Người phụ nữ một đời đi "tìm con" cho người khác
Cập nhật: 22/10/2019
VOV.VN - GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM đã đi tìm kiếm con cho biết bao cặp vợ chồng hiếm muộn.
Sau ngày cưới, hạnh phúc với mỗi cặp vợ chồng là có được đứa con. Thế nhưng, vẫn còn những cặp vợ chồng dù chờ đợi mỏi mòn vẫn chưa thể chạm tay vào ước mơ được làm cha, làm mẹ.
Khoảng 30 năm trước, một người phụ nữ 33 tuổi từ Hải Dương lặn lội vào Bệnh viện Từ Dũ để khám và điều trị vô sinh đã ám ảnh người đứng đầu Bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng lúc bấy giờ. Người phụ nữ này hai lần thai ngoài tử cung, bị vỡ ra máu nhiều nên bị cắt hết buồng trứng, thành vô sinh. Nhưng chị kỳ vọng vào bệnh viện phụ sản hàng đầu khu vực phía Nam với mong mỏi có một điều kỳ diệu sẽ đến với mình.
BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng tư vấn cho bệnh nhân. |
Bác sĩ Phượng giải thích cho bệnh nhân này hiểu, chỉ có phương pháp thụ tinh ống nghiệm mới có thể giúp chị được. Hiện nay Việt Nam đang rất cố gắng để có thể mang được những kỹ thuật hiện đại này về.
Sau khi được trấn an, nữ bệnh nhân quay về địa phương và tiếp tục chờ đợi. Nhưng một đêm trực, bác sĩ Phượng nhận được cuộc gọi nói lời vĩnh biệt của chính người phụ nữ đó. Bà vô cùng hoang mang, tìm cách an ủi, kéo dài cuộc gọi, đồng thời lấy giấy bút, ghi chép lại các thông tin, địa chỉ của bệnh nhân, nhờ lao công gấp tốc liên hệ cảnh sát và cơ quan chức năng địa phương ở Hải Dương đến can thiệp, vận động phụ nữ này cố gắng vượt qua khó khăn, chờ đợi thành tựu y học nước nhà mà các bác sĩ đang hết sức nỗ lực làm việc.
Chứng kiến quá nhiều nước mắt và đau khổ của những người hiếm muộn, BS Phượng quyết định phải bằng mọi giá đưa kỹ thuật và kinh nghiệm làm thụ tinh ống nghiệm của nước bạn về Việt Nam áp dụng.
Bác sĩ Phượng bồi hồi nhớ lại: "Nếu như mà không có tiền năm đó thì thực sự không đủ để mua thiết bị máy móc thì chưa có thể nào mà thành lập được đơn vị thụ tinh ống nghiệm với đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại. Nếu như không bắt đầu từ đó thì việc điều trị cho bệnh nhân chậm trễ đi, sẽ kéo dài sự đau khổ của chị em phụ nữ".
BS Phượng vẫn truyền lửa và niềm đam mê cho các thế hệ bác sĩ kế tiếp. |
Vậy số tiền đó ở đâu ra, để cho bà và các đồng nghiệp mua máy móc thiết bị, chuẩn bị hành trang cho việc “sản xuất” những đứa trẻ đầu tiên bằng thụ tinh ống nghiệm? Lúc này, kinh tế đất nước còn vô cùng khó khăn, Nhà nước còn xây dựng kế hoạch hóa dân số, trong khi đó, chi phí để thành lập trung tâm hỗ trợ sinh sản mất 3 triệu USD. Song, bà vẫn nuôi hy vọng.
Năm 1994, bà được cử sang Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ và được cấp học bổng để làm luận án giáo sư. Bà đã tiết kiệm bằng việc sử dụng các sản phẩm khô mang từ Việt Nam, ở ký túc xá, rồi dành dụm tiền mỗi tháng để mua máy móc thiết bị chuẩn bị hành trang cho việc “sản xuất” những đứa trẻ đầu tiên bằng thụ tinh ống nghiệm.
Ngày 30/4/1998 đã trở thành một dấu ấn không thể nào quên đối với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ khi đón nhận tiếng khóc chào đời của 3 đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên ở Việt Nam. 11h30 phút ngày hôm ấy, bác sĩ Phượng trực tiếp vào phòng mổ, 3 thiên thần lần lượt chào đời trong niềm hanh phúc của bao người
Ông Mai Văn Nhơn, bố của một trong ba đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh bằng ống nghiệm kể: Giây phút thiêng liêng đón chào đứa con sau 15 năm đằng đẵng kiếm tìm mọi cách để được có con, người bố đã òa khóc, chắp tay đa tạ vị cứu tinh Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã cho vợ chồng anh được thỏa ước mong làm cha, làm mẹ. Mặc dù giờ vợ ông đã mất, nhưng những ân tình ấy, hơn 20 năm qua vẫn là niềm động lực, là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người bố nuôi con một mình.
Dù đã giúp cho hàng trăm gia đình có con, song giáo sư Phượng vẫn trăn trở làm thế nào để cho những gia đình nghèo khó, ở nơi vùng sâu vùng xa rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn chưa có điều kiện để được tiếp cận kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, bởi chi phí quá cao.
Bởi vậy mà gần 6 năm qua, chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” của bà thành lập và luôn ưu tiên những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn nghèo thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện Mỹ Đức, nơi Giáo sư Phượng làm việc thường xuyên sau khi nghỉ hưu. Đến nay, giáo sư Phượng đã có hàng trăm gia đình gọi là “mẹ”, hàng ngàn đứa trẻ gọi là “bà” với niềm biết ơn vô hạn, đặc biệt là những người mẹ có con.
Chị Hồ Kim Huệ, hiện nay đã có 2 đứa con từ chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” cho biết: Mặc dù chưa gặp được giáo sư Phượng, song với sự trân trọng vì nhờ chương trình này, chị đã được làm mẹ sau nhiều năm không có điều kiện để đi thụ tinh ống nghiệm để có con.
Chị Huệ hạnh phúc kể về niềm vui làm mẹ của mình: "Lúc mà bác sĩ bắt em bé ra rồi hai hàng nước mắt tuôn trào luôn. Nói chung đúng như người ta nói, không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của người làm mẹ, hạnh phúc của mình chắc phải gấp đôi của người ta luôn. Thời gian đó chồng cũng xin nghỉ ở nhà, chắc anh hạnh phúc quá nên xin ở nhà phụ chăm con".
Gặp BS Phượng, nghe kể chuyện bà chứng kiến các tình huống những cặp vợ chồng biết mình sắp làm bố, làm mẹ, mới thấy niềm vui ngày càng nhiều lên, là động lực cho bà cống hiến. Nghỉ hưu đã lâu, lẽ ra là được nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, song Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn làm việc không ngưng nghỉ, vẫn là cố vấn cho đội ngũ y các y bác sĩ ở lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm.
Điều hạnh phúc và tự hào là con gái bà- Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan đang tiếp nối con đường của bà, đó là ươm mầm hạnh phúc cho những gia đình nhỏ./.
Sản phụ Nghệ An sinh thường bé gái nặng đến 5,5 kg
Từ khóa: Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Bệnh viện Từ Dũ, thụ tinh ống nghiệm, chữa hiếm muộn
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN