cổng thông tin điện tử ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
Đời sống
Người dân Hà Nội tất bật sắm lễ cúng Tết Đoan ngọ trong cơn mưa dầm
Cập nhật: 10/06/2024
Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em - nguyên nhân, hậu quả và giải pháp phòng ngừa (25/11/2024)
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - trụ cột của phát triển ngành thủy sản bền vững (24/11/2024)
VOV.VN - Sáng nay 10/6 (tức 5/5 Âm lịch), bất chấp cơn mưa nặng hạt, nhiều người dân Hà Nội “đội mưa” đi sắm Tết Đoan ngọ.
Tết Đoan ngọ (Tết diệt sâu bọ), người dân thường sắm các lễ vật gồm: mận, vải, rượu nếp, hoa… để dâng lên bàn thờ tổ tiên sau đó cùng các thành viên trong gia đình thụ lộc. Đây là một trong những ngày Tết truyền thống thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt. Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội như chợ Chợ Hôm, Chợ Hàng Bè, chợ Ngọc Hà, chợ Nghĩa Tân, trước và trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân đi mua sắm tấp nập. Thị trường hàng hóa phục vụ ngày Tết này vì thế rất nhộn nhịp, sôi động, với đủ loại sản phẩm. Ngoài những mặt hàng không thể thiếu trong mâm cúng cổ truyền dịp Tết Đoan ngọ thì những năm gần đây mâm cỗ cúng có thêm bánh xu xê, bánh ngũ sắc, xôi cốm, bánh trôi… Những mặt hàng này có giá ổn định và phù hợp với túi tiền người dân. Ngoài ra, gà cúng, bánh gio cũng được nhiều gia đình sắm sửa cho mâm lễ cúng gia tiên. Cơm rượu nếp cẩm, nếp cái hoa vàng không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ. Giá 1 hộp dao động từ 20.000-50.000 đồng. Hoa cau là một trong những loài hoa biểu tượng của sự thanh khiết, mang lại may mắn, thường được các gia chủ bày lên mâm lễ cúng ngày Tết Đoan ngọ. Ngày Tết Đoan ngọ năm nay rơi vào thứ 2 đầu tuần, mặc dù từ sáng sớm trời mưa khá to, nhưng nhiều người dân vẫn “đội mưa” đi sắm lễ về cúng gia tiên. Chị Trần Thu Hằng, tiểu thương ở Chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vài ngày trước Tết Đoan Ngọ, lượng khách đến sắm lễ cúng tăng cao. Tuy nhiên, ngày Tết trùng với ngày thứ 2 đầu tuần nên khách mua hàng thưa thớt hơn. Thông thường, trong ngày tết Đoan ngọ, cơm rượu nếp, hoa quả… được ăn đầu tiên vào buổi sáng sớm khi vừa thức dậy, do đó, trước và trong ngày Tết, giá các mặt hàng hoa quả, rượu nếp sẽ tăng nhẹ so với thường. Theo khảo sát, ngày thường 1kg mận có giá 45.000 đồng thì trong ngày Tết Đoan ngọ, giá tăng lên 65.000 đồng. Tương tự, giá 1kg vải cũng tăng lên 70-75.000 đồng/kg. Không chỉ bán các mặt hàng lẻ theo yêu cầu của khách, mấy năm gần đây, thị trường Tết Đoan ngọ cũng nở rộ dịch vụ làm mâm cỗ cúng theo yêu cầu hoặc đặt theo mẫu sẵn có. Những mâm cỗ được chào bán có hình thức siêu đẹp, đầy đủ được nhiều bà nội trợ ưa chuộng. Một mâm lễ như thế này có giá 500.000 đồng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, mâm lễ có thể có giá rẻ hơn hoặc cao hơn. Chị Hoàng Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy, vào ngày Tết Đoan ngọ, chị thường dậy từ sớm và đi sắm lễ về dâng lên tổ tiên, cầu mong sức khỏe, may mắn, bình an cho cả gia đình. Tại các cửa hàng hoa, lượng khách đến mua cũng đông hơn ngày thường. Tuy vậy, giá hoa vẫn giữ ở mức khá ổn định hoặc nếu tăng thì chỉ tăng nhẹ. Một bó sen trắng có giá 45.000-50.000 đồng, được nhiều người tiêu dùng chọn mua về thắp hương gia tiên. Mỗi dịp đến Tết Đoan Ngọ, trên “chợ mạng” không khí mua sắm cũng rất nhộn nhịp. Dịch vụ làm mâm cỗ cúng theo yêu cầu hoặc đặt theo mẫu sẵn có với hình thức bắt mắt được nhiều người đặt hàng. Giá dao động từ 350.000-500.000 đồng/mâm. Mỗi năm chỉ có 1 ngày Tết, dù bận rộn đến mấy, ai cũng mong sắm được 1 mâm cỗ tươm tất để dâng lên tổ tiên, thể hiện lòng thành, cầu một năm mùa màng bội thu không bị sâu bệnh phá hoại cũng như cầu sức khỏe, bình an cho cả gia đình.
Từ khóa: hà nội, người dân hà nội, tết đoan ngọ, mưa nặng hạt, sắm tết đoan ngọ
Thể loại: Đời sống
Tác giả: chung thủy/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN
Nội dung (*)
bài liên quan
tin mới nhất
tin đọc nhiều nhất
Giấy phép hoạt động số:385/GP - BVHTT cấp ngày 24/12/2003 CopyRight © 2018 R&D Chính sách bảo mật riêng tư