Người lưu giữ ký ức lịch sử về Biệt động Sài Gòn

Cập nhật: 30/04/2020

VOV.VN - Hiểu biết về lịch sử, về Biệt động Sài Gòn mà không chia sẻ nó tới khắp mọi miền là mang tội lớn với cha ông...

Mấy chục năm nay, anh Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế) ngược xuôi khắp nơi để mua lại và phục dựng nhiều địa điểm từng là nơi hoạt động của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa.

nguoi luu giu ky uc lich su ve biet dong sai gon hinh 1
Anh Bình (áo xanh) và khách tham quan di tích Hộp thư bí mật Hầm nooiir Sài Gòn.

Mình không làm thì đợi ai?

Những ngày này, anh Trần Vũ Bình bận từ tờ mờ sáng đến tận khuya. Các di tích Biệt động Sài Gòn của anh tại TP.HCM đã mở cửa trở lại sau đợt nghỉ dịch kéo dài và thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Không chỉ tới lui các di tích để hỗ trợ công tác hướng dẫn, tham gia tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày 30/4 lịch sử cho các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định năm xưa, anh còn tất bật với công đoạn thương lượng, tìm nhà thầu phục dựng ngôi biệt thự số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận. Anh Bình cho biết, may mắn lắm anh mới chuộc lại được di tích quan trọng này trong chuỗi những căn nhà của biệt động thành.

“Căn biệt thự nay đã bị xuống cấp, kiến trúc cũ cũng mất đi phần lớn nhưng nếu tìm được nhà thầu chất lượng, hứa hẹn một di tích lịch sử sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới. Đây từng là nơi sản xuất tranh, bàn ghế, mệm, các loại màn trang trí nội thất... phục vụ trong Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài vì thực chất căn nhà này là nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ công tác nội thành Sài Gòn. Nhiều câu chuyện hay về các chiến sĩ biệt động được lưu giữ tại đây”, anh Trần Vũ Bình cho biết.

Tính đến thời điểm hiện tại, anh Trần Vũ Bình đã mua lại, phục dựng và đưa vào khai thác hơn 10 di tích từng là nơi hoạt động của cha mình, thành viên đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Đó là Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn, Hộp thư bí mật - Hầm nổi Sài Gòn, Bảo tàng thông minh Biệt động Sài Gòn, Nhà và hầm của Tư lệnh Trần Hải Phụng… nơi lữu giữ những câu chuyện sống động về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai cùng các đồng đội năm xưa. Căn nhà đầu tiên phải hơn 10 năm anh mới chuộc lại được do nhiều lý do khác nhau. Nhưng trong đó, trở ngại lớn nhất là người ta sợ anh mua xong sẽ đập đi xây cao ốc kinh doanh nên không muốn trao nhà. Không trách, chẳng buồn, cứ thế anh miệt mài đến thương thảo, bày tỏ nguyện vọng lưu giữ di tích với chủ nhà và con cháu họ. Mưa dầm thấm lâu, năm 2005, anh đã sở hữu căn nhà biệt động đầu tiên: Hộp thư bí mật - Hầm nổi Sài Gòn, nơi được mọi người gọi với cái tên thân thuộc là “Cà phê Biệt động Sài Gòn”.

Khách đến quán cà phê này không chỉ được thưởng thức món xưa mà còn tận mắt nhìn các hiện vật quý giá, nghe con cháu các chiến sĩ biệt động kể về cha ông họ, lồng vào đó là những câu chuyện lịch sử sống động. Vào các dịp lễ quan trọng, anh Bình thường tổ chức chương trình gặp gỡ chiến sĩ biệt động thành để các nhân chứng lịch sử kể lại câu chuyện của họ và đồng đội cho thế hệ sau.

nguoi luu giu ky uc lich su ve biet dong sai gon hinh 2
Quán cafe Biệt động Sài Gòn của anh Bình thường xuyên tổ chức kể chuyện giáo dục lịch sử cho các thế hệ học sinh.

Người đàn ông nặng nợ với lịch sử này cho biết, giai đoạn đầu vô cùng khó khăn vì phải vay mượn khắp nơi để chuộc nhà, phục dựng mà chưa ai hiểu anh đang làm gì: “Khi phục dựng ngôi nhà gỗ thuộc di tích đầu tiên, tôi mất nguyên một năm trời. Sáng đi làm kiếm tiền, chiều về là đến di tích đóng cửa làm cái này, sơn phết cái kia, tỉ mỉ từng chút một cho đúng nguyên mẫu. Công tác sưu tầm, tìm kiếm hiện vật các ngôi nhà cũng không hề đơn giản. Nhưng mọi nỗ lực đã đem lại kết quả tốt.

Đến nay nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân thành phố và du khách trong cũng như ngoài nước. Làm xong căn đầu tiên, tôi tiếp tục tìm kiếm những di tích khác để phục dựng với mong muốn sẽ có thêm nhiều người biết về Biệt động Sài Gòn. Nhiều người nói tôi khùng vì cứ suốt ngày làm chuyện không đâu. Nhưng nếu tôi không làm thì ai làm? Chẳng lẽ mình cứ ngồi chờ đợi”.

Để lịch sử sống mãi với thời gian

Nhờ di tích Hộp thư bí mật - Hầm nổi Sài Gòn được phục dựng và đưa vào phục vụ khách tham quan mà anh Bình có cơ hội kết nối với nhiều con cháu các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ngày xưa. Trong số đó có những người từng vào sinh ra tử với cha anh, cán bộ hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc nhà tư sản Mai Hồng Quế. Rồi công nghệ ngày càng phát triển, anh muốn khách đến tìm hiểu di tích được trải nghiệm. Vậy là Bảo tàng thông minh Biệt động Sài Gòn ra đời không lâu sau đó.

“Ở bảo tàng này, khách ngồi ghế, ăn nhẹ và đeo kính 3D để trải nghiệm không gian di tích bằng những câu chuyện do tôi phục dựng. Trong những câu chuyện lịch sử đáng nhớ ấy, không chỉ có tư liệu, hình ảnh mà cả những video clip do tôi và cộng sự thực hiện, tích hợp nhằm mang đến cái nhìn tổng quát về Biệt động Sài Gòn cho mọi người xem.

Chúng tôi mở bảo tàng và các di tích 24/7 vì muốn người dân có nhiều cơ hội trải nghiệm. Nhân viên phục vụ tại các di tích này không ai khác ngoài con cháu của các chiến sĩ biệt động thành. Họ giới thiệu đến mọi người câu chuyện của cha ông mình và chung tay giữ gìn hiện vật, bảo vệ di tích mỗi ngày”, anh Trần Vũ Bình trải lòng.

Tìm kiếm, phục dựng di tích, sưu tầm hiện vật đã khó, công tác thu thập tư liệu lịch sử, tạo thành mạch truyện kể còn phức tạp hơn gấp bội. Anh Bình dành cả tuổi trẻ của mình để tìm hiểu tài liệu về cuộc đời các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, tìm hiểu về lịch sử Việt Nam giai đoạn đó rồi kể lại bằng những chất liệu mới, hấp dẫn nhưng rất sát thực tế.

Khi ngồi đọc toàn bộ hồ sơ, tài liệu và xem từng bức ảnh mà người cha quá cố để lại, anh vừa xúc động, vừa tự hào. Rồi anh gõ cửa tìm gặp nhiều đồng đội của ba, ngồi từ ngày này qua ngày khác nghe họ kể những câu chuyện lịch sử và ghi lại không thiếu chữ nào. Những câu chuyện kể, tài liệu có được cùng với kiến thức tích lũy sau nhiều năm liền tới lui các thư viện lớn nhỏ được anh chia sẻ đến người xem tại mỗi di tích.

Mới đây, một Trạm giao liên quan trọng của Biệt động Sài Gòn ngày trước tại ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi đã được anh Bình chuộc lại, phục dựng và phát triển thành bảo tàng ký ức biệt động. Sắp tới, ngành du lịch TP.HCM sẽ đi vào khai thác tour du lịch Biệt động Sài Gòn tại điểm đến này. Mong muốn lan tỏa ký ức lịch sử, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ biệt động ngày xưa đến thế hệ trẻ ngày nay, anh Bình còn nhân bản mô hình bảo tàng Biệt động Sài Gòn tại nhiều tỉnh, thành khác. Trong tương lai không xa, sẽ có thêm bảo tàng Biệt động Sài Gòn tại tỉnh Quảng Ngãi, Thái Bình và nhiều bảo tàng lịch sử di động tại miền Tây.

“Mình hiểu biết về lịch sử, về Biệt động Sài Gòn mà không chia sẻ nó tới khắp mọi miền là mang tội lớn với cha ông. Tôi chỉ mong trời thương cho nhiều sức khỏe, nhiều động lực để đi nhiều hơn, chuộc được nhiều di tích hơn. Thế hệ đi trước hy sinh không cần đền đáp thì mình làm được gì giúp đời cứ thế làm thôi. Tôi sẽ phục dựng thêm hàng loạt di tích nữa để nhiều người biết các chiến sĩ biệt động đã sống, chiến đấu và hy sinh như thế nào cho nền hòa bình của dân tộc”, anh Trần Vũ Bình nói.

Ngày nắng đêm mưa cũng mặc, cứ tìm được manh mối di tích Biệt động Sài Gòn nào, anh Trần Văn Bình đều lập tức đến kết nối và bàn cách chuộc lại rồi từng bước phục dựng, giới thiệu cho nhiều người biết. Một thế hệ kế thừa đang được anh truyền lửa. Đi đâu, anh cũng đưa hai con trai theo cùng, dặn dò đủ điều, hướng dẫn từng chi tiết. Trần Vũ Bình bảo đã đến lúc cho các con biết rõ công việc cũng như ước mơ của mình để nếu lỡ mai sau anh nằm xuống, các con sẽ thay anh tiếp tục con đường ý nghĩa này. Anh nói mình may mắn khi bắt tay vào công tác tìm hiểu, phục dựng các căn nhà Biệt động Sài Gòn từ sớm và được nhiều người chung tay giúp đỡ, ủng hộ. Và khi mọi người đã đặt niềm tin vào mình thì khó mấy cũng phải làm cho bằng được mới yên lòng. Đó là cách anh thay cha mình trả ơn những người đồng đội đã ngã xuống, trả ơn cuộc đời./.

Từ khóa: 30/4, giải phóng miền nam, biệt động sài gòn, Người lưu giữ ký ức lịch sử, thống nhất đất nước

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập