Người ươm những mầm thiện trên mảnh đất khô cằn
Cập nhật: 25/09/2019
Bắt cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo nhiều tỷ đồng
Bắt giữ các đối tượng tàng trữ, mua bán pháo nổ trái phép tại TP.HCM
VOV.VN -Phạm nhân có nhiều kiểu phạm tội, nhưng căn bản trong họ vẫn có phần thiện, nếu chúng ta biết khơi dậy họ sẽ trở thành những người có ích.
Khơi mầm thiện từ sự thấu cảm
Phạm nhân dù đã bị pháp luật xử phạt, nhưng họ cũng là con người, cũng có suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, trăn trở, vì vậy chỉ cần đánh thức được “mầm thiện” trong họ thông qua cảm hóa bằng chính tình yêu thương, sự sẻ chia sẽ giúp họ cải tạo tốt, trở thành những công dân có ích, được xã hội đón nhận khi trở về.
Thượng tá Trần Đức Phong. |
Đó là chia sẻ của Thượng tá Trần Đức Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại Giam Ninh Khánh, Cục 10, Bộ Công an.
Tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, năm 1999, anh đầu quân về công tác tại Trại giam Ninh Khánh, trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân. Mới ra trường, tuổi đời còn trẻ nhưng với tinh thần trách nhiệm, cùng sự nhạy bén, sức sáng tạo không ngừng, anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc, được lãnh đạo, chỉ huy và đồng chí, đồng đội tin tưởng, đánh giá cao.
Từ một cán bộ trinh sát trại giam, anh tiếp tục được đề bạt, bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng, rồi Đội trưởng Đội Trinh sát, sau này là Phó Giám thị và Giám thị Trại giam Ninh Khánh năm 2018.
Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tá Trần Đức Phong chia sẻ, phạm nhân có nhiều kiểu, người phạm tội có chủ ý, người thì lười lao động dẫn đến phạm tội, có người vì lòng tham mà phạm tội, cũng có người chỉ vì một bức xúc rất nhỏ trong cuộc sống không kiềm chế được dẫn đến phạm tội…Thế nhưng căn bản trong con người họ vẫn luôn có phần thiện, nếu chúng ta biết cách để khơi dậy tính thiện đó, thì họ sẽ trở thành những người có ích. Vì vậy, trong gần 20 năm làm nghề Thượng tá Phong luôn dành thời gian, sự chân tình để tâm sự, lắng nghe, thấu hiểu phạm nhân.
Khi phạm nhân biết quay đầu
Phạm nhân Vũ Quang, phân trại số 1, trước khi vào trại là một sinh viên tài năng của Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Do không tu dưỡng, rèn luyện, bị bạn bè xấu lôi kéo nên đã sa vào con đường ma tuý. Quang mang trong mình căn bệnh HIV, đến trại với án phạt 7 năm tù. Thời gian đầu mới đến trại, Quang bất cần, chống đối, thường xuyên vi phạm nội quy, cải tạo kém.
Sự tâm huyết, bao dung của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đặc biệt là sự quan tâm, chân thành của Thượng tá Phong đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, ấm áp, giúp phạm nhân Quang có thêm niềm tin, hi vọng trên cuộc hành trình tìm về nẻo thiện. Hiện nay, Quang là một tấm gương tiêu biểu trong lao động, học tập, cải tạo, là một tuyên truyền viên tích cực trong phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy của trại.
Hay trường hợp của phạm nhân Hoàng Thị Lư, chịu mức án 30 năm tù về tội giết người. Khi mới vào trại cải tạo, Hoàng Thị Lư luôn tỏ ra bất mãn vì còn hai con nhỏ dại, không có người chăm sóc, trong đó đứa con gái bé bỏng bị tim bẩm sinh rất nặng. Nhưng biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Lư, Ban Giám thị Trại giam Ninh Khánh cùng đồng đội đóng góp tiền và đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Bình hỗ trợ mổ tim cho con gái phạm nhân Lư. Nhờ đó, cháu đã qua cơn hiểm nghèo, lớn lên có thể bình thường như những đứa trẻ khác.
Phạm nhân Lư ngậm ngùi, việc con gái được mổ tim trong khi bố mẹ mang án tử là một tình huống hết sức đặc biệt. Lư chỉ có một suy nghĩ “Không còn cách nào khác là yên tâm tư tưởng, cố gắng cải tạo để không phụ sự quan tâm của cán bộ trại giam”.
Phạm nhân Triệu Tiến Thủy. |
Với tội danh buôn bán, tàng trữ chất ma túy, Triệu Tiến Thủy ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc vào cải tạo ở Trại giam Ninh Khánh từ khi mới 22 tuổi. Ngày mới vào trại, Thủy nghĩ cuộc đời mình đến đây là hết, Thủy không tập trung vào việc cải tạo. Lúc đó anh Phong là Phó Giám thị phụ trách Phân trại 1 đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp không kể khi lao động hay ngày nghỉ, chia sẻ, phân tích những đúng sai để Thủy yên tâm cải tạo. “Ngày ấy, Giám thị Trần Đức Phong đã nói với tôi rằng không có con đường nào ngoài con đường cải tạo để sớm được trở về với gia đình. Chính điều đó đã giúp tôi tỉnh ngộ, hiểu ra lỗi lầm của mình, chấp hành cải tạo cho tốt, mong sớm được trở về”-phạm nhân Triệu Tiến Thủy chia sẻ.
Cái tâm được đền đáp
Là người đứng đầu, quản lý trại giam, hàng năm Thượng tá Phong chỉ đạo toàn trại duy trì nền nếp các hoạt động: Học tập thời sự, chính trị, chính sách, pháp luật, nội quy trại giam; tổ chức dạy văn hóa xóa mù chữ, giáo dục công dân cho phạm nhân, giáo dục chung, giáo dục riêng; tổ chức phát động các đợt thi đua trong phạm nhân toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy trại giam.
Để giúp phạm nhân hướng thiện, có niềm tin trong cuộc sống, khơi dậy khát vọng hoàn lương, góp phần hình thành nhân cách tích cực cho họ, Trại giam Ninh Khánh tổ chức thi viết tự truyện với chủ đề “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”, viết thư “Gửi lời xin lỗi” người bị hại, thân nhân người bị hại, thân nhân phạm nhân, cơ quan, chính quyền địa phương nơi phạm nhân đã từng học tập, công tác; cuộc thi “Tiếng hát tình đời”; thi “Viết cảm nhận về sách”… Các hoạt động lôi cuốn đông đảo phạm nhân tham gia, với hàng ngàn trang viết, bức tranh, bức thư có giá trị giáo dục, cảm hóa phạm nhân.
Đồng thời, các Hội nghị gia đình phạm nhân được Thượng tá Trần Đức Phong quan tâm tổ chức hằng năm. Đây là dịp để phạm nhân được gặp gỡ, trao đổi những tâm tư, tình cảm với thân nhân, giúp họ có động lực để cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, xã hội…
Nhờ đó, trong 10 năm qua, tỷ lệ phạm nhân cải tạo khá, tốt trong toàn trại tăng; tỷ lệ phạm nhân cải tạo kém giảm đáng kể, từ 7,3% năm 2015 giảm xuống còn 2,4% năm 2018; tỷ lệ tái phạm tội sau khi ra trại thấp. Toàn trại có 8000 phạm nhân hết án, trở về với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, nhiều năm liền Thượng tá Trần Đức Phong được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Trại giam Ninh Khánh được đánh giá là một tập thể thống nhất đoàn kết, giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”. Đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ “Đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ Công an”; được các tổ chức quần chúng tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu cao quý khác./.
Từ khóa: Trại giam Ninh Khánh, Thượng tá Trần Đức Phong, Giám thị Trại Giam Ninh Khánh,
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN