Người hát kể sử thi giữa đại ngàn
Cập nhật: 16/02/2024
VOV.VN - Đã qua 80 mùa trăng có lẻ, già Rơ Châm Nha - “cây đại thụ”, “pho sử thi sống” của buôn làng Gia Lai vẫn sừng sững như cây cao giữa đại ngàn, đem tình yêu, tâm huyết của mình truyền lửa đam mê đến thế hệ trẻ, “giữ hồn” sử thi Tây Nguyên.
“Chuyện kể rằng, chàng Giông có cô em gái tên H’Lúi. “Này, em gái, ta phải đi đây. Ta phải đi tìm người con gái để làm bạn, trao gửi tâm tình và xây dựng tổ ấm cho tương lai. Ta không biết sẽ đi về hướng nào nhưng dù thế nào đi nữa ta cũng phải đi tìm…”. Chia tay em gái, chàng đi vào con đường mòn trong rừng sâu, chàng đi mãi đi mãi; vượt qua không biết bao nhiêu đồi núi cao, bao nhiêu thác ghềnh, sông suối…”.
Cứ như thế, câu chuyện của già làng Rơ Châm Nha, ở làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai miên man từ canh giờ này sang canh giờ khác. Già Rơ Châm Nha là một trong số không nhiều người còn lại nơi vùng đất bazan này còn có thể hát kể sử thi…
Đêm khan này cũng như bao đêm khan khác, năm này cũng như nhiều năm trước đó, tuy tuổi tác có đổi thay, thời gian có làm bào mòn nhiều thứ, nhưng hễ cứ bước vào không gian huyền thoại, say đắm ấy, già Rơ Châm Nha lại thấy như mình của thời trai trẻ. Cả trăm bài sử thi già đều thuộc làu, từng câu, từng chữ vẫn chắc nịch ngân vang… Với già, sử thi là tiếng nói tâm linh, tựa như hơi thở, như nhựa sống Tây Nguyên.
Giữa mênh mang trời đêm tĩnh lặng, bên bếp lửa bập bùng, giọng già cất lên, lúc ầm ào thác đổ, khi hiền hòa yên vui, lúc gầm vang vách núi, khi lại lảnh lót reo ca tựa tiếng cười đùa của những chàng trai, cô gái Jrai, Ba Na, Ê Đê hồn hậu… Đất trời Tây Nguyên như ngả nghiêng theo những lời kể đắm say, hoang sơ và đầy huyễn hoặc…
Đã qua 80 mùa trăng có lẻ, già Rơ Châm Nha – “cây đại thụ”, “pho sử thi sống” của buôn làng Gia Lai vẫn sừng sững như cây cao giữa đại ngàn. Ngày mỗi ngày, già lại đem tình yêu, tâm huyết của mình truyền lửa đam mê đến thế hệ trẻ, “giữ hồn” sử thi Tây Nguyên. Thế nhưng, tình yêu ấy, niềm đam mê ấy sẽ không có ý nghĩa gì nếu thế hệ con cháu hôm nay không mặn mà với truyền thống văn hóa của cha ông.
Và như một sự đền đáp, người cháu ngoại của già – Rơ Châm Tứ, năm nay 15 tuổi, chẳng biết tự khi nào cũng say mê sử thi Tây Nguyên. Những đêm dài nghe ông rỉ rả những bản trường ca ngỡ như bất tận, để rồi từng câu, từng chữ ngấm vào người, tự nhiên mà thuộc, tình yêu cũng theo đó lớn dần. Rơ Châm Tứ giờ đã có thể thay ông “kể khan”, cùng ông viết tiếp những giấc mơ đại ngàn.
Anh Rơ Châm Thuân, cán bộ văn hóa xã Ia Ka bảo, trước kia, làng nào cũng có vài nghệ nhân biết kể khan, nhưng giờ thì hiếm rồi, những đêm khan cứ thế mà vắng dần. Thật may mắn khi vẫn còn có những nghệ nhân tài hoa, tâm huyết như già Rơ Châm Như, vẫn có những “chàng trai đại ngàn” ngày ngày “theo dấu cha ông” như Rơ Châm Tứ… Để con cháu lại được nghe hát kể mỗi đêm…
Bất chấp cái ồn ã, xô bồ, náo nhiệt ngoài kia, bất chấp cuộc sống mưu sinh đời thường khó nhọc, những lời khan vẫn được cất lên đầy say mê, huyễn hoặc. Và họ cứ hát, những bài hát của dân tộc mình được cha ông truyền lại từ nghìn đời trước. Nói như già Rơ Châm Nha: “Người Tây Nguyên như già - còn thở, còn nhựa sống là còn hát khan”. Bởi chính lúc đó, họ mới đích thị là họ – những đứa con kiêu hãnh của núi rừng…
Từ khóa: sử thi, người hát, hát sử thi, đại ngàn,già Rơ Châm Nha,sử thi tây nguyên
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: minh tâm/vov2
Nguồn tin: VOVVN