“Người dân Campuchia luôn ghi nhớ công lao của Việt Nam“
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Theo ông Long Dany, những người lính Việt Nam đã mang lại sự sống cho nhân dân Campuchia, những nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ.
Vào những ngày này cách đây 42 năm, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã cùng với những người đồng đội của mình băng rừng, lội suối, chạy trốn khỏi tập đoàn diệt chủng Pol Pot, đào thoát sang Việt Nam, tìm đường giải phóng đất nước Campuchia.
Nhờ sự giúp đỡ chí cốt, chí tình của quân và dân Việt Nam, Thủ tướng Hun Sen cùng các đồng đội đã quay trở về lật đổ chế độ Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, xây dựng lại đất nước Chùa Tháp hòa bình, thịnh vượng như ngày hôm nay.
Nhân dịp này, phóng viên VOV thường trú tại Campuchia phỏng vấn ông Long Dany, Giám đốc Trung tâm phục hồi nỗi đau diệt chủng Veal Veng về ý nghĩa lịch sử của sự kiện Thủ tướngHun Sen ra đi tìm đường cứu nước.
Ông Long Dany (trái) và phóng viên VOV. |
PV:Ông có thể cho biết về ýnghĩa của hành trình tìm đường cứu nước của Thủ tướng Hun Sen, cũng như những người yêu nước Campuchia khi đó?
Ông Long Dany:Theo tôi, đây là một sự kiện rất quan trọng, đánh dấu thời điểm bắt đầu quá trình chiến đấu, hi sinh đầy gian khổ của Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo khác vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Nó cũng là dấu mốc lịch sử khi Thủ tướng Hun Sen đã quyết định chọn Việt Nam để kêu gọi sự giúp đỡ trong hoàn cảnh khó khăn, gian nguy nhất.
Lịch sử đã chứng minh rằng, quyết định của Thủ tướng Hun Sen hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt khi đặt niềm tin vào những người bạn Việt Nam, những người đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng dưới ách thống trị bạo tàn của bè lũ Pol Pot.
Người dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn của những người lính tình nguyện Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
PV:Ông đánh giá như thế nào về sự giúp đỡ của những người bạn Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử này ?
Ông Long Dany:Trong quá trình giải phóng Campuchia, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, Việt Nam giữ vai trò hết sức quan trọng. Nếu như không có những người lính tình nguyện Việt Nam, không có sự giúp đỡ từ Việt Nam thì quân giải phóng Campuchia khi đó còn non nớt, lực lượng mỏng, yếu, rất khó có thể đánh đổ được chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Đất nước Việt Nam khi đó cũng vừa mới bước ra từ một cuộc chiến tranh, nhưng đã bất chấp khó khăn, hy sinh cả xương máu để giúp đỡ Campuchia. Nhân dân Campuchia luôn luôn ghi nhớ công lao này.
Chủ tịch Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia Heng Samrin trao lá cờ của Mặt trận cho một đơn vị lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Ảnh: Nguyễn Dĩnh – TTXVN. |
PV:Vừa rồi có quan điểm nói rằng: Vào thời điểm đó Việt Nam xâm lược Campuchia. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Long Dany: Đây là quan điểm nhằm lấy một vấn đề lịch sử để phục vụ mục đích chính trị. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi thấy rằng sự thật lịch sử luôn giữ một vai trò quan trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu về lịch sử sẽ giúp cho các thế hệ trẻ hiểu biết và có những suy nghĩ, nhận xét chính xác của mình.
Việc nghiên cứu và giáo dục để ngăn chặn tội ác của chế độ diệt chủng là hết sức quan trọng, nếu hiểu rõ về tội ác của Pol Pot, chúng ta sẽ tìm cách ngăn chặn không cho chế độ này quay trở lại Campuchia, ASEAN hay bất kỳ đất nước nào trên thế giới.
Vai trò của những người lính Việt Nam trong cuộc chiến đấu đó là đã mang lại sự sống cho nhân dân Campuchia, những nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ. Những người lính Việt Nam cũng đã góp phần xây dựng đất nước Campuchia phát triển như ngày hôm nay.
Vì vậy, có thể khẳng định, vai trò của những người lính Việt Nam là hết sức cao cả, chính nghĩa. Đây vừa là hành động nhân đạo, vừa là tình anh em một nhà khi Việt Nam sẵn sàng đổ máu để cứu giúp, mang lại sự sống cho nhân dân Campuchia.
Ông Long Dany:Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tăng cường nghiên cứu, học tập lịch sử, đặc biệt là mối quan hệ keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia. Nếu như thế hệ trẻ hai nước hiểu về lịch sử thì sẽ càng hiểu nhau hơn, gần gũi nhau hơn và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước sẽ ngày càng phát triển bền chặt hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Từ khóa: Pon Pol, chế độ diệt chủng, quân tình nguyện Việt Nam, Việt Nam-Campuchia,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN