Người dân biên giới Lai Châu no ấm nhờ rừng

Cập nhật: 23/03/2021

VOV.VN - Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng bào các dân tộc ở xã biên giới Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có thêm nguồn vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện các mô hình kinh tế để thoát nghèo.

Cũng như nhiều người dân khác trong bản Ma Ký, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, hôm nay, ông Lỳ Lòng Cà dậy sớm nấu cơm sáng, chuẩn bị dụng cụ để cùng một số người dân trong bản đi tuần rừng. Đây là việc làm mỗi ngày của tổ bảo vệ rừng trong bản, nhằm ngăn chặn cháy rừng và chặt phá cây rừng.

Ông Lỳ Lòng Cà chia sẻ, trước kia đời sống bà con rất khó khăn, vì diện tích đất sản xuất ít. Thu nhập chính của bà con chỉ từ việc lên rừng khai thác lâm sản phụ, đốt rẫy làm nương. Không có thu nhập, bà con cũng hay bị kẻ xấu lợi dụng thuê vào rừng chặt cây bán cho chúng. Từ ngày được Nhà nước hỗ trợ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con rất phấn khởi, ai cũng xác định gắn bó hơn với rừng, không chặt phá cây rừng và nhà nào cũng có người tham gia tổ bảo vệ rừng của bản.

“Đi tuần tra rừng, quá trình tuần tra tôi cũng xác định các vị trí. Sau khi về, tôi tiếp tục tuyên truyền giữ rừng với bà con nhân dân và người nhà. Nếu có người vào rừng và xâm phạm đến, chúng tôi sẽ cùng nhau bảo vệ, có trách nhiệm báo lên cấp trên, chính quyền địa phương để giải quyết và đuổi ra khỏi địa bàn”, ông Lỳ Lòng Cà nói.

Thống kê trong năm 2020, người dân bản Ma Ký, xã Mù Cả đã nhận được hơn 5 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Với số tiền này, trung bình mỗi hộ cũng được nhận gần 60 triệu đồng. Từ khoản tiền được hỗ trợ, nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong bản đã dần được hình thành, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Bên cạnh đó, bà con cũng trích một phần kinh phí được nhận để mua thêm dụng cụ, nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác bảo vệ rừng.

“Hàng năm, bà con được nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng thì bản cũng tuyên truyền cho dân sử dụng đúng mục đích. Bà con nhân dân bây giờ cũng đã thực hiện tốt và đời sống cũng được nâng lên khi dùng tiền này mua máy nông cụ phục vụ cho sản xuất, mua thóc gạo, nhu yếu phẩm để sử dụng trong gia đình. Về các dụng cụ bảo vệ rừng như cuốc xẻng, bình tông và đèn pin thì bản đã sử dụng tốt và phát huy được hiệu quả”, ông Pờ O Hừ, Trưởng bản Ma Ký, xã Mù Cả, huyện Mường Tè cho biết.

Xã Mù Cả có 8 bản, hơn 600 hộ, gần 2.600 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Với gần 30.000 hecta rừng, mỗi năm, người dân trong xã được nhận gần 35 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Pờ Khừ Xá, Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết, 2 năm trở lại đây, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng ổn định, người dân trong xã đã đầu tư phát triển kinh tế, nên tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ hơn 60% xuống còn hơn 40%. Đặc biệt là không còn tình trạng chặt phá rừng như trước, bà con cũng hạn chế khai thác các lâm sản phụ từ rừng. Vì vậy, chất lượng rừng của xã ngày càng nâng lên, với tỷ lệ che phủ trên 65%.

“Những năm vừa qua, hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế các hộ dân. Sau khi nhân dân nhận được tiền rừng thì bà con cũng tái phát triển kinh tế; đặc biệt là phát triển chăn nuôi, cây trồng... để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân”, ông Pờ Khừ Xá cho biết thêm.

Có cuộc sống ổn định, thậm chí thoát nghèo từ giữ rừng, đồng bào các dân tộc xã Mù Cả nói riêng, huyện Mường Tè nói chung càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng chung tay xây dựng bản làng, quê hương - vùng đất phên dậu của Tổ quốc ngày càng no ấm, hạnh phúc./.

Từ khóa: biên giới Lai Châu, trồng rừng, bảo vệ rừng, dân tộc Hà Nhì

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập