
Người cựu chiến binh và hành trình hơn 20 năm đi tìm đồng đội
Cập nhật: 1 ngày trước
Gắn việc học và làm theo Bác với nhiệm vụ chính trị cụ thể
Đại hội Đảng bộ cấp xã sau sáp nhập: Nhìn lại tiềm năng, xác định hướng đi
VOV.VN - Hơn 20 năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa chiến đấu tại chiến trường Campuchia, đã không ngừng nghỉ trên hành trình đi tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về với quê hương. Cùng với tình cảm và trăn trở dành cho đồng đội, hành trình 20 năm của ông thể hiện lòng tri ân lịch sử, tri ân những người đã ngã xuống.
Năm 1982, chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Khoa gia nhập Đại đội 14, Trung đoàn 95, Sư đoàn 307, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia tại tỉnh Preah Vihear, giáp biên giới Thái Lan. Hơn 40 năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in từng trận đánh và từng đồng đội đã nằm xuống. Có người đã về với Tổ quốc, có người vẫn chưa được tìm thấy và quy tập.
"Tôi là người trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường, từng tận mắt chứng kiến biết bao đồng đội hy sinh. Đến giờ vẫn còn nhiều anh em nằm lại chiến trường K, chưa được đưa hài cốt về. Với tôi, tất cả những ai từng tham gia giải phóng đất nước đều là đồng đội. Tôi hiểu rất rõ nỗi đau khi người lính ngã xuống mà không thể trở về với gia đình, không được quy tập hài cốt đàng hoàng. Vì từng cầm súng chiến đấu, tôi thấm thía nỗi lòng đó. Những người chưa được tìm thấy, với tôi, vẫn mãi là đồng đội. Hiện nay, trong sách vở của quân đội vẫn ghi lại nhiều trận đánh ác liệt và tôi từng là xạ thủ trong một số trận như thế”, cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa trải lòng.
Nỗi nhớ thương và lòng trăn trở về những đồng đội còn nằm lại chiến trường liên tục thôi thúc cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa. Năm 2002, ông bắt đầu hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Địa mạo, địa hình thay đổi quá nhiều bởi rẫy nương, khu dân cư và nhiều công trình xây dựng khiến ông Khoa nhiều lần tay trắng. Nhưng nhờ sự kiên trì của ông, nhiều địa điểm quy tập quy mô lớn đã được xác định như gò Dúi Dù, gò Me, và đặc biệt là việc tìm được 5 hài cốt liệt sĩ thuộc Sư đoàn 968 đưa về an táng tại tỉnh Bình Phước (cũ).
Ông Khoa chia sẻ, hành trình của ông không chỉ được dẫn dắt bằng tình đồng đội, ký ức chiến trường mà bằng cả những giấc mơ. Như quá trình tìm kiếm liệt sĩ Trương Công Thanh vào năm 2013, ông Khoa thường xuyên có những giấc mơ về đồng đội và bị thôi thúc lạ kỳ. Ông tìm đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tây Sơn (cũ) để dò hỏi thông tin và được cung cấp một bộ hồ sơ liệt sĩ có tên là “Thanh”, với những chi tiết còn rất sơ sài.
Thế nhưng, bằng một niềm tin mạnh mẽ, ông Khoa rà soát từng chi tiết nhỏ, đối chiếu danh sách các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 94 hy sinh cùng thời điểm, rồi cất công tìm được người em trai của liệt sĩ để hỏi về quá trình nhập ngũ, thời gian hy sinh. Các chi tiết dần trùng khớp và ông đã tìm được đồng đội.
Chia sẻ về việc mình đã và đang làm, Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa trải lòng: "Việc này cứ thôi thúc trong lòng, khiến tôi không thể không làm, dù chẳng ai ép buộc cả. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng. Mỗi lần tham gia hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tôi thấy rất hài lòng, phấn khởi lắm. Dù nắng hay mưa, hễ nhận được thông tin là tôi không thể ngồi yên ở nhà. Trong suốt hành trình ấy, tôi cùng anh em hội viên tích cực vận động hỗ trợ - từ chỗ ăn ở cho thân nhân liệt sĩ, đến việc tiếp đón các đoàn từ xa đến tìm mộ. Có thời điểm cao, nhà trọ ở đây không còn phòng, chúng tôi phải linh hoạt sắp xếp nơi ở tạm cho họ".
Việc làm của ông Khoa không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là sự lan tỏa tình yêu thương, lòng biết ơn sâu sắc.
Ông Đặng Quang Dũng, từng là quản trang Nghĩa trang Bình Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũ, người đã đồng hành cùng ông Khoa gần 20 năm, chia sẻ: "Đồng chí Khoa, một cựu quân nhân, đã tích cực phối hợp với Huyện đội và chính quyền địa phương để tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Anh cũng là người khởi xướng việc đưa hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang. Nhiều thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh xa thường xuyên liên hệ với đồng chí Khoa để phối hợp tìm kiếm, bởi anh có kinh nghiệm và hiểu biết sâu rộng về các địa điểm liên quan".
Trong hơn hai thập kỷ, ông Nguyễn Đăng Khoa đã cống hiến không ngừng nghỉ cho công việc tìm kiếm thông tin và hài cốt đồng đội. Những đóng góp của ông Khoa đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận xứng đáng. Năm 2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba vì những thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu giúp cách mạng Campuchia.
Gần đây nhất, vào năm 2023, ông tiếp tục nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2017-2022.
Theo bà Trần Thị Ngọc Mai, Phó chủ tịch UBND xã Bình Khê, Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa không chỉ là người có công, là công dân gương mẫu, mà còn là bậc cha chú đáng kính của những cán bộ trẻ ở địa phương.
"Chú Khoa là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo, việc làm của chú thể hiện tinh thần và trách nhiệm đối với đồng chí đồng đội của mình, tinh thần đồng đội rất thiêng liêng và cao cả. Qua việc làm này đã lan tỏa tình cảm và trách nhiệm đối với cộng đồng, lòng biết ơn đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của dân tộc. Chúng ta cảm thấy may mắn và trân quý hòa bình, trân quý độc lập mà chúng ta được hưởng ngày hôm nay, và chúng ta phải có trách nhiệm sống và làm việc để không phụ lòng, không phụ sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước", bà Mai khẳng định.
Hành trình 20 năm đi tìm đồng đội của cựu chiến binh Nguyễn Đăng Khoa là biểu hiện sống động của lời thề người lính, của tình đồng đội không phai mờ theo năm tháng. Ông đã và đang thắp lên ngọn lửa của sự tri ân, để những người con ưu tú của dân tộc, dù nằm xuống nơi đâu, cũng sẽ được trở về với đất mẹ.
Từ khóa: Cựu chiến binh, Cựu chiến binh , đồng đội, campuchia,truy tìm hài cốt,chiến trường K
Thể loại: Nội chính
Tác giả: hoàng qui/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN