Người trẻ phạm tội vì "ngây thơ", thiếu hiểu biểt pháp luật?
Cập nhật: 08/11/2024
VOV.VN - Rất nhiều người trẻ hiện nay do thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức về quy định phạm luật mà gây ra những hành vi phạm pháp.
Thiếu hiểu biết, nhưng lại thừa liều lĩnh, nhiều người trẻ hiện nay sẵn sàng vi phạm pháp luật mà không biết hậu quả. Nhẹ thì khiển trách, phạt hành chính, nặng thì nhận mức án hàng chục năm tù, thậm chí mức án chung thân. Đó là những câu chuyện có thật sau cánh cửa trại giam.
Trại giam Vĩnh Quang (thuộc Bộ Công an), trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đang giam giữ trên 4.500 phạm nhân. Trong đó có hơn 100 phạm nhân ở tuổi vị thành niên.
Theo Trung tá Lê Thị Huyền, Đội trưởng Đội Giáo dục và Hồ sơ, Trại giam Vĩnh Quang, phạm nhân tuổi vị thành niên chấp hành án tại đây chủ yếu vi phạm các tội như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp tài sản; Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý; hiếp dâm người dưới 16 tuổi; giết người.
Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, thiếu hiểu biết pháp luật nhưng theo Trung tá Huyền, những người này lại thừa liều lĩnh dẫn tới những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do không có sự theo dõi, giám sát, quản lý chặt chẽ của gia đình. Nhiều thanh thiếu niên đó bỏ bê học hành, bị bạn bè rủ rê làm việc xấu, vi phạm pháp luật trong thời gian dài mà gia đình không hề hay biết.
Trường hợp phạm nhân Triệu Văn T., SN 1985, trú tại Nà Nhàng, Cần Yên, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng bị Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng tuyên án tù chung thân về 2 tội Hiếp dâm, Giết người, hiện đang chấp hành án tại trại giam Vĩnh Quang là ví dụ điển hình.
Theo lời kể của T., khi vi phạm pháp luật, T. mới tròn 18 tuổi. Trước đó, T. cũng chỉ mới học hết lớp 5 thì nghỉ. Nhận thức pháp luật kém, cộng với tính cách bồng bột khiến T., phải trả một cái giá quá đắt cho việc làm của mình.
Gần 21 năm chấp hành án ở trại giam Vĩnh Quang nhưng không bao giờ T. quên được giây phút gây án. Lúc đó, khoảng 19h ngày 19/9/2003. Do va chạm với một phụ nữ đi đường, T. đã không kiềm chế được. Hai bên xảy ra cự cãi. Người phụ nữ cầm dao và liềm để chống trả, T. đã khống chế được, bóp cổ người phụ nữ đến chết và thực hiện hành vi đồi bại. Qua giám định pháp y, cơ quan chức năng xác định người phụ nữ chết do bị chẹp cổ và đang mang thai tháng thứ 5.
Hay như trường hợp của Nguyễn Văn T., SN 1990 trú tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. T. bị kết án Chung thân khi mới tròn 18 tuổi.
Theo lời kể của T, do trẻ tuổi, thiếu hiểu biết pháp luật, bản thân cũng chỉ học hết lớp 9 thì nghỉ học. Do có mâu thuẫn từ trước nên 11h ngày 7/12/2008 T. rủ 3 đối tượng ầm hung khí đến nhà ông Nguyễn Văn Th.. Tại đây, T và các đối tượng đi cùng đã đâm chết người thân trong gia đình ông Th.
Theo Trung tá Huyền, không chỉ vi phạm những tội rất nghiêm trọng, nhiều phạm nhân khi đến chấp hành án phạt tù tại Trại giam Vĩnh Quang cũng phạm phải những tội ít nghiêm trọng nhưng mức án cũng cao do phạm tội nhiều lần, hoặc phạm tội liên quan đến ma tuý. Nhiều phạm nhân đến khi phải chấp hành án đều tỏ ra gây ngô, không biết việc mình làm lại để lại hậu quả lớn như vậy.
Ví như trường hợp phạm nhân Nguyễn Tiến Ch, SN 1991, trú tại tỉnh Thái Nguyên, phải chịu mức án 30 năm do trộm cắp tài sản. Trước đó, Ch. cũng rất nhiều lần thực hiện hành vi này; hay phạm nhân Ninh Văn A, SN 2005, trú tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, chịu mức án 10 năm 6 tháng tù tội mua bán trái phép chất ma tuý, tổ chức sử dụng trái phép ma tuý.
Ninh Văn A. cùng 2 đối tượng khác bàn bạc thuê nhà ở, cùng góp tiền sau đó sử dụng mạng xã hội để tìm mua và đăng bán ma tuý Tobaco để kiếm lời và sử dụng. Các đối tượng được xác định nhiều lần bán ma tuý cho người khác. Ngoài ra khi phát hiện, bắt giữ, lực lượng chức năng còn thu được hơn 433 gram ma tuý mà đối tượng bán kiếm lời và sử dụng.
Theo Trung tá Huyền, những phạm nhân này sau khi vào trại giam chấp hành án phạt tù đều được học tập những nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Các hoạt động này nhằm giúp phạm nhân nâng cao nhận thức, kiến thức và hiểu biết về chính sách pháp luật, các giá trị, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, kỹ năng sống phù hợp. Từ đó, họ nhận thức được thái độ, hành vi vi phạm pháp luật để yên tâm tư tưởng, ăn năn hối cải, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, tích cực lao động, học tập, rèn luyện tiến bộ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nội quy trại giam sớm trở thành người có ích.
Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, bản thân ông đã từng tham gia giải quyết nhiều vụ việc mà người phạm tội, thực hiện các hành vi trái pháp luật là các thanh thiếu niên như: Đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, hoặc gây tai nạn giao thông.v.v..
Qua các vụ việc này có thể thấy, tình trạng thanh thiếu niên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là phạm tội xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: Sự non nớt, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, thiếu kiếm chế và thích thể hiện bản thân, không có sự quản lý, giáo dục đầy đủ từ gia đình, cũng như sự thiếu hiểu biết về pháp luật.
“Sự thiếu hiểu biết, không được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc các bạn trẻ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc. Có những vụ việc mà bản thân người vi phạm không nghĩ rằng hành vi của mình là gây rối trật tự công cộng mà chỉ coi đó là một cách thức để thể hiện bản thân, hay quay video để đăng lên mạng xã hội nhằm thu hút người xem.v.v..” - luật sư Hùng phân tích.
Để khắc phục tình trạng này, theo luật sư Hùng, nhà trường, các đoàn thể (đặc biệt là Đoàn thanh niên) và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các bạn trẻ.
Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp với độ tuổi, tâm sinh lý của từng nhóm đối tượng cụ thể (hội diễn văn nghệ, phiên tòa giả định, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.v.v..), tránh các hình thức tuyên truyền mang nặng tính hình thức, khô cứng, không thu hút, lôi cuốn được sự chú ý và tham gia của các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, theo luật sư Hùng, Bộ Giáo dục và Đào đạo cũng nên nghiên cứu để tăng cường lồng ghép các kiến thức pháp luật vào các môn học hoặc các xây dựng thành môn học riêng phù hợp cho từng cấp học, từ mẫu giáo cho đến đại học. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết, xử lý nghiêm minh các hành vi cố ý vi phạm pháp luật, xét xử công khai, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyền thông, báo chí để vừa tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết pháp luật trong thanh thiếu niên, vừa tăng cường tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
Ngoài ra, các gia đình cũng cần có sự quan tâm đúng mức, có sự quản lý, giám sát và giáo dục phù hợp, không để cho con em mình có các điều kiện thực hiện các hành vi trái pháp luật như: Không giao xe cho các em tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe phù hợp, hoặc không cho các em tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí nguy hiểm như: đao, kiếm, mã tấu.v.v…
Từ khóa: pháp luật, người trẻ, pháp luật, vi phạm pháp luật, không hiểu biết pháp luật, trại giam vĩnh quang, phạm nhân
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN