam. Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử tiền bối đã nói về vấn đề này như GS Đào Duy Anh, Trần Đình Hượu, Nguyễn Văn Huyên... và trong Nghị quyết của Trung ương nói về bản sắc của con người Việt Nam thì một trong những nét nổi bật, đặc sắc của người Việt Nam đó là sống có nghĩa tình.

"Nhiều kẻ xâm lược không thể hiểu được vì sao một đất nước nhỏ bé, kinh tế kém hơn, vũ khí quân bị kém hơn mà không một kẻ thù nào có thể đánh thắng. Điều đó chỉ có thể lý giải đó là nghĩa tình. Vì nghĩa tình mà người ta chia sẻ mọi điều, thậm chí trong khó khăn, gian khổ mọi người thà "chết đống còn hơn sống mình" hay "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Người Việt Nam không sống ích kỷ vì thấy rằng mình tồn tại, phát triển được là bởi đồng bào mình, những người thân thiết của mình và điều này còn tồn tại mãi đến bây giờ. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi dịch Covid-19 xảy ra, hay khi thiên tai, lũ lụt...", TS Nguyễn Viết Chức phân tích.

Ưu điểm trọng nghĩa tình của người Việt Nam được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, rất con người. Những câu chuyện rất đơn giản "tối lửa tắt đèn có nhau", vui thì chung vui, buồn thì chia buồn. Trong chiến tranh, mọi người có thể chia nhau từng cân gạo, con cá, nắm rau... đơn giản thôi nhưng sự chia sẻ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đã động viên, khích lệ cả về tinh thần, vật chất, làm cho con người sống tốt đẹp hơn và trong thời bình cũng thế. Dù trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn, éo le đến đâu thì người Việt Nam vẫn thể hiện sự nghĩa tình. Đây chính là chất kết dính cộng đồng, dân tộc Việt Nam.

Trọng nghĩa tình là giá trị đạo đức cơ bản nằm trong hệ thống giá trị “chân – thiện – mỹ” mà mọi dân tộc luôn hướng tới và được thể hiện rõ nét, sinh động trong nhiều hoàn cảnh. Điều đó chứng minh rằng, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, khi cần nó sẽ được khơi dậy và lan tỏa.

Từ khóa: Người Việt Nam, Người Việt Nam trọng nghĩa tình, Tinh thần tương thân tương ái, nét đẹp văn hóa

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: thanh huyền/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập