Người dân ùn ùn trở lại sau kỳ nghỉ Tết, cửa ngõ Thủ đô ùn tắc dài
Cập nhật: 29/01/2020
Ngư dân-"cột mốc sống" trong bảo vệ chủ quyền biển đảo (26/11/2024)
Lực lượng Kiểm ngư cùng ngư dân trên mọi hải trình (25/11/2024)
VOV.VN -Chiều mùng 5 Tết, người dân ùn ùn trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lượng xe khách đổ về bến mỗi lúc một đông, một số tuyến đường bị ùn tắc.
Sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người dân ngoại tỉnh ùn ùn đổ về Hà Nội vào chiều nay (ngày 29/1, tức ngày mùng 5 Tết). Các tuyến xe khách ken cứng người, khu vực xung quanh bến xe tắc nghẽn cục bộ.
Sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đã bắt đầu trở về Thủ đô, xe khách ken cứng người. |
Tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục vào bến “cõng” theo một lượng lớn hành khách. Ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
Chị Thảo (ở Sông Công, Thái Nguyên) vừa bế đứa con trai đang ngủ gật vừa gọi điện cho người thân tới đón. Chị cho biết, trên chuyến xe từ Thái Nguyên về Hà Nội, do có con nhỏ nên chị được ưu tiên ngồi ghế phía trên.
"Tuy nhiên, lái xe thường xuyên bắt khách dọc đường nên tôi và con nhỏ cảm thấy rất mệt mỏi và bị say xe. Giá vé hôm nay nhà xe cũng lấy cao hơn ngày thường 30-40%", chị Thảo nói.
Tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục vào bến “cõng” theo một lượng lớn hành khách. Ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. |
Còn ông Nguyễn Đức Long (Trực Ninh, Nam Định) cho hay, ngay sau khi ăn xong bữa cơm trưa, ông ra trục đường quốc lộ gần nhà để đón xe. Với tâm lý lên sớm đỡ tắc đường và hy vọng có chỗ ngồi, chờ tới 30 phút, ông mới được lên xe.
“Nhiều xe khách chạy qua, thấy đồ đạc nhiều nhà xe không thèm vẫy hay bắt khách. Khi cánh cửa xe mở, rất đông hành khách ngồi ken cứng. Hàng ghế nhựa dọc lối đi cũng được nhà xe tận dụng làm ghế ngồi để ‘nhồi nhét’ khách,” ông Long cho biết.
Theo ông Long, giá vé xe khách những ngày Tết này cũng cao vọt so với ngày thường nhưng cũng không có đủ chỗ mà ngồi bởi nhiều người có nhu cầu đi lại lên Thủ đô.
“Bình thường giá vé xe về Nam Định chỉ 70.000 đồng, nhưng trong chiều nay, giá xe đều đội thêm 30.000 đồng với lý do ngày lễ, Tết. Nếu không chấp nhận mức giá này, phụ xe liền không nhận và nói thêm còn nhiều người đang không có xe mà đi,” ông Long nói.
Vẻ mệt mỏi, bơ phờ của một gia đình sau khi bước chân khỏixe khách, kết thúc kỳ nghỉTết. |
Thậm chí, một số hành khách ở Bình Lục (Hà Nam) khi được phụ xe cho lên cũng phải chấp nhận giá vé đồng hạng giống như đi từ Nam Định.
Theo nhiều người phản ánh, chiều nay (mùng 5 Tết) khi xe khách qua trạm thu phí Pháp Vân vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại trạm thu phí. Sau khi “thoát” được ra khỏi khu vực trạm khoảng 2km, hàng nghìn phương tiện lại phải “chôn chân” vì tắc nghẽn. Lượng xe đổ về quá đông và cùng thời điểm khiến cửa ngõ phía Nam của Thủ đô ùn tắc kéo dài.
Dọc trục đường Ngọc Hồi và Giải Phóng ùn tắc cục bộ bởi lượng phương tiện dồn về quá đông vào thời điểm cuối giờ chiều. |
Tại khu vực bến xe Giáp Bát, rất đông cánh tài xế xe Grab và xe ôm truyền thống đứng chèo kéo khách. Ngay dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe khách không vào bến mà tấp ngay sát lề đường để trả khách.
Càng về cuối giờ chiều, lượng phương tiện nối đuôi nhau chờ vào cửa ngõ và các bến xe mỗi lúc một đông.
Dịch vụ “xe chung” giá cắt cổ
Vì không muốn bị nhồi nhét trên xe khách, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2020, nhiều người dân đã chọn dịch vụ đi xe chung để trở về Thủ đô nhưng phải chấp nhận giá “cắt cổ”.
Anh Lê Hoàng Tuấn ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) phản ánh, do đặt vé xe khách liên tỉnh không được, anh đã lên trang facebook “Hội đi xe chung Thanh Hóa - Hà Nội” tìm xe và nhận được báo giá từ 350.00 – 400.000 đồng/người và xe chạy vào tầm chiều tối. Một chiếc taxi hãng “36” thì ra giá 1,7 triệu đồng/trọn xe và chỉ dừng có thể trả khách ở khu vực bến xe Nước Ngầm chứ không thể đưa vào nội đô Hà Nội. Sau khi khảo giá, anh đã lựa chọn phương án ngồi ghép xe với giá 400.000 đồng.
Nhiều người phản ánh họ bị nhồi nhét, thu cao hơn giá quy định trên những chuyến xe ra Hà Nội. |
“Mặc dù biết giá tiền gấp 4 lần (giá xe khách ngày thường từ Sầm Sơn - Hà Nội là 100 nghìn đồng/người) nhưng đành chấp nhận vì không bị nhồi nhét và có thể đến Hà Nội sớm hơn để giữ sức khỏe cho ngày làm việc đầu tiên sau nghỉ lễ”, anh Thành cho biết.
Loại xe đi chung, xe đi ghép đang nở rộ và được nhiều người lựa chọn nhưng tiềm ẩn nhiều bất cập và nguy cơ. Dịch vụ này được phép đăng thông tin tìm xe, tìm khách, hoạt động không cố định, thường xuyên nên cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc quản lý. Thực chất đây là một kiểu vận tải hành khách liên tỉnh trá hình nhưng việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn khi quy định còn kẽ hở và chủ xe cố tình lách luật.
Lên phương án phân luồng về Hà Nội nếu cao tốc Pháp Vân ùn tắc
Hiện tượng ùn ứ kéo dài gần 2km khiến các phương tiện di chuyển khá khó khăn. |
Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội tuyên truyền giải quyết tai nạn, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, ngoài các phương án hướng dẫn, phân luồng đón người dân ở các tỉnh phía Nam lên Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết, Phòng CSGT còn chuẩn bị sẵn phương án hướng dẫn phương tiện trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ rẽ về quốc lộ 1B theo lối ra từ Vạn Điểm (Phú Xuyên) và Thường Tín (Hà Nội). Phương án này đã được thống nhất cùng Sở GTVT Hà Nội trước đó.
Đến chiều tối, tại điểm cuối cao tốc hướng vào thành phố đã xảy ra hiện tượng ùn ứ khi biển người từ các tỉnh phía Nam đổ về. |
Còn Trung tá Lê Văn Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội - đơn vị phụ trách địa bàn cửa ngõ phía Nam vào trung tâm TP Hà Nội) thông tin, từ đầu giờ chiều 29/1, các tổ công tác của đơn vị đã ứng trực tại đầu cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn qua quận Hoàng Mai) để điều tiết các phương tiện lưu thông từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên đường vành đai 3 trên cao theo 2 hướng đi về quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và qua cầu Thanh Trì đi huyện Gia Lâm, quận Long Biên. Tại đường Giải Phóng, một tổ công tác cũng túc trực hướng dẫn phương tiện lưu thông vào nội đô.
Để bảo đảm giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố thông suốt, Đội CSGT số 14 đã lên phương án, đồng thời có kế hoạch phối hợp với Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 3, Cục CSGT (Bộ Công an) - đơn vị phụ trách cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Đội CSGT số 8 (thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) phụ trách địa bàn huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên thường xuyên thông báo tình hình từ xa để linh hoạt trong xử lý.
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khuyến cáo, người điều khiển phương tiện giao thông trong dịp này sẽ rất đông, vì vậy cần tuyệt đối tuân thủ đi đúng làn, đúng tốc độ và theo hướng dẫn, chỉ huy, phân luồng của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến./.
Phạt 99 triệu với ô tô nhồi nhét khách trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai
CSGT sẽ xử lý nghiêm hành vi nhồi nhét khách dịp nghỉ lễ 2/9
Người dân “bơ phờ” trở lại thành phố trên các chuyến xe “nhồi nhét” khách
Từ khóa: bến xe, tết Nguyên đán Canh Tý, nút giao Pháp Vân, xe khách, giá vé xe khách
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN