"Người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc chống tham nhũng"

Cập nhật: 22/10/2019

VOV.VN - Ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, khi dân và Đảng ủng hộ thì quan trọng người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc chống tham nhũng.

Chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, thành xu thế, không ai có thể đứng ngoài cuộc… và “cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”.

Nếu ai đó cưỡng lại “xu thế, phong trào” thậm chí là đứng ngoài cuộc chiến cam go này như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, thì cũng sẽ phải chịu chung sự trừng phạt của Pháp luật.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

nguoi cam co phai la nguoi dot bo duoc chong tham nhung hinh 1
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (Ảnh: Infonet)
PV: Một loạt quyết định thi hành kỷ luật và xử lý sai phạm của các cá nhân, đơn vị là thông tin đáng mừng nhưng cũng là câu chuyện đau lòng về công tác cán bộ thời gian qua. Tâm trạng cũng như suy nghĩ của ông như thế nào khi nghe những thông tin như vậy?

Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi vui mừng trước thái độ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và của cơ quan cao nhất của Đảng, Nhà nước đối với những người phạm sai lầm.

Những cán bộ, đảng viên thoái hóa phải xử lý một cách nghiêm túc, đó cũng là lòng dân – ý Đảng. Theo tôi, đó cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác cán bộ.Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ lọt đến 5 “cửa ải”, đó là bài học lớn.

PV: Việc chỉ ra những sai phạm cũng như xử lý kỷ luật một loạt cán bộ cao cấp như vậy đã cho thấy không có sự nể nang, không có vùng cấm. Theo ông, những việc làm này đã đủ sức răn đe đối với những cá nhân sai phạm và lấy lại được lòng tin trong nhân dân hay không?

Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi, đó là một cơ chế mới đối với những người đã về hưu họ nghĩ đã thoát, không bị kỷ luật nữa. Rồi đây, những người sẽ và đã về hưu sẽ suy nghĩ điều đó.

Sức răn đe ở chỗ, khi đương chức mà mắc sai phạm thì sẽ bị kỷ luật, nhưng khi về hưu anh cũng không thoát được. Điều đó mở ra một hướng mới cho công tác xử lý kỷ luật của Đảng. Tôi cho rằng, bước đầu dân có tin.

"Nếu sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng và Bộ Chính trị có quyết tâm cao, tiếp tục đốt lò lửa này lên thì tôi rất tin tưởng sẽ thành công. Bất kỳ họ là ai, họ giữ chức vụ gì, họ đương chức hay về hưu đều phải chịu án trước vấn đề quần chúng lên án" - ông Nguyễn Đình Hương.
PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ví von: “Cái lò đã nóng lên thì củi tươi vào cũng phải cháy”, cá nhân nào không muốn làm cũng không thể được. Ông bình luận và đánh giá như thế nào khi công tác phòng, chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện mạnh mẽ như vậy?

Ông Nguyễn Đình Hương: Tôi rất thấm thía và tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi quần chúng và toàn Đảng đã lên án, tất cả mọi người đều vào cuộc thì bất kỳ ai có khuất tất gì cũng phải được làm sáng tỏ.

Ý thứ hai của Tổng Bí thư là động viên toàn Đảng, toàn dân vào cuộc thì mới bóc được gốc rễ, úng nhọt của tham nhũng.

PV: Với công cuộc phòng, chống tham nhũng, có thể nói là không được nguội lạnh mà phải đốt lên lò lửa. Câu hỏi dư luận đặt ra lúc này là liệu để có được lò lửa chống tham nhũng thì ai sẽ là người đốt. Và để nó cháy thực sự thì cần có cơ chế giám sát như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hương: Người ta thường nói: “cờ ngoài, bài trong”, tức là người trong cuộc, người đương chức, đương quyền phải là người nhen nhóm, đốt lên và làm bùng cháy ngọn lửa đó. Dân và Đảng ủng hộ, báo chí vào cuộc, quan trọng là người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc đó.

Vấn đề cơ chế giám sát, nếu thể chế của ta như bây giờ thì không thể kiểm soát ai, không ai chịu trách nhiệm trước thất thoát của đất nước. Ai chịu trách nhiệm Formosa, AVG, Vinashin? Đáng lẽ phải kỷ luật những người phụ trách việc đó, phải cách chức họ.

Thứ hai là một việc chống tham nhũng nhưng anh nào cũng nói làm nhưng cuối cùng thì không ai làm.

PV: Chống tham nhũng phải song hành với xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực thì mới giải quyết căn cơ của vấn đề. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Hương: Về kiểm soát quyền lực thì trước tiên phải kiểm soát được quyền lực của cơ quan cao nhất. Nếu không kiểm soát được cơ quan cao nhất thì sẽ không kiểm soát được cơ quan thấp nhất.

Phải có cơ quan cao nhất, tức là có Ủy ban Kiểm tra do Đại hội bầu. Đã có lần tôi đề nghị lập Ủy ban giám sát gồm những cán bộ kiên cường nhất và những người có uy tín nhất trong Đảng để giám sát cơ quan quyền lực.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Từ khóa:

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập