Người đã quan hệ tình dục có nên tiêm vaccine HPV?

Cập nhật: 20/06/2022

[VOV2] - Nhiều người thắc mắc, đã quan hệ tình dục thì có thể tiêm vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung - một căn bệnh ác tính thường gặp ở người phụ nữ hay không? Bác sĩ Hà Hải Nam - Bệnh viện K hướng dẫn:

Vaccine ngừa HPV là gì?

HPV (Human Papiloma Virus) là virus gây u nhú ở người. Có hơn 200 loại HPV, trong đó hơn 40 loại lây lan qua quan hệ tình dục. HPV loại 16,18 chính là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung.

80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung tuy nhiên có hơn 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra.

HPV có thể tồn tại, phát triển âm thầm trong cơ thể không tạo ra bất kỳ triệu chứng nào. Biện pháp phòng ngừa tối ưu đến 90% ung thư cổ tử cung chính là tiêm vacine phòng ngừa virus HPV đối với bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi.

Giống như các loại vacine khác, vacine HPV kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể và trong tương lai, khi cơ thể tiếp xúc với HPV, kháng thể có sẵn đó sẽ gắn vào virus và ngăn chặn nó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh khác.

Tuy nhiên, các vacine HPV không giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, không dự phòng điều trị các bệnh nhiễm trùng hiện đang mắc hoặc bệnh do virus khác gây ra.

Vacine HPV không bảo vệ chống lại tất cả các loại HPV có thể gây ung thư, do đó, phụ nữ đã được tiêm vacine HPV vẫn cần tuân theo các khuyến cáo sàng lọc ung thư cổ tử cung giống như phụ nữ chưa được tiêm chủng.

Ba loại vacine ngăn ngừa nhiễm các loại virus HPV gây bệnh được cấp phép sử dụng tại Mỹ gồm: Gardasil, Gardasil 9 và Cervarix. Tất cả ba loại vacine này đều ngăn ngừa nhiễm virus HPV loại 16 và 18. Tại Việt Nam hiện đang có hai loại chính là Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ).

Đối tượng và độ tuổi tiêm vacine HPV:

Tại Việt Nam, vacine phòng HPV, theo khuyến cáo của nhà sản xuất vacine, được chỉ định tiêm cho nữ giới, trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa.

Theo khuyến cáo, các chị em nên đi tiêm vacine phòng HPV càng sớm càng tốt. Vacine có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm.

Trẻ từ 9-14 tuổi: Tiêm 2 liều vacine HPV. Liều đầu tiên tiêm trước tuổi 15 nên dùng liều thứ hai từ 6 tháng đến 12 tháng sau liều đầu tiên.

Các nghiên cứu đã cho thấy: 2 liều vacine HPV được tiêm cho trẻ từ 9 - 14 tuổi, cách nhau ít nhất 6 tháng sẽ bảo vệ trẻ tốt hơn so với việc tiêm 3 liều khi trẻ trưởng thành.

Người từ 15 tuổi trở lên: Cần tiêm 3 mũi. Liều đầu tiên tiêm sau tuổi 15, liều thứ 2 sau đó 1-2 tháng. Liều thứ 3 sau liều đầu tiên 6 tháng. Khoảng cách tối thiểu là 4 tuần giữa liều thứ nhất và liều thứ hai, 12 tuần giữa liều thứ hai và liều thứ ba và 5 tháng giữa liều thứ nhất và liều thứ ba.

Mặc dù vacine HPV được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn là được tiêm cho đến tuổi 45, nhưng vacine HPV không được khuyến khích cho độ tuổi từ 27 đến 45 tuổi. Tiêm vacine HPV ở độ tuổi này mang lại ít lợi ích hơn vì đa số họ đã tiếp xúc với nhiều loại virus HPV.

Không có bằng chứng cho thấy tiêm vacine phòng HPV sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, sản phụ có thể chờ sau khi sinh xong mới nên đi tiêm vacine này.

Phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc từng nhiễm HPV

Vacine phòng HPV vẫn có tác dụng khi tiêm cho những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV. Thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm – tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm, nhưng vacine lại có thể làm được điều này.

Bên cạnh đó, HPV có nhiều loại khác nhau. Việc bạn đã từng bị nhiễm một loại HPV nào trước đây, vẫn nên tiêm phòng vacine để tránh lây nhiễm những loại HPV khác.

Những người không nên tiêm vacine phòng HPV:

• Nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của vacine

• Đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở mức độ vừa hoặc nặng.

• Bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.

• Đang có thai hoặc đang cho con bú.

Tác dụng phụ của vacine:

 Vacinne phòng HPV thường khá an toàn. Tuy vậy, phụ nữ khi đi tiêm cũng có thể có một số triệu chứng: đau vùng tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn… nhưng khá hiếm gặp, các triệu chứng cũng thường nhẹ và chỉ thoáng qua. 

Bác sĩ Hà Hải Nam (Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu Hoá 1, Bệnh viện K)

Từ khóa: Vaccine, HPV, ung thư cổ tử cung, phòng ngừa, sàng lọc, an toàn, chỉ định, quan hệ tình dục, nữ giới

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập