Người nghèo không nhận hỗ trợ và lòng tự trọng của “quan tham”

Cập nhật: 11/05/2020

VOV.VN -Thật khó cắt nghĩa khi những người nghèo, lại nhường sự hỗ trợ cho người khác, trong khi nhiều người có chức, có quyền lại dễ dàng sa ngã vì tiền? Có phải lòng tự trọng của con người đã quyết định tất cả?

Trong những ngày qua, hàng ngàn người dân ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã có đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, để nhường cho những người khó khăn hơn và họ thấy rằng “việc làm này đem lại điều tốt cho đất nước và cho địa phương".

Trước hết phải khẳng định, họ là những người nghèo, đang rất cần sự hỗ trợ trong thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sự hỗ trợ đối với họ lúc này vô cùng cần thiết để giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Họ xứng đáng và rất cần nhận được sự hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ của Chính phủ.

Đối với nhiều người, khoản tiền này có thể không là gì, nhưng với những người nghèo, đây là một khoản hỗ trợ lớn, có thể cứu đói gia đình họ trong một khoảng thời gian dài chờ đến vụ mùa hay khi ổn định cuộc sống.

Nhưng vì sao họ lại viết đơn tự nguyện không nhận khoản hỗ trợ này? Có lẽ hơn ai hết, họ là người hiểu rất rõ giá trị đồng tiền. Đồng tiền mà họ đã và đang vất vả lao động cật lực, cả ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra nó. Thậm chí đồng tiền thấm đẫm máu, nước mắt của bản thân và của nhiều người.

Cũng có lẽ vì hiểu rõ giá trị đồng tiền, họ đã tự nguyện từ chối để nhường cho những người khó khăn hơn. Bởi họ hiểu, đồng tiền đến đúng địa chỉ, giúp đỡ những hoàn cảnh thực sự khó khăn thì mới thực sự hữu ích và có ý nghĩa.

nguoi ngheo khong nhan ho tro va long tu trong cua "quan tham" hinh 1
Đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ của người dân.

Và hơn hết là sự thấu hiểu và chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, của Chính phủ khi trong thời gian dài nỗ lực chống dịch. Họ chia sẻ với sự vất vả của Chính phủ nhưng hơn hết là chia sẻ sự đồng cảm, chăm lo, vì sức khỏe của người dân của Chính phủ. Đó là hành động tất cả vì người dân, vì sức khỏe cộng đồng như người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã nhiều lần khẳng định “sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu, kể cả phải hy sinh lợi ích kinh tế”.

Cũng có lẽ vì thế, người dân cả nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài đã dành hết tâm sức cùng Chính phủ trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19. Người dân trong nước nỗ lực, tận tâm, tận lực kể cả khi phải cố gắng hơn 100% sức lực. Thật cảm động khi ở đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình hình lực lượng y bác sỹ, hải quan, quân đội… tận tình hỗ trợ người ở nước ngoài về cách ly, tận tình chăm sóc bệnh nhân kể cả khi phải “nếm mật nằm gai”, “ăn rừng ngủ núi” nhưng không hề có một lời phàn nàn, than vãn. Sự tận tâm đến nỗi chính những người về cách ly cũng phải thốt lên “chính sự tận tụy của các anh chị đã giữ lại sự bình an trong khi tâm hồn đang hoảng loạn vì lo sợ bệnh dịch của chúng tôi”.

Còn kiều bào ta ở nước ngoài, kể cả những nước ở thời điểm đang là tâm dịch như Hàn Quốc, Mỹ, Anh… cũng hướng về nước, chung với nỗi lo của đất nước, san sẻ cả những vật “thiết thân” chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, máy khử khuẩn…

Và những người nghèo- những người đang rất cần sự hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch- họ đã thấu hiểu được sự vất vả của cả nước, của Chính phủ và hiểu rõ giá trị của đồng tiền nên đã tự nguyện từ chối sự hỗ trợ, để “nhường cho những người khó khăn hơn”.

Trong lúc mình khó khăn, đang cần sự hỗ trợ mà còn nghĩ đến được “những người khó khăn hơn” thực sự đáng quý, đáng trân trọng. Và không chỉ có vậy, trong lúc dịch bệnh, còn rất nhiều câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người. Đó là mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam dù đã 94 tuổi nhưng vẫn ngày đêm tham gia với tổ phụ nữ may khẩu trang tặng người nghèo, hay nhiều cháu học sinh đã quyên góp toàn bộ số tiền “nuôi lợn” trong nhiều năm để tặng người nghèo, rồi những cây ATM gạo, ATM thực phẩm… đã cứu đói cho hàng vạn người nghèo trong lúc khó khăn do dịch bệnh.

Ấy vậy mà, giữa những việc làm tốt đẹp ấy, vẫn còn không ít những hành động phản cảm, trục lợi, thậm chí lợi dụng dịch bệnh để “ăn tiền”. Trong lúc cả nước đang khó khăn, dồn sức chống dịch thì một số người đã lợi dụng để buôn bán khẩu trang, vật tư y tế giả để trục lợi. Điển hình là vụ “quan tham” Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm đã có hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế để ăn chênh lệch hàng tỷ đồng. Hành vi của Nguyễn Nhật Cảm và đồng bọn sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng qua đây cũng là tiếng chuông báo động về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận không nhỏ những người có chức, có quyền.

Minh chứng là trong thời gian vừa qua, khi cuộc chiến chống tham nhũng đi vào hồi quyết liệt, đã có rất nhiều cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.

Vì sao họ đều là những người có chức, có quyền, được tôi luyện trong nhiều môi trường nghiêm ngặt lại dễ dàng sa ngã đến như vậy? Họ sẵn sàng đánh đổi danh dự, nhân phẩm. Đồng tiền có sự cám dỗ ghê gớm. Nó đã khiến cho những người đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, từng được tôi luyện trong một môi trường được coi là cực kỳ nghiêm ngặt, hoặc những cán bộ, Đảng viên đã kinh qua rất nhiều vị trí công tác, được thấm nhuần ở mức cao nhất Điều lệ Đảng lại dễ dàng sa ngã đến như vậy.

Thật khó cắt nghĩa khi những người nghèo, thậm chí nghèo đến nỗi không có một bữa cơm đủ no lại nhường sự hỗ trợ cho người khác, trong khi nhiều người có chức, có quyền, kinh qua nhiều chức vụ công tác lại dễ dàng sa ngã vì tiền?

Với những người nghèo, họ cảm thấy day dứt khi nghĩ rằng, vẫn còn nhiều người nghèo khổ hơn, cần sự hỗ trợ hơn và họ đã từ chối nhận hỗ trợ. Và hơn hết, “việc làm này đem lại điều tốt cho đất nước và cho địa phương". Đó còn là ý thức trách nhiệm của bản thân với quê hương, đất nước.

Nhưng với những người có chức có quyền khi đã sa ngã, họ đã đánh đổi danh dự, lòng tự trọng cho những cám dỗ vật chất tầm thường. Nhiều người đến khi đứng trước vành móng ngựa mới chợt nhận ra “mất mát lớn nhất của con người là mất danh dự”.

Danh dự, lòng tự trọng luôn là điều thiêng liêng, cao quý nhất đối với mỗi con người. “Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức. Còn vật chất chỉ là phù vân” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh./.

Từ khóa: người nghèo không nhận hỗ trợ, gói 62.000 tỷ, lòng tự trọng của quan tham, dịch covid-19, covid

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập