“Người kết nối” nơi tiền tuyến chống dịch Covid-19
Cập nhật: 08/04/2020
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU
Kim Long Motor Huế hợp tác với tập đoàn ô tô Trung Quốc sản xuất xe du lịch
VOV.VN - Đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, có nhà không thể về, nhớ con nhỏ... là những xúc cảm mà các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 phải đánh đổi.
Đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, có nhà không thể về, nhớ con nhỏ mà không thể chăm sóc, … là những xúc cảm mà các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch đang đánh đổi để tiếp tục hành trình “chống giặc Covid-19”.
L.M.T là bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai – nơi mà những ngày vừa qua liên tiếp phát hiện các ca nhiễm Covid-19 mới. Là bệnh viện tuyến đầu nên ngay cả khi đang thực hiện cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì anh T cũng như các y bác sĩ tại đây vẫn phải đối mặt với áp lực công việc rất lớn khi cùng lúc điều trị cho nhiều ca bệnh nặng, vừa phải thực hiện công tác phòng chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình.
Bệnh viện Bạch Mai được cách ly đặc biệt sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. |
Anh kể, thông thường anh về nhà khá muộn nhưng vẫn tranh thủ cùng gia đình ăn tối và đôn đốc các con học bài. Do đặc thù công việc có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, nên anh luôn thường trực nỗi lo không biết mình có đem theo mầm bệnh về nhà không?
Vì vậy, kể từ khi bệnh viện Bạch Mai phát hiện ca nhiễm đầu tiên cho đến nay, dù chưa thuộc diện cách ly nhưng anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã tình nguyện ở lại bệnh viện, vừa hỗ trợ các đồng nghiệp khác, vừa là để đảm bảo cho sức khỏe của gia đình và cộng đồng.
Anh T chia sẻ, ngoài là một bác sĩ, anh cũng là một người chồng, một người cha với bao trọng trách phải gánh vác. Tuy nhiên, đã hơn 2 tuần nay, mọi sinh hoạt ở nhà từ chăm con, dạy con học đều phải do vợ anh một tay quán xuyến. Thương vợ, thương con nhưng sau mỗi ca trực, anh chỉ có thể tranh thủ thời gian gọi điện về hỏi thăm sức khoẻ gia đình,cũng như động viên vợ con hãy cố gắng trong thời gian anh vắng mặt.
“Hôm sinh nhật con út, tôi gọi điện về chúc mừng sinh nhật thì cháu khóc òa lên vì nhớ bố. Lúc ấy sống mũi tôi cũng cay cay, tôi cũng muốn lao ngay về nhà để ôm con vào lòng lắm chứ, nhưng vì trách nhiệm của mình và hơn nữa, là sự an toàn của vợ con tôi, tôi không thể làm thế được. Chưa bao giờ tôi lại thấy khoảng cách vài km lại xa vời đến như thế” – Anh T tâm sự.
Cũng như anh T, rất nhiều các “chiến sĩ” áo trắng, áo xanh khác đang phải làm việc vất vả không quản ngày đêm, cùng đất nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Là lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân cả nước đều đang trông chờ, mọi trách nhiệm đều đổ dồn lên đôi vai của họ.
Xa gia đình, xa người thân, lực lượng tuyến đầu chống dịch đang phải ngày ngày đương đầu với áp lực tăng theo số người cách ly và số bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngày một tăng. Trong những ngày cao điểm chống dịch này, họ chỉ có duy nhất chiếc điện thoại để duy trì liên lạc với bên ngoài và gặp người thân.
“Không được về nhà suốt nhiều ngày qua, nhớ chồng, nhớ con lắm nhưng tôi không cảm thấy đơn độc vì có các đồng nghiệp cũng đang cùng tôi sát cánh làm nhiệm vụ. Là một người thầy thuốc, chống dịch không chỉ là trách nhiệm mà còn là vì gia đình mình, vì đất nước” - tâm sự của một nữ bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), cơ sở tuyến đầu của ngành y tế đang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong suốt 2 tháng qua. Tại đây, ngày cao điểm có đến hơn 200 người đến khám và làm xét nghiệm.
Thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm virus tạiBệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. |
Chị cho biết có những ngày 21h mới cầm trên tay được hộp cơm, ăn được 1, 2 miếng lại vội buông đũa khi nhận thông báo có bệnh nhân mới được chuyển đến. Càng nhiều người vào, càng phải đảm bảo công tác cách ly cho từng người, đầu việc lại tăng thêm, số thời gian nghỉ ngơi theo đó mà giảm xuống.
“Mới ngày đầu nhận nhiệm vụ, còn có thời gian về nhà ăn bữa cơm với gia đình, nhưng hiện tại, muốn về nhà cũng không thể, nhiều lúc nhớ gia đình, chỉ có thể gọi điện 5, 10 phút là quý lắm rồi”.
Trân trọng và thấu hiểu nỗi vất vả của lực lượng tuyến đầu, các nhà mạng đã gửi tặng cán bộ y tế, đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, tình nguyện viên tại các khu cách ly gói ưu đãi viễn thông để tiếp sức đẩy lùi Covid-19.
Theo đó, các bác sĩ sử dụng dịch vụ di động Viettel sẽ được tặng 60GB data/tháng (2GB/ngày), miễn phí tất cả các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút và 50 phút gọi ngoại mạng/tháng. Nhà mạng này cũng tổ chức giám sát, bổ sung nâng cấp tài nguyên, hạ tầng và triển hai các xe phát sóng lưu động tại hơn 200 điểm cách ly tập trung thuộc 54 tỉnh/TP trên cả nước.
Với sự hỗ trợ này, các y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu có thể an tâm dành mọi tâm sức cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, không phải lo phát sinh chi phí cũng như gián đoạn liên lạc trong thời gian tạm xa gia đình vì công việc.
Lực lượng trong tuyến đầu chống dịch sẽ được Viettel tặng gói ưu đãi dịch vụ viễn thông cho đến khi hết dịch COVID-19 |
Cùng với gói ưu đãi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân tại các khu cách ly tập trung cũng nhận được chương trình hỗ trợ từ nhà mạng Viettel.
N.T.Thảo, 24 tuổi, là F1 tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 107, đang thực hiện cách ly 14 ngày tại bệnh viện Y học cổ truyền, Mỹ Đình, Hà Nội. Thảo chia sẻ, trong những ngày cách ly ở bệnh viện, Thảo cảm thấy cô đơn và nhớ nhà, nhớ bạn bè.
Hàng ngày, không có việc gì làm nên cô chỉ chủ yếu dành thời gian để cập nhật tin tức, học tiếng Anh online qua điện thoại. Thảo cho biết thêm, ngay sau khi vào khu cách ly, cô và các thành viên đều được ban quản lý và nhà mạng hỗ trợ đăng ký gói ưu đãi dịch vụ viễn thông 14 ngày gồm 3GB data tốc độ cao, miễn phí toàn bộ các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút để giữ liên lạc với gia đình trong những ngày được cách ly tại bệnh viện.
Data tại khu cách ly được đảm bảo cho nhu cầu làm việc và giải trí. |
Chưa hết, sau thời gian cách ly, Thảo sẽ tiếp tục được nhận chính sách ưu đãi mà nhà mạng Viettel dành cho toàn bộ khách hàng đang dùng dịch vụ 3G/4G và internet cáp quang: Tặng 50% lưu lượng cho các gói data đang sử dụng và nâng băng thông internet cáp quang lên gấp 2 lần mà hoàn toàn không tăng giá.
Trong bối cảnh cả nước áp dụng biện pháp cách ly xã hội, nhu cầu học và làm việc online tăng cao đột biến. Được biết, theo thống kê của Cục Viễn thông, lưu lượng truy cập internet tại Việt Nam tăng tới 40% so với tháng trước, việc tặng lưu lượng cho các gói data và tăng băng thông cho các gói internet cáp quang chính là hành động thiết thực nhất của Viettel đóng góp vào việc đẩy lùi dịch bệnh./.
Từ khóa: tiền tuyến chống dịch Covid-19, đại dịch covid-19, viettel, bệnh viện bạch mai
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN