Người bị giám sát điện tử chấp hành thế nào theo dự thảo mới của Bộ Công an?

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an xây dựng dành một chương liên quan đến các quy định mới về giám sát điện tử.

Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) gồm 17 chương, 225 điều (tăng 1 chương và 17 điều so với Luật Thi hành án hình sự năm 2019), trong đó, sửa đổi, bổ sung 86 điều, xây dựng mới 17 điều. 

Đáng chú ý, trong dự thảo lần này dành hẳn một chương (Chương IV) liên quan đến giám sát điện tử. Đây là một lĩnh vực mới. Theo dự thảo, người bị giám sát điện tử được gắn một thiết bị giám sát điện tử lên cơ thể của người này để theo dõi vị trí trong quá trình bị giám sát. Khi đi khỏi phạm vi địa bàn cư trú, làm việc, thiết bị sẽ phát cảnh báo đến cơ quan, người quản lý.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Công an đề xuất về những người bị giám sát điện tử là người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; người chấp hành án treo; người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; người chấp hành án phạt quản chế; người chấp hành án phạt cấm cư trú...

Bên cạnh đó, người được hoãn chấp hành hình phạt tù; người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; phạm nhân lao động, hướng nghiệp, dạy nghề tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; phạm nhân được trích xuất và phân quyền quản trị cũng bị đề xuất giám sát điện tử.

Theo dự thảo, người được giám sát điện tử không được tự ý phá hủy, tháo rời khỏi cơ thể, làm mất tính năng, tác dụng của thiết bị giám sát điện tử trong thời gian bị giám sát. Trường hợp cố ý làm hư hỏng thiết bị giám sát điện tử tùy từng mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, người được giám sát điện tử cần đảm bảo thiết bị được kết nối với các trung tâm giám sát được thiết lập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Khi hết thời gian giám sát điện tử, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kết thúc giám sát điện tử đối với họ và thu hồi thiết bị giám sát điện tử.

Ngoài ra, theo dự thảo, một số trường hợp được miễn giám sát điện tử vì các lý do đặc biệt như: bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc không thể đi lại được và được cơ sở khám chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng; trường hợp có lý do chính đáng khác được thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, cấp quân khu xác nhận...

Về trung tâm giám sát điện tử: Trung tâm giám sát điện tử đặt tại cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để cập nhật, quản lý, lưu trữ dữ liệu ghi được từ thiết bị giám sát điện tử phục vụ việc theo dõi, quản lý.

Các dữ liệu sẽ được kết nối, chia sẻ với Trung tâm giám sát điện tử đặt tại cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện.   

Theo Bộ Công an, việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, giáo dục đối với người thi hành án hình sự tại cộng đồng; người được hoãn chấp hành hình phạt tù; người được tạm đình chỉ chấp hành hành phạt tù; phạm nhân lao động, hướng nghiệp, dạy nghề tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; phạm nhân được trích xuất.

Đồng thời, giám sát điện tử nhằm áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác thi hành án hình sự và khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2019, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác thi hành án hình sự hiện nay.

Từ khóa: Bộ Công an, giám sát điện tử, dự thảo, Bộ Công an, thi hành, luật thi hành án hình sự, quy định

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: trọng phú/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập