Người ta bỏ quên lại là người quan tâm ta nhất

Cập nhật: 07/10/2020

VOV.VN - Ai cũng sẽ có 4 người bạn trong cuộc đời của mình. Nhưng người quan trọng nhất lại thường bị bỏ bê. Nếu thấu hiểu được triết lý này, ắt hẳn bạn sẽ có cuộc sống hạnh phúc.

Câu chuyện người đàn ông và bốn người vợ

Tất Đạt Đa Cồ Đàm – Người sáng lập Phật giáo và là một triết học, học giả, sống ở Ấn Độ cổ đại trong thế kỷ VI và IV trước Công Nguyên. Về sau, hậu thế tôn vinh ngài thành Đức Phật Gautama hay còn được gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni.

Trong những triết lý mà ngài rao giảng, có một vấn đề mà đến thời điểm hiện tại vẫn được nhiều người coi là “kim chỉ nan cuộc đời”. Muốn hiểu rõ, hãy nghe qua câu chuyện người đàn ông và bốn người vợ.

Ngày xưa, có một người đàn ông có 4 bà vợ. Vì thời ấy nam giới được “tam thê tứ thiếp” nên điều đó không có gì lạ. Một ngày kia, người chồng bỗng ngã bệnh và được chuẩn đoán là sắp ra đi.

Đến lúc lâm chung, ông sợ cảm giác cô đơn khi đi qua thế giới bên kia, nên đã yêu cầu người vợ đầu tiên đi cùng mình. Ông nói “Vợ yêu quý, trong bốn người tôi yêu quý bà nhất, chăm sóc bà trong suốt cuộc đời. Giờ tôi sắp ra đi rồi, bà có thể đi cùng tôi được không?”.

Những tưởng người vợ đầu sẽ đồng ý, nhưng bà đáp “Chồng yêu quý, tôi biết ông lúc nào cũng yêu tôi. Và giờ ông sắp qua đời. Có lẽ chúng ta nên chia tay. Tạm biệt chồng yêu dấu”.

Sau lời từ chối của người vợ đầu, ông đành gọi người vợ thứ hai vào. Lần này ông cầu xin bà đi sẽ đi cùng mình vào cõi vĩnh hằng “Bà ơi, bà biết tôi yêu bà như thế nào mà. Dù nhiều lúc tôi sợ bà sẽ rời xa tôi, nhưng tôi tin vào bà, bà sẽ đi cùng tôi chứ?” – người chồng khẩn khoản.

Nhưng người vợ lại lạnh lùng đáp “Người vợ đầu đã từ chối đi cùng ông, sao tôi có thể đi theo ông được. Ông vốn yêu tôi chỉ vì sự ích kỷ của mình thôi”.

Sau hai lần bị từ chối bởi người mình tin tưởng và yêu thương, ông hấp hối gọi người vợ thứ 3 đến, song cũng bị từ chối “Chồng yêu dấu, tôi rất thương ông và buồn cho phận mình. Nhưng tôi sẽ đưa tiễn ông khi ông mất. Đấy là việc cuối cùng mà tôi có thể làm”.

Cuối cùng còn người vợ thứ 4, nhưng trong 4 người thì ông lại chẳng mấy quan tâm bà, nếu không muốn nói là một nô lệ, luôn thể hiện sự khó chịu với cô. Thế nên ông nghĩ rằng bà sẽ từ chối khi ông đề xuất chuyện đi cùng mình qua thế giới bên kia.

Nhưng ông vẫn lấy ra can đảm, gọi bà đến bên giường và đưa ra lời đề nghị giống 3 người vợ trước, và thật bất ngờ, bà ấy đồng ý “Chồng yêu quý, em sẽ đi cùng anh. Cho dù chuyện gì xảy ra em cũng sẽ ở bên anh mãi mãi, em không thể sống xa anh được”.

Ý nghĩa của câu chuyện một người đàn ông và bốn người vợ

Có thể bạn vẫn còn hoang mang với ý nghĩa câu chuyện, nhưng dưới con mắt của Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm, ông lý giải:

- Người bạn đời thứ nhất tượng trưng cho vẻ bề ngoài chúng ta. Lúc nào ta cũng yêu quý bản thân mình, cung phụng, chăm sóc, làm đẹp,…. Nhưng cuối cùng đến cuối đời, bạn chẳng thể đem theo thứ ấy sang thế giới bên kia.

- Người bạn đời thứ hai tượng trưng cho vật chất, tài sản, công việc, vị thế và danh tiếng của bạn. Cuộc đời ai cũng muốn nhiều hơn nhưng lại sợ mất đi những thứ này. Thế nhưng đến khi nhắm mắt xuôi tay bạn lại chẳng thể mang theo bên mình.

- Người bạn đời thứ ba tượng trưng cho mối liên hệ giữa bố mẹ, anh chị, bạn bè, họ hàng, xã hội. Khi mất họ sẽ khóc thương và đưa bạn về nơi chín suối, họ thông cảm và buồn bả cho sự ra đi của bạn nhưng chẳng thể đi cùng bạn.

- Người bạn đời thứ tư tượng trưng cho tâm hồn của chúng ta. Trong suốt cuộc đời tâm hồn có lẽ là điều mà ta thường ít quan tâm nhất, đôi khi còn gạt bỏ đi những cảm xúc chân thật của bản thân, để những suy nghĩ tiêu cực chi phối nó,…. Nhưng đến cuối đời nó lại là người song hành với bạn.

Kết luận

Với bản thân, có thể yêu quý và trân trọng nhưng đừng quá nuông chiều. Với tiền bạc vật chất mặc dù quan trọng nhưng đừng đánh đổi mọi thứ để đạt được. Trong các mối liên hệ đừng dựa dẫm và phụ thuộc quá nhiều. Và hãy dành thời gian để nuôi dưỡng tâm hồn, để cuộc sống mỗi ngày đều bình yên./.

Từ khóa:

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập