Người bị tạm giam có thể nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại ?

Cập nhật: 30/06/2024

VOV.VN - Ngoài việc được tổ chức, cá nhân bảo lãnh, người bị tạm giam có thể thông qua biện pháp đặt tiền để được tại ngoại.

Tạm giam là một trong các biện pháp ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng minh người bị buộc tội sẽ gây khó khăn trong việc điều tra, truy tố và xét xử hoặc người bị buộc tội sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cty Luật Hồng Bách và cộng sự cho biết, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, thời gian tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian tạm giam dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.

Người bị tạm giam có thể được bảo lãnh tại ngoại theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lãnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lãnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Cá nhân nhận bảo lãnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Ngoài biện pháp bảo lãnh cho người bị tạm giam, để có thể được tại ngoại, người bị tạm giam có thể thông qua biện pháp đặt tiền để bảo đảm theo quy định pháp luật.

Mời quý vị nghe Luật sư Nguyễn Hồng Bách trao đổi các quy định liên quan tới tạm giam tại đây:

 

Từ khóa: tạm giam , tạm giam , nộp tiền bảo lãnh,thi hành án

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: thu trang/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập