Người dân Điện Biên kêu cứu vì bị thu hồi đất cho dự án sai quy định

Cập nhật: 02/11/2019

VOV.VN - Gần chục hộ dân sinh sống tại khu vực tổ 5, phường Thanh Trường (Điện Biên) đang kêu cứu do thu hồi đất cho dự án Nam Thanh Trường sai quy định.

Vừa qua gần chục hộ dân sinh sống tại khu vực tổ 5, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã liên tục gửi đơn kêu cứu tới VOV, cho rằng chính quyền thành phố Điện Biên Phủ đang tiến hành thu hồi đất của người dân không đúng quy định để bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện xây dựng dự án khu đô thị mới Nam Thanh Trường.

Trao đổi với phóng viên VOV vào sáng 31/10, 8 hộ dân có tên trong danh sách bị thông báo thu hồi đất và buộc phải phá dỡ các công trình xây dựng không phép cho rằng cách làm của Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ là chưa đúng theo các quy định của pháp luật. Bởi phần lớn diện tích đất nói trên của các hộ dân đều nhận chuyển nhượng lại từ nhiều năm trước, được ủy quyền sử dụng đất từ chủ sử dụng đất cũ hoặc nhận khoán trực tiếp từ Công ty Cây công nghiệp Điện Biên.

nguoi dan dien bien keu cuu vi bi thu hoi dat cho du an sai quy dinh  hinh 1
Làm việc với phóng viên VOV các hộ dân có tên trong danh sách bị thông báo thu hồi đất và buộc phải phá dỡ các công trình xây dựng không phép cho rằng cách làm của Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ là chưa đúng theo các quy định của pháp luật.

Nguồn gốc đất là của Công ty Cây công nghiệp Điện Biên giao khoán cho các cá nhân làm đất trồng cây lâu năm với thời hạn khoán là 50 năm, kể từ ngày 1/7/1995. Đến nay, thời hạn giao khoán, thuê đất vẫn còn giá trị tới 24 năm và người dân được phép sử dụng một phần đất để làm lán tạm bảo vệ sản xuất trên đất nhận khoán với diện tích là 100m2.

Bà Nguyễn Thị Dung, 1 trong 8 hộ bị thông báo thu hồi đất tại tổ dân phố 5, phường Thanh Trường bức xúc cho biết: Sau khi Công ty Cây công nghiệp Điện Biên không còn hoạt động bao tiêu sản phẩm cho người dân ở đây vào khoảng năm 2008, chính quyền địa phương, công ty đều không có bất cứ hướng dẫn nào cho người dân về việc chuyển đổi mục đích sử dụng các phần đất nông nghiệp này.

Do đó, khi việc trồng cà phê không còn hiệu quả, không bán được sản phẩm dẫn đến không có thu nhập nên nhiều gia đình đã phải tự ý thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp với hoàn cảnh. Từ năm 2013, khi các hộ dân làm nhà ở và kinh doanh đều không xảy ra tranh chấp, không cơ quan chức năng nào của phường hay thành phố đến lập biên bản. Chỉ đến khi cuối năm 2018, dự án xây dựng khu đô thị mới Nam Thanh Trường bắt đầu triển khai thì chính quyền mới liên tục thúc giục người dân tháo dỡ công trình hoặc tiến hành cưỡng chế nhà cửa của người dân, đẩy người dân lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.

nguoi dan dien bien keu cuu vi bi thu hoi dat cho du an sai quy dinh  hinh 2
Từ năm 2013, khi các hộ dân làm nhà ở và kinh doanh đều không xảy ra tranh chấp, không cơ quan chức năng nào của phường hay thành phố đến lập biên bản.

Theo bà con nhân dân khu vực tổ 5, phường Thanh Trường, việc làm dự án cho mỹ quan thành phố phấn đấu lên thành phố loại 2, nhân dân ở đây hoàn toàn nhất trí, nhưng mà phải rõ ràng, làm theo đúng quy định của nhà nước và quan tâm đến đời sống của nhân dân.

"Chưa đền bù gì mà đã cưỡng chế giải phóng mặt bằng, gây bức xúc trong dư luận, lấy đất ra mà giao cho doanh nghiệp để chia lô, bán nền thì phải thỏa thuận với chúng tôi xem chế độ chính sách nhà nước như thế nào, đền bù như thế nào. Đất của chúng tôi, có nguồn gốc đất rõ ràng, hẳn hoi, từ khi chúng tôi sử dụng thì không có sự tranh chấp nào mà cũng không có thông báo nào. Từ khi bắt đầu có thông báo thì dân bị khủng hoảng tinh thần, thiệt hại về kinh tế" - đại diện người dânkhu vực tổ 5, phường Thanh Trường (Điện Biên) cho biết.

Tại thông báo số 32 ngày 23/7/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên về việc thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam Thanh Trường nêu rõ, sau khi điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm diện tích đất, tài sản, cây cối, hoa màu của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định. Địa điểm bố trí tái định cư cũng được bố trí tại chỗ theo quy định.

Tuy nhiên, các hộ dân ở đây cho biết đều không nhận được bất cứ hướng dẫn nào, trong khi đó nhiều hộ dân khác cũng nằm trong diện tích đất phải thu hồi vẫn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, một số nhà đã xây kiên cố, làm nhà mới trong năm 2019, nhưng cũng không bị yêu cầu tháo dỡ. Họ cho rằng chính quyền đã không công bằng trong cách làm việc, doanh nghiệp lợi dụng, nhờ chính quyền để thu trắng đất của người dân, vì những diện tích đất này nhất, nằm sát mặt đường.

Ông Phạm Hùng, người dân tổ 5, Thanh Trường cho biết, tại mục e, điều 3 của hợp đồng khoán đất trồng cây lâu năm của người dân với Công ty Cây công nghiệp Điện Biên có ghi rất rõ là người dân sẽ được đền bù giá trị đã đầu tư trên đất nhận khoán trong trường hợp nhà nước thu hồi một phần hoặc toàn bộ đất giao khoán để phục vụ vào mục đích khác.

Thế nhưng, khi Ủy ban Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ tiến hành kiểm kê tài sản, ra các thông báo thu hồi đất, dự toán phương án bồi thường thì lại gạt ra nhiều tài sản trên đất của các gia đình với lý do xây dựng trái phép.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng thì chỉ có 8 hộ có diện tích đất đẹp nhất tại mặt đường là liên tục bị nhận thông báo tháo dỡ công trình vi phạm, thu hồi đất, trong khi gần 70 hộ khác trên địa bàn cũng nằm trong diện thu hồi đất lại không nhận được bất cứ thông báo nào của chính quyền địa phương và vẫn tiến hành xây dựng nhà cửa nhưng lại không bị nhắc nhở.

nguoi dan dien bien keu cuu vi bi thu hoi dat cho du an sai quy dinh  hinh 3
Người dânkhu vực tổ 5, phường Thanh Trường (Điện Biên) cho rằng, chính quyền đã không công bằng trong cách làm việc, doanh nghiệp lợi dụng, nhờ chính quyền để thu trắng đất của người dân, vì những diện tích đất này nằm sát mặt đường.

"Từ năm 2013 mà để xây nhà, xây cửa, cải tạo thành mặt bằng và xây nhà thì không có một cơ quan, chính quyền nào đến để nhắc nhở, cũng chẳng có quyết định xử phạt hành chính vì lúc đấy nó không thuộc quyền quản lý của ai. Trong khi đó, thông báo thu hồi đất có danh sách kèm theo, mọi người đều nghĩ mình đã được quy chủ, nhà nước công nhận đất và nhà ở của mình hiện tại đang hợp pháp. Giáp Tết năm 2019 thì chính quyền mới ra thông báo tất cả các hộ gia đình này phải tháo dỡ các công trình xây dựng không phép trên đất thuê của nhà nước để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thì mọi người ở đây mới ngớ người ra" - ông Hùng cho biết thêm.

Hầu hết người dân bị thu hồi đất ở đây cho biết, đều đồng tình nhường đất cho dự án vì sự phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, yêu cầu việc bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư phải hợp lý. Đó là phải xem xét đến yếu tố giá cả thị trường, tình hình thực tiễn tại địa phương, những khó khăn của người dân khi mất đất sản xuất, cuộc sống xáo trộn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có quy định cụ thể về việc thu hồi, bồi thường đất để đảm bảo quyền lợi người dân, cụ thể như quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 69 năm 2009. Hay như quy định tại Điều 112, Luật Đất đai 2013 cũng đề cập việc định giá đất để bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường mua bán.

Ông Vũ Hoàng Tùng, người dân tổ 5, phường Thanh Trường bức xúc: "Các cấp chính quyền vẫn ra quyết định cưỡng chế nhưng chúng tôi không đồng ý. Còn mong muốn của chúng tôi là nếu như tỉnh thu hồi đất để làm mục đích công cộng thì chúng tôi sẽ ủng hộ. Còn nếu như thu hồi đất của chúng tôi để giao cho doanh nghiệp làm dự án thì phải xuống thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, theo đúng quy định".

Thực tế cho thấy, việc chính quyền thành phố Điện Biên Phủ tiến hành thông báo rồi cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng của người dân để giao đất cho doanh nghiệp một cách không minh bạch đang gây bức xúc cho nhiều người dân, dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương....

Phóng viên VOV sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này./.

Từ khóa: Điện Biên, thu hồi đất sai quy định, đất dự án, thu hồi đất, đất nền

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập