Người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn
Cập nhật: 19/03/2020
Loại hạt đỏ tươi được ví như “mỏ vàng" dinh dưỡng, Tết đến nhà nào cũng phải có
Loại lá phơi khô thành "báu vật" cho sức khỏe, nhiều người vứt bỏ mà không hay
VOV.VN -Không riêng gì bệnh ung thư, người bệnh có các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn.
Dịch Covid-19 đã và đang là mối lo ngại, quan tâm hàng đầu của cả cộng đồng. Tính đến 17h chiều 19/3, Việt Nam có 76 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 16 ca mắc đã khỏi bệnh và xuất viện. Hiện có 60 trường hợp mắc Covid-19 đang được điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước.
TS.BS Phùng Thị Huyền khám cho bệnh nhân. |
Theo nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư. Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư.
Nhân viên y tế sàng lọc, giám sát chặt chẽ tất cả mọi người ra vào bệnh viện. |
Theo TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch SARS-CoV-2, Bệnh viện K cho biết, Khi khởi phát, nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ho khan, sốt. Trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, khi người bệnh ung thư phổi đã có tổn thương ở phổi thì việc nhiễm thêm SARS-CoV-2 càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt với người bệnh ung thư phổi đang xạ trị, hoá trị, nếu nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh dễ có nguy cơ diễn biến nặng hơn.
“Không riêng gì bệnh ung thư, người bệnh có các bệnh lý nền mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận ... có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn và nếu mắc Covid-19, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn so với những người không mắc các bệnh kèm theo này”- TS.BS Phùng Thị Huyền cho biết.
Phương pháp dự phòng Covid-19 với bệnh nhân ung thư có gì khác biệt?
Cũng theo BS Huyền, trước diễn biến của dịch Covid-19, Bệnh viện K thực hiện sàng lọc Covid-19 hàng ngày đối với tất cả cán bộ y tế, người đến khám bệnh, người nhà người bệnh và cả người bệnh đang điều trị nội trú. Với riêng người bệnh điều trị tại bệnh viện, bệnh viện đã khảo sát tờ khai y tế và theo dõi sát những người có biểu hiện về triệu chứng hô hấp, ho, sốt... Tất cả các khoa, phòng điều trị nội trú đều được bố trí khu vực khám, cách ly cho những người có dấu hiệu lâm sàng, dịch tễ nghi ngờ.
TS.BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch SARS-CoV-2, Bệnh viện K/ |
Tuy nhiên, thực tế nhiều người bệnh sử dụng các thuốc điều trị ung thư (hóa trị) có thể gây biến chứng hạ bạch cầu, sốt, viêm phổi... Vì thế, nếu người bệnh bị sốt khi đang hóa trị nhưng sau khi xem xét kỹ không có yếu tố dịch tễ hay tiếp xúc gần với người nghi mắc Covid-19 thì không đáng lo ngại, sẽ tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
BS Huyền cho hay, các phương pháp dự phòng Covid-19 đối với bệnh nhân ung thư không có gì khác biệt so với người bình thường. Tuy nhiên, người bệnh ung thư cần lưu ý, thận trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Bộ Y tế một cách triệt để, nghiêm ngặt hơn và quan trọng nhất là cần chia sẻ thông tin chính xác với cán bộ y tế để công tác này được triển khai hiệu quả nhất./.
Từ khóa: Covid-19, Covid 19, SARS-CoV-2, ung thư, bệnh viện K
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN