Người thầy phải gieo mầm giá trị tốt đẹp cho tương lai
Cập nhật: 18/11/2021
Nghệ An: Phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không
Đi ăn cưới về, nhóm 9 người rủ nhau vào chung cư dùng ma tuý
[VOV2] - "Người thầy không chỉ đóng vai trò truyền bá kiến thức, kỹ năng mà còn là người tiên phong, gieo mầm cho người học những giá trị tốt đẹp, năng lực và thái độ nghề nghiệp cho tương lai", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Ngày 18/11, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, nghề giáo cũng như bao nghề khác trong xã hội góp phần làm giàu, làm đẹp cho cuộc sống. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới và phát triển nguồn nhân lực bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết.
Người thầy không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng mà còn là người tiên phong, gieo mầm cho người học những giá trị tốt đẹp, năng lực và thái độ nghề nghiệp cho tương lai.
Năm học vừa qua do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 gây ra những xáo trộn, ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực đào tạo nghề và việc làm, nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động dạy và học của hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
“Ngay trong tâm dịch, khi nhiều trường phải đóng cửa, các sinh viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn lên lớp, vào xưởng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp với phương châm “3 tại chỗ”. Vượt lên khó khăn, thầy và trò đã cùng ăn - cùng ở - cùng học với quyết tâm vừa học vừa chống dịch, góp phần cùng cả nước tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng góp quan trọng vào việc khôi phục kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thay mặt lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gửi gắm sự kỳ vọng vào đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Tuy nhiên, muốn có được đội ngũ nhà giáo giỏi, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số. Áp dụng hình thức dạy học từ xa, trực tuyến theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng xu thế công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó cần chú trọng công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Thường xuyên chăm lo việc nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, để người thầy thực sự là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học trò, là những tấm gương sáng để học trò noi theo.
“Đặt trọn niềm tin ở các thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý trong việc không ngừng học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nhất là kỹ năng số và ngoại ngữ. Đồng thời luôn sáng tạo và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước”, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định.
Tại buổi Lễ Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao danh hiệu cao quý này cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Cũng trong sáng 18/11, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Bế mạc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên lần đầu tiên Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp được tổ chức trực tuyến. 404 nhà giáo tranh tài tại 113 địa điểm trình giảng của 55 địa phương và 06 Bộ, ngành.
Giáo viên thực hiện bài thi của mình tại địa điểm trình giảng do các địa phương chuẩn bị và kết nối với cổng thông tin Hội giảng. Giám khảo thực hiện đánh giá tại nơi làm việc của giám khảo qua máy tính cá nhân kết nối cổng thông tin Hội giảng.
Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 đã huy động được tinh thần, trí tuệ, khả năng tư duy, sáng tạo và tài năng sư phạm của đông đảo các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.
Nhiều bài giảng thành công trong việc áp dụng công nghệ mới, ứng dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao, tạo nên sức hấp dẫn đối với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng.
Ban Giám khảo đã đánh giá, chấm điểm hơn 4.000 lượt bài giảng sáng tạo của hơn 400 thầy, cô giáo dạy giỏi đến từ 55 tỉnh, thành và 6 bộ, ngành. Kết quả, Ban Tổ chức trao 7 giải tập thể, 20 giải Nhất, 40 giải Nhì, 80 giải Ba cho các giảng viên xuất sắc.
Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao Bằng khen tặng 7 nhà giáo đạt giải Nhất, giải Nhì và giải Ba tại Cuộc thi Thiết kế bài giảng trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp năm 2021.
Từ khóa: Ngày nhà giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Huân chương lao động, Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2